Nhà đầu tư kêu gọi các chính phủ cứng rắn hơn với vấn đề kế toán khí hậu

NDO -

Một nhóm các nhà đầu tư quản lý khối tài sản hơn 2,5 nghìn tỷ USD mới đây đã kêu gọi chính phủ các nước yêu cầu các công ty và kiểm toán viên nộp báo cáo tài chính liên quan đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 của thế giới.

Đất đai nứt nẻ, khô cằn do hạn hán kéo dài tại thị trấn Graaff-Reinet ở Nam Phi ngày 14/11/2019. (Ảnh: Reuters)
Đất đai nứt nẻ, khô cằn do hạn hán kéo dài tại thị trấn Graaff-Reinet ở Nam Phi ngày 14/11/2019. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, trong bức thư gửi tới ông Alok Sharma, quan chức cấp cao về khí hậu của Vương quốc Anh, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Scotland) vào tháng 11, các nhà đầu tư nhấn mạnh rằng, hành động trên là cần thiết để làm sáng tỏ tác động tài chính của biến đổi khí hậu, qua đó đưa ra khuyến khích đầu tư một cách phù hợp.

“Các chính phủ cần yêu cầu các công ty làm rõ những hậu quả tài chính của lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đồng thời buộc các kiểm toán viên công khai những khu vực mà có các công ty không tuân thủ theo,” nhóm này cho hay.

Lời kêu gọi được các nhà đầu tư đưa ra sau khi một nghiên cứu mới đây của Carbon Tracker và Dự án Kế toán khí hậu - một đội ngũ chuyên gia kế toán và tài chính từ cộng đồng các nhà đầu tư - chỉ ra rằng, hơn 70% trong số các công ty phát thải nhiều nhất thế giới đã không công bố toàn bộ rủi ro khí hậu vào năm 2020, với khoảng 80% các cuộc kiểm toán không đưa ra được bằng chứng cho thấy mức độ rủi ro đã được đánh giá.

Hiện vẫn chưa có bình luận nào được đưa ra từ phía Văn phòng của ông Alok Sharma.

Hội nghị COP26 sắp tới tại Glasgow được coi là diễn đàn khí hậu quan trọng nhất kể từ khi các chính phủ đạt được thỏa thuận về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở Paris vào năm 2015. Tất cả các bên hiện đang đứng trước yêu cầu phải đẩy mạnh những nỗ lực của mình để hướng tới mục tiêu chung đã được đề ra.

Cơ quan giám sát kế toán của Vương quốc Anh đã lên tiếng cảnh báo các công ty và kiểm toán viên phải làm tốt hơn nữa công việc này, trong bối cảnh các nhà xây dựng tiêu chuẩn kế toán và kiểm toán toàn cầu nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu đánh giá lại các rủi ro trọng yếu, trong đó có thể bao gồm rủi ro khí hậu.

Mặc dù các nhóm nhà đầu tư đại diện cho khối tài sản 100 nghìn tỷ USD mới đây cũng đã kêu gọi đưa ra các tài khoản kế toán liên quan đến thỏa thuận khí hậu Paris, nhưng thái độ bàng quan từ các công ty và kiểm toán viên cho thấy cần có hành động từ phía chính phủ.

“Nếu chúng tôi lựa chọn chờ đợi các công ty hành động trước áp lực của nhà đầu tư, có thể sẽ mất nhiều năm để đưa ra những con số mà chúng tôi yêu cầu, qua đó chuyển hướng đầu tư theo cách thức phù hợp hơn với các mục tiêu của thỏa thuận Paris,” Reuters dẫn lời các nhà đầu tư nói trong bức thư.

Các bên ký kết bức thư bao gồm cơ quan đại diện phụ trách lương hưu chính quyền địa phương của Vương quốc Anh, chương trình hưu trí AP2 của Thụy Điển và các nhà đầu tư bao gồm Sarasin & Partners - đơn vị điều phối bức thư và một bài trình bày đi kèm, Candriam và Federated Hermes.

Nhóm nhà đầu tư cho biết, đối với những quốc gia quy định việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 như một nghĩa vụ pháp lý (gồm Vương quốc Anh), việc thay đổi luật pháp về kế toán và kiểm toán sẽ “hoàn toàn nhất quán” với các nỗ lực khác của chính phủ.

Một số công ty như BP đã xóa sổ tài sản trị giá hàng tỷ USD vào năm ngoái sau khi họ hạ thấp các giả định dài hạn về giá dầu. Nếu không có kế toán hợp lý, số tiền cần huy động để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp cuối cùng có thể không phát huy tác dụng.

“Các tài khoản kế toán mà không bao gồm những tác động khí hậu lớn sẽ cung cấp thông tin sai lệch cho các giám đốc điều hành, cổ đông và chủ nợ, và do đó sẽ khiến các nguồn vốn bị định hướng sai,” nhóm nhà đầu tư cho hay.