Nhà cổ trong vùng lõi Di sản thế giới Tràng An

Tỉnh Ninh Bình hiện còn khoảng 100 ngôi nhà cổ nằm trong những thôn, làng thuộc vùng lõi Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Những ngôi nhà này được xem như “báu vật” và chứng nhân lịch sử của vùng đất địa linh, nhân kiệt.
0:00 / 0:00
0:00
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Huy Tuấn ở thôn Trường Sơn, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Huy Tuấn ở thôn Trường Sơn, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.

Ninh Bình đang nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ nhằm xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt, bảo tồn và phát huy hiệu quả, bền vững Di sản thế giới Tràng An, xứng đáng là mô hình mẫu mực về bảo tồn và phát triển kinh tế-xã hội.

Bảo vật ở làng

Trưởng thôn Trường Xuân (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) Nguyễn Ðình Khanh nhiệt tình dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà cổ của gia đình ông Giang Tất Ðệ. Nhà xây theo lối kiến trúc truyền thống, chiều ngang, chiều dài đều gần 20 mét.

Chủ nhà tự hào: “Không xác định được cụ thể tuổi của ngôi nhà, nhưng đến tôi là đời thứ tư rồi. Hiện tại, dưới mái nhà này, ba thế hệ của gia đình tôi vẫn đang sinh sống và đều quyết tâm giữ gìn di sản ông cha để lại”.

Theo ông Ðệ giới thiệu, ngôi nhà có kết cấu “năm gian hai dĩ”; được dựng theo kiểu quá giang vượt tường; hệ thống vì kèo theo kiểu “trụ non, con cung, chồng giường, đấu dế”. Nhà chính phân biệt với hiên bằng ngưỡng cửa gỗ; ba gian giữa để “thông tuông”; gian chính giữa bố trí bàn thờ gia tiên rất tôn nghiêm, trang trọng... Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà nổi bật với mái ngói vảy đặc trưng; hàng cột đá và nền nhà cao, vững chãi nhờ có những phiến đá tảng được đục đẽo công phu làm nền; hệ cửa bằng gỗ lim theo kiểu “bức bàn”, là loại cửa rộng suốt cả gian, có nhiều cánh, chân quay then cài...

Ở thôn Trường Sơn (xã Trường Yên), ngôi nhà gần 100 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Huy Tuấn là một trong số ít ngôi nhà may mắn không bị chiến tranh tàn phá và tồn tại đến nay. Vẻ đẹp cổ kính, tinh tế của kiến trúc nhà gỗ cổ đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ vẫn được giữ nguyên. Nhà có năm gian (ba gian chính, hai gian phụ), bên trong nhà có sáu hàng cột vuông, hàng cột hiên cũng bằng gỗ vuông kê trên tảng đá. Tại các vị trí ở đốc nhà, các vì kèo, hoành, ngưỡng cửa, đầu bẩy, hoa văn lá lật, kỳ lân được chạm nổi trực tiếp trên gỗ, bậc đá kiên cố...

Ông Tuấn cho biết, dưới mái nhà này, nhiều thế hệ gia đình ông đã cùng sinh sống, gìn giữ truyền thống gia đình, gắn kết các thành viên gia đình qua nhiều thế hệ. Giữ gìn, bảo tồn ngôi nhà chính là giữ gìn nền nếp gia phong và truyền thống văn hóa quê hương nên gia đình ông đã rất nỗ lực bảo tồn, nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Gần nhất là năm 2016, gia đình đã chi 500 triệu đồng để sửa chữa ngôi nhà bảo đảm giữ được nguyên vẹn những nét kiến trúc vốn có.

Chia sẻ với chúng tôi, Trưởng thôn Trường Xuân Nguyễn Ðình Khanh nuối tiếc: Trước đây, thôn Trường Xuân có khá nhiều nhà cổ, nhưng do điều kiện kinh tế khá lên, nhà truyền thống cũng có những bất tiện khi nhiều thế hệ cùng chung sống, nên nhiều nhà đã bị tháo dỡ, thay thế bằng những ngôi nhà xây theo lối mới. Số lượng nhà cổ giảm đi đáng kể. Những ngôi nhà còn lại trở thành bảo vật không chỉ của gia đình, mà còn của cả làng, xã.

Xây dựng sản phẩm du lịch từ nhà cổ

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: Thống kê đến nay trong vùng lõi Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An còn khoảng 100 nếp nhà cổ, có kiến trúc truyền thống tiêu biểu, được xây dựng trước năm 1945, phân bố chủ yếu trên địa bàn hai xã Trường Yên và Ninh Xuân. Các nếp nhà có kích thước vừa phải, được bảo tồn tương đối tốt, dùng để ở và làm nơi thờ ông bà, tổ tiên. Nhà cổ ở các làng truyền thống vùng lõi Di sản Tràng An có nhiều nét độc đáo như vật liệu xây dựng nhà phổ biến là gỗ, có thể thấy rõ mô hình kiến trúc truyền thống, một số ngôi nhà được trang trí hoa văn, họa tiết khá tinh xảo. Có một số nếp nhà, khi được trao truyền qua vài thế hệ, đã trở thành không gian chỉ để thờ tự và đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh.

Theo nhiều chuyên gia, đây là nguồn tài nguyên quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Cố đô, góp phần tạo nên diện mạo độc đáo không thể trộn lẫn của đất Hoa Lư qua bao thăng trầm lịch sử; là nguồn thông tin và tư liệu quan trọng để nghiên cứu về lĩnh vực kiến trúc truyền thống và phong tục tập quán của cư dân địa phương, góp phần làm phong phú, đa dạng các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô nói riêng và Di sản nói chung, đồng thời là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để phát triển du lịch văn hóa.

Ðể bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ trong vùng lõi Di sản thế giới Tràng An, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt, tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Tỉnh ban hành nhiều văn bản pháp lý và văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan tới việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có quy định một số chính sách hỗ trợ tu bổ, sửa chữa nhà ở mang kiểu dáng kiến trúc truyền thống có tuổi đời từ 50 năm trở lên trong vùng lõi di sản.

Tỉnh cũng đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản văn hóa Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”; qua đó thu được kết quả quan trọng và hữu ích cho định hướng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Tràng An, xây dựng không gian văn hóa làng, xã bản địa... phục vụ mục tiêu phát triển bền vững di sản thế giới Tràng An.

Tuy nhiên, để xây dựng sản phẩm du lịch thành công từ nhà cổ trong vùng lõi di sản, tỉnh Ninh Bình cần lập danh mục nhà cổ, xây dựng tiêu chí, tạo lập cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị, khai thác nhà cổ phục vụ du lịch; cần quan tâm phát huy vai trò của cộng đồng dân cư để lưu giữ, bảo vệ và phát huy một cách tốt nhất những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.