Cuốn sách ra mắt nhân kỷ niệm hành trình 40 năm cầm bút của nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí Huỳnh Dũng Nhân. Điều đặc biệt là cuốn sách được tác giả bắt tay vào thực hiện từ đầu năm 2021 và bị bỏ dở vì ông bị tai biến. Phần sau của cuốn sách được ông hoàn thành nốt trên giường bệnh khi vẫn còn liệt nửa người, bằng chiếc điện thoại của mình.
Cuốn sách gồm 4 phần:
Chương 1: Ký ức, kể về con đường vào nghề của ông (thời niên thiếu, thời học khoa văn, khoa báo chí, thời bắt đầu viết văn thơ, thời làm các báo Tuổi trẻ, Lao Động, làm Tổng Biên tập tạp chí Nghề báo, làm Phó Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam…)
Chương 2: Một số phóng sự nổi bật của tác giả, kèm 15 phóng sự đời thường ưng ý nhất cùng câu chuyện khi viết những phóng sự đó.
Chương 3: Phần các bài viết của tác giả thuộc lĩnh vực lý luận báo chí đang được bạn đọc quan tâm.
Chương 4: Bài của các nhà văn, nhà báo, giảng viên báo chí nổi tiếng viết về nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Cuốn sách của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khi ra mắt đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà văn… Nói về tác giả, nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, và cũng là một người bạn của tác giả cho biết, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm báo, và sau này trở thành một cây bút phóng sự từ báo Lao Động.
“Phóng sự của anh rất giàu chi tiết, sôi động, rất đời, đó là lý do mà những trang phóng sự của anh luôn luôn thu hút sự chú ý của bạn đọc” - Nhà báo Phạm Quốc Toàn nói.
Còn cây viết Peter Pho chia sẻ: “Cuốn hồi ký của Huỳnh Dũng Nhân rất nặng, không phải nặng về trọng lượng, mà vì bộ óc, vì những chi tiết, những gì mà anh đưa vào phóng sự của mình. Văn của Huỳnh Dũng Nhân rất sinh động, thực tế, đọc lên có thể thấy được sự quăng mình vào đời sống của tác giả”.
Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung, một trong những người bạn vong niên của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã có mặt tại buổi ra mắt sách và chia sẻ những câu chuyện chung quanh hành trình làm báo của tác giả.
Bà cho biết: “Tôi may mắn được gặp Huỳnh Dũng Nhân, một nhà báo tâm huyết, viết khỏe, viết hay. Mặc dù tôi cầm bút trước Huỳnh Dũng Nhân (tôi viết từ năm 1965 và có tập ký về Người tài đất Việt), nhưng tôi vẫn cho mình là người đi sau và học hỏi được tác giả nhiều điều. Huỳnh Dũng Nhân luôn đặt mình vào vị trí một bạn đọc cầu thị để học hỏi người giỏi hơn mình. Tôi thấy may mắn vì có thêm một người bạn ít tuổi hơn là Huỳnh Dũng Nhân”.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và những bức tranh chân dung trưng bày tại buổi ra mắt sách. |
Chia sẻ về cuốn sách, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói: “40 năm đối với cuộc đời cầm bút của một người cũng là tương đối dài. Tôi từng nuôi ý định viết hồi ký từ lúc sắp về hưu. Tôi muốn viết về nghề cho các thế hệ sau đọc. Nhưng sau đó, tôi bị tai biến, phải nằm một chỗ trong một thời gian. Rồi dịch Covid-19 xảy ra, nó giúp tôi nhớ ra mình từng học vẽ mà sau đó quên đi và bước vào làm báo. Trong suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19, tôi đã vẽ chân dung bạn bè trong nghề báo của mình”.
Một trong những lý do khiến các phóng sự của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được yêu thích chính là trong báo có chất văn. Nhà báo Phạm Quốc Toàn nhận xét, báo của Huỳnh Dũng Nhân gắn với văn, trong báo có văn, trong văn có báo. Nhà báo Phạm Quốc Toàn kể lại: “Tôi nhớ hồi lớp 9, cô giáo có đặt một câu hỏi: “Nhân đạo là gì?”.
Khi trở về, anh Nhân có hỏi cụ Tạ Quang Đạm, thân phụ của anh Tạ Quang Ngọc (nguyên Bộ trưởng Thủy sản) và nhận được câu trả lời: “Nhân đạo chính là giá trị con người, tính nhân văn của con người. Huỳnh Dũng Nhân đã mang theo ý tứ ấy đi suốt cuộc đời làm báo của mình, viết cái gì cũng nhân văn, vì con người”.
Cuốn hồi ký “40 năm đi, yêu và viết”. |
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khẳng định, ông chỉ yêu nghề, viết để thỏa lòng đam mê và cũng là thỏa mãn tình yêu nghề của mình: “Những câu chuyện của tôi cũng hiền lành, tôi không có gì gay cấn với đời cả. Mình sống vui, chứ còn cứ để những điều lấn cấn cản bước thì không đi xa được” – ông chia sẻ.