Huỳnh Dũng Nhân và cuộc dấn thân vào miền hội họa

Nhắc đến nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là nhắc đến một cây bút tài năng, nhiệt huyết, được nhiều bạn đọc mến mộ suốt nhiều năm qua. Ðối với viết báo, viết văn, làm thơ… phong cách và dấu ấn của ông qua thời gian đã khẳng định một cá tính sáng tạo đặc sắc, trong khi đó, gần đây, nhà báo U70 lại trở thành một "họa sĩ trẻ" khi bắt đầu nghiệp vẽ, hăng say với cây cọ điểm tô cuộc đời.

Huỳnh Dũng Nhân và cuộc dấn thân vào miền hội họa

Đến triển lãm "Nhà báo vẽ" của tác giả Huỳnh Dũng Nhân (diễn ra đến hết ngày 15/3 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hà Nội), người xem ấn tượng với hàng trăm bức chân dung nhà báo, nghệ sĩ, người nổi tiếng… được ký họa trau chuốt và sinh động. Bên cạnh đó là loạt áp-phích tuyên truyền chống dịch Covid-19 đậm tính thời sự và nhân văn. Càng ngạc nhiên và khâm phục khi biết toàn bộ số tranh vẽ đó được nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thực hiện trong vài tháng ngắn ngủi, ngay sau một cơn bạo bệnh. Tác giả tự nhận mình "liều" khi mở triển lãm mỹ thuật, nhưng dường như đó cũng chính là phong cách dấn thân, nhập cuộc rất tự tin, quyết liệt mà ông đã biến thành thương hiệu riêng suốt nhiều thập kỷ làm báo và nổi danh với thể loại phóng sự.

Qua nét vẽ của Huỳnh Dũng Nhân, nhiều gương mặt quen thuộc của làng báo và cả giới văn hóa, văn nghệ hiện ra trong sắc màu tươi tắn, ấm áp: nhà báo Hữu Thọ, Phan Quang, Quang Ðạm, Lê Quốc Minh; nhà văn Sơn Tùng, Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều; họa sĩ Thành Chương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, huấn luyện viên Park Hang-seo, ca sĩ Phi Nhung… Ông dành một góc trang trọng cho chân dung cha mẹ của mình: nhà báo Huỳnh Hùng Lý và bà Lê Thị Lý, đều từng công tác ở Báo Nhân Dân.

Chia sẻ về cơ duyên đến với con đường hội họa, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết: "Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống báo chí với chín nhà báo, lớn lên trong khu tập thể Báo Nhân Dân ở Hà Nội. Suốt cuộc đời tôi gắn với cây bút. Sau này nghỉ hưu, một lần không may tôi bị tai biến nặng, phải điều trị khá lâu cộng thêm cách ly vì Covid-19. Thời gian đó, tôi dùng mầu vẽ của con gái để vẽ chơi cho đỡ rảnh, và cũng để hâm nóng đam mê vẽ vời mà tôi đã có từ khi còn trẻ".

Trong hoàn cảnh liệt nửa người, ở nhà để cách ly dịch, ông vẫn viết sách, làm thơ, tham gia giảng dạy trực tuyến và vẽ tranh, tính đến nay đã cho ra đời gần 500 bức tranh. Nghị lực sống và cống hiến của nhà báo vừa bước sang tuổi 68 làm cảm động không chỉ những đồng nghiệp, những nguyên mẫu trong tranh ông, mà còn cả những nhà báo trẻ và các sinh viên đến xem triển lãm, giao lưu.

Ông cho biết, mình "không thể ngồi yên ngày nào" sau khi bình phục. Bắt gặp quả chuối nằm trên đĩa, con mèo lười bên cửa sổ, hay dáng vẻ tất bật của bà xã trước thềm ngày mới…, ông đều rung động và muốn đưa những hình ảnh bình dị đó vào tranh. Ông cho rằng, khi đôi mắt và đôi tay còn cảm nhận được sự biến đổi của tạo hóa là cả một niềm may mắn, nên phải tận hưởng và lao động đến say mê cùng những đặc ân đó.

Nói về các nhân vật của mình, ông chia sẻ, một số chân dung nhà báo được ký họa qua ảnh, nhưng hầu hết ông đều đã được gặp. Kể cả Bác Hồ ông cũng đã có dịp gặp hồi nhỏ, khi Người đến thăm trường học sinh miền nam và thăm Báo Nhân Dân. Các nhà báo Quang Ðạm, Phan Quang, Hữu Thọ thì cùng thế hệ với cha mẹ ông ở Báo Nhân Dân… Huỳnh Dũng Nhân cũng vẽ nhiều chân dung nhà báo đương thời, có cả những gương mặt rất trẻ, làm báo ở khắp mọi miền đất nước. Ðó đều là những đồng nghiệp tài năng mà ông quý trọng.

Khi được hỏi tại sao chọn vẽ chân dung, ông nói: "Tôi thích vẽ chân dung vì khi vẽ chân dung là tôi nhớ về những kỷ niệm, những tình cảm của nhân vật đó. Thật thú vị khi thấy sau ít phút trên nền giấy trắng tinh hiện lên một gương mặt mà mình thương mến. Tôi vẽ theo kiểu ký họa chứ không vẽ theo kiểu truyền thần. Khi vẽ tôi có cảm giác như mình đang được nói chuyện với nhân vật".

Coi vẽ chân dung như một cuộc đối thoại với bạn bè, cho nên Huỳnh Dũng Nhân vẽ liên tục, ông cũng rất tích cực chia sẻ lên mạng xã hội và tương tác với mọi người. Có cảm giác ngày nào cuộc sống của nhà báo tuổi gần 70 cũng rộn ràng tiếng nói cười, bận bịu với các cuộc vui qua… tranh vẽ. Mỗi tấm tranh một nhân vật, cũng là những câu chuyện khác nhau. Những hồi ức, những tình cảm chân thành, sâu sắc mà ông đặt vào cây cọ vẽ đã "thổi hồn" cho những bức tranh ấy trở nên rất "thật", rất "đời".

Song song với vẽ chân dung, "hoạ sĩ" Huỳnh Dũng Nhân còn vẽ nhiều áp-phích cổ động với mong muốn góp một phần công sức chống dịch Covid-19. Những bức áp-phích của ông được một số báo, đài, tạp chí in làm trang bìa, giới thiệu trân trọng. Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đem các họa tiết chống dịch này in trên các mẫu áo dài thời trang và ra mắt công chúng giữa năm 2021.

NSND Hà Bắc, họa sĩ, đạo diễn phim hoạt hình gạo cội đã chia sẻ góc nhìn chuyên môn về những tác phẩm của Huỳnh Dũng Nhân: "Trong nghệ thuật, mỗi người có một cái duyên. Tranh của anh hoàn toàn tự tin, tự nhiên trong cách vẽ, cách nhìn, với những bố cục lạ và mảng mầu trong trẻo. Ðặc biệt nữa, trong mảng vẽ chân dung thì thần thái nhân vật là rất quan trọng. Người vẽ giống y như ảnh chụp, hay người vẽ ký họa, đều có vẻ đẹp riêng. Cái hay của nghệ thuật là tính độc đáo, độc bản và Huỳnh Dũng Nhân đã chạm tới cảm xúc của tôi cũng như nhiều người khác bằng những bức tranh duyên dáng của mình".

Ngay cả thời gian "nằm nhà" vì bệnh tật hay cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng không thể làm mất đi sự sôi nổi, đam mê của Huỳnh Dũng Nhân đối với nghề viết, nghiệp vẽ. Chất báo chí và bản năng của một nghệ sĩ hòa quyện với nhau khi ông vẽ mọi lúc, không bỏ qua nhiều sự kiện nóng hổi của đời sống và dùng những bức tranh để thay cho nghìn lời muốn nói. Chẳng hạn như loạt tranh đầy tự hào mới đây khi đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam giành ngôi vô địch Ðông Nam Á, hay thông điệp "No war" (Không chiến tranh) đầy xót xa cho phận người trong cuộc xung đột đang diễn ra, dù cách chúng ta rất xa…

Dịp này, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ra mắt tập thơ mới "Một chút riêng tư", thi phẩm thứ sáu của ông, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 12/2021. Ðiều đặc biệt, xen kẽ giữa những trang thơ là 140 gương mặt của văn nghệ sĩ cả nước, muôn màu, muôn vẻ, nhưng đều ánh lên niềm lạc quan và tình cảm sâu sắc của tác giả. Ông chỉ khiêm nhường nói mình là "nhà báo vẽ", nhưng trong con mắt và trái tim của nhiều người thì Huỳnh Dũng Nhân xứng đáng là một họa sĩ khi đã theo đuổi hội họa một cách nghiêm túc và say mê.