Liveshow “Quê hương” với 22 ca khúc và 3 nữ ca sĩ khách mời là Anh Thơ, Bùi Lê Mận và Nguyên Hà như một sự trở về với dòng chảy lịch sử đất nước của ca sĩ Vũ Thắng Lợi.
Sự thăng hoa của các nghệ sĩ trên sân khấu Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) đã đưa khán giả đến một không gian âm nhạc đầy cảm xúc, với những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ, bên cha, bên mẹ, bên những dòng sông êm dịu nhưng cũng mang đậm những dấu ấn, giá trị lịch sử trong liveshow.
Thiết kế và sắp đặt sân khấu như một yếu tố góp phần kể chuyện cho show diễn. |
Những bài ca đi cùng năm tháng, được các thế hệ người yêu nhạc yêu thích đã được Giám đốc âm nhạc Hồng Kiên khoác lên màu sắc mới qua những bản phối khí kết hợp giữa những nhạc cụ dân tộc và hiện đại phương Tây.
Không gian âm nhạc được Vũ Thắng Lợi mở ra giai điệu thiết tha êm dịu của bài hát “Quê hương” – tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch. Dàn nhạc được nhạc sĩ Hồng Kiên dàn dựng hài hòa để mở ra không gian âm nhạc lớn của “Quê hương”.
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi và người chị Anh Thơ. |
Vũ Thắng Lợi đã dẫn dắt khán giả trải nghiệm trong những không gian văn hóa, không gian âm nhạc trải dọc dài những miền quê từ bắc, qua miền trung tới quê hương Nam Bộ. Lúc lắng đọng hát về cha của mình - một người lính đã hun đúc và truyền lửa cho Vũ Thắng Lợi tình yêu quê hương đất nước cũng như con đường binh nghiệp. Thắng Lợi đã hát “Đôi chân trần” của tác giả Y Phôn Ksor – một ca khúc mang âm hưởng Tây Nguyên, mà như nam ca sĩ nói lần đầu tiên hát và cũng để tri ân cha của mình trong ngày thật đặc biệt – ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.
Vũ Thắng Lợi và ca sĩ Bùi Lê Mận. |
Ở một không gian âm nhạc khác, Thắng Lợi hát mộc “Tìm em câu ví sông Lam” cùng tiếng đàn guitare cũng khiến người nghe dâng trào cảm xúc…
MC Lê Anh dẫn dắt rằng có lẽ chưa liveshow âm nhạc nào mà khán giả được thưởng thức nhiều bài hát mà dòng sông xuất hiện nhiều như trong “Quê hương” của Vũ Thắng Lợi. Từ giọng ca chính đến những ca sĩ khách mời Anh Thơ, Bùi Lê Mận, Nguyên Hà đều hát lên những bài gắn với dòng sông trải từ bắc chí nam, như: “Khúc hát sông quê”, “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, “Hồn sông”, “Tìm em câu ví sông Lam”, “Neo đậu bến quê”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Huế thương”, “Tình đất đỏ miền Đông”, “Lên ngàn”…
Trong 22 ca khúc, có hai tác phẩm mới được Thắng Lợi thể hiện với bản phối mới của nhạc sĩ Hồng Kiên là “Hồn sông” của nhạc sĩ Lê An Tuyên – một người con xứ Nghệ đang sinh sống ở Đức. Ở mỗi sản phẩm âm nhạc, Vũ Thắng Lợi đều mong muốn đưa những tác phẩm mới, tác giả mới để cổ vũ họ chung nhiệt huyết cống hiến phát triển nghệ thuật của mình, làm giàu cho kho tàng âm nhạc Việt Nam, nhất là nữ nhạc sĩ cũng là một người con xứ Nghệ, đồng hương với nam ca sĩ.
Một bài hát khác là “Ai cũng có ngày xưa” thuộc dòng nhạc trẻ của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh, đây là ca khúc Thắng Lợi hát theo lời “thách đố” của đạo diễn Cao Trung Hiếu, qua bản phối khí của nhạc sĩ Hồng Kiên, mang đến màu sắc mới cho ca khúc.
Ở phần 3 của liveshow, ẩn số thú vị chính là ca sĩ Nguyên Hà. Đây cũng là giọng ca khiến cả ê-kíp sản xuất cũng như khán giả có chút “e ngại”, bởi nhắc đến giọng ca sĩ Anh Thơ hay Bùi Lê Mận sẽ dễ hiểu bởi sự đồng điệu hòa nhịp với con đường âm nhạc của Thắng Lợi, nhưng Nguyên Hà thì khác.
Và trên sân khấu “Quê hương” của ca sĩ dòng nhạc đỏ Vũ Thắng Lợi, Nguyên Hà – giọng ca hát nhạc trẻ lần đầu tiên đã hát “Lên ngàn” và “Thành phố trẻ”. Sau màn biểu diễn cùng Vũ Thắng Lợi, Nguyên Hà đã bày tỏ cảm ơn với nam ca sĩ đã gửi lời mời cô từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội trên sân khấu vô cùng nồng ấm trong sự cổ vũ của đông đảo khán giả để Nguyên Hà tự tin hát nhạc cách mạng, tạo sự kết nối, dẫn dắt Nguyên Hà yêu nhạc cách mạng, và chắc chắn sau lần thử sức đầu tiên này sẽ tiếp thêm động lực để nữ ca sĩ tìm hiểu thêm nhiều ca khúc cách mạng để hát trong thời gian tới.
Trong đêm âm nhạc tri ân của nghệ sĩ-chiến sĩ Vũ Thắng Lợi, Nguyên Hà cũng gửi lời chúc tới mẹ của mình – một nữ quân nhân, cũng như lời chúc tốt đẹp, hạnh phúc tới toàn thể những người lính Cụ Hồ.
Ánh sáng tạo hình ngôi sao trên sân khấu. |
Sân khấu được đạo diễn Cao Trung Hiếu và ê-kíp dàn dựng hết sức tối giản nhưng mang đến hình ảnh rất đỗi thân thương khi câu chuyện âm nhạc của Vũ Thắng Lợi được phác họa lúc trên cánh diều, khi là con đò, ngôi sao, chiếc mũ cối của người lính trong những màn khắc họa bằng ánh sáng của công nghệ trình chiếu 3D Mapping.
Cao Trung Hiếu chia sẻ: “Với dòng nhạc cách mạng, dân gian, sân khấu âm nhạc đậm ký ức quê hương, người lính. Nếu chúng ta nếu làm hết sức mình, sẽ luôn có sự ủng hộ”.
“Quê hương anh bộ đội” là khúc vĩ thanh được Vũ Thắng Lợi thể hiện, khép lại liveshow “Quê hương” với hình tượng người lính là mạch nguồn cảm xúc.
“Làm nghệ thuật và nhất là khi được công chúng gọi với danh xưng nghệ sĩ, nếu không đặt cho mình những áp lực, những trăn trở sáng tạo, đổi mới thì sẽ mãi mãi dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi trong sự phát triển rất nhanh chóng của nghệ thuật giải trí. Bởi thế, mỗi năm tôi luôn cố gắng đưa đến khán giả những sản phẩm âm nhạc có giá trị, tôn vinh âm nhạc, nghệ thuật. Và mong muốn hơn là tình cảm yêu thương, đồng hành của khán giả, của anh chị em nghệ sĩ để mỗi năm cứ tới dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, khán giả, bạn bè đồng nghiệp lại đến điểm hẹn âm nhạc để nghe người lính hát Vũ Thắng Lợi kể câu chuyện về quê hương, đất nước, bộ đội Cụ Hồ qua âm nhạc”, nam ca sĩ bày tỏ trước khi chương trình khép lại.