Vũ Thắng Lợi muốn đem nhạc đỏ tới gần với giới trẻ

NDO - Sau khi mở bán liveshow "Hà Nội riêng tôi" độ chục ngày, Vũ Thắng Lợi thông báo đã bán hết vé. Đề tài Hà Nội xem ra được nhiều người quan tâm nhưng cũng rất có thể sự đam mê và nhiệt huyết của ca sĩ đã được khán giả ghi nhận.
0:00 / 0:00
0:00
Đêm nhạc Hà Nội và tôi của ca sĩ Vũ Thắng Lợi với các khách mời Mỹ Linh, Tấn Minh diễn ra vào 3/12 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Đêm nhạc Hà Nội và tôi của ca sĩ Vũ Thắng Lợi với các khách mời Mỹ Linh, Tấn Minh diễn ra vào 3/12 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

“Thời gian tôi gắn bó với Hà Nội nhiều hơn với nơi tôi sinh ra. Ở tuổi già, người ta mới lại bắt đầu hoài niệm về quê hương. Giờ tôi đang cần tâm tình nhiều hơn với mảnh đất này để chính mình cũng hiểu mình hơn. Khán giả nghe đĩa, xem show này sẽ hiểu cảm xúc của tôi khi dồn tâm huyết cho Hà Nội”, Lợi chia sẻ. Phần nhìn của show được giao phó cho họa sĩ Lê Thiết Cương. Và sẽ chỉ dùng ánh sáng để kể chuyện chứ không có màn hình LED hay đồ họa gì cả. Để nhân vật chính và âm nhạc được nổi bật. Lợi cũng sẽ tự dẫn chuyện luôn.

Hà Nội nói chung là mảnh đất hứa của những ca sĩ theo đuổi dòng nhạc đỏ. “Âm nhạc của mình thiên về chính ca nên cũng cần những thính giả có độ cảm thụ tinh túy, trân trọng những phút giây trên sân khấu mình gửi hết tâm hồn vào bài hát. Chỉ cần một vài khán giả cũng được. Nhưng người ta thực sự lắng nghe thì mình vẫn rút ruột rút gan”, Lợi “cam kết”.

“Nhiều người làm show xong hoặc đi thi có giải về thì thường hét cát-xê cao lên. Tôi sống với âm nhạc, với nhân dân, cát-xê to nhỏ không quan trọng bằng chỗ nào có sự trân trọng. Có thể do mình chân đất đi lên, mình hiểu. Thậm chí nhiều người bảo sao phải ngồi nhà hàng nọ kia. Ngồi vỉa hè thấy sướng thì mình ngồi. Sống cho mình mà. Cảm xúc của nghệ sĩ nhiều khi bật ra từ đời sống chứ không phải cái mác hiệu anh gắn lên mình”, anh tâm sự.

Hình như trong làng nhạc đỏ, không ít người so với Lợi cũng ngang tài ngang sức nhưng sản phẩm vẫn khá nhỏ giọt. “Kể cả những người có tiền, có tiếng hơn tôi cũng không bỏ tiền tự đầu tư mà chỉ đi hát thuê. Người ta làm để tích cóp mua cái này cái kia. Trong khi tôi mua căn hộ vẫn đang nợ đầm đìa. Bao tiền dành làm nhạc hết. Vì tôi ý thức về con đường mình chọn”.

Lợi tự mô tả bản thân lúc nào cũng “cắt da cắt thịt” để làm âm nhạc. Nhà có thể trả góp nhưng vẫn sẵn sàng chi tiền tỷ làm đĩa than với các nhạc sĩ hàng đầu, hậu kỳ cứ phải ở Mỹ, Nhật… “Đang ở thời điểm mình có thể làm được thì nên làm”, anh lý giải. “Chứ chờ khi đủ điều kiện kinh tế chưa chắc đã làm được. Nhất là ra một sản phẩm cầu kỳ về kỹ thuật như đĩa than. Phải thu trực tiếp liền mạch từ đầu đến cuối. Cần độ chín trong giọng hát”.

“Một số người cho rằng chọn hướng đi đa phong cách mới an toàn, đang hát thính phòng thỉnh thoảng lại bẻ sang dòng này dòng kia”, Lợi nói. “Lãi lời được mấy trăm triệu tôi thấy cũng chả để làm gì. Có làm thì làm cho tới”. Anh cho rằng như thế là kinh doanh, chứ không phải làm nghề. Có thể lời nói thẳng của Lợi sẽ đụng chạm nhưng đúng là ít ai cũng dám đi đến cùng trong một dòng nhạc như anh. Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại: “Trong thời buổi nhiều khó khăn, thách thức này, mình cũng không trách anh em được. Đang có đà thì mình làm thôi. Nếu tôi chọn an toàn đi chạy sô sự kiện thì sống đàng hoàng chẳng phải lo gì. Chẳng hiểu sao chưa làm xong cái này đã nghĩ sang cái khác…”.

Những dự án với người khác có khi là “để đời” thì Lợi làm liên tục. Quan điểm của anh là đang có sức, đang ở điểm rơi của cảm xúc thì phải tranh thủ để lại cho đời càng nhiều sản phẩm chỉn chu càng tốt. Không phải sản phẩm nào cũng được đón nhận ngay. Nhưng đang có những tín hiệu tích cực từ các… đại lý đĩa dành cho đĩa than "Hà Nội riêng tôi". Đĩa này cũng sẽ sớm phát hành dưới dạng CD.

Tuy ra sản phẩm dồn dập nhưng Lợi khẳng định không định cạnh tranh với ai hoặc cần phải chinh phục một danh hiệu gì mà chỉ nghĩ: “Mình làm tốt nhất cho âm nhạc thì âm nhạc sẽ trả lại những gì mình đã bỏ ra”. Sự “chịu chơi” của Lợi cũng nhận được tinh thần hỗ trợ hết mình từ những nhà sản xuất như Hồng Kiên hay Đức Trí. “Tôi may mắn khi gặp các nhạc sĩ cũng hết mình vì nghệ thuật chứ không đặt nặng vấn đề kinh tế. Như đĩa "Quê" tôi làm hơn một năm với anh Đức Trí mà vừa tháng trước mới trả hết tiền. Các anh đánh đông dẹp bắc ở đâu nhưng vẫn ưu tiên cho đồng nghiệp say nghề như tôi”.

Có thể nói các nhạc sĩ không chỉ vì Lợi mà còn vì cùng chung chí hướng, muốn tôn vinh những gì thuộc về nghệ thuật. Như Hồng Kiên nói, với các chương trình truyền hình ngồi quán cà phê anh vẫn có thể phối nhạc được nhưng riêng làm nhạc cho Lợi phải đau đáu, thức đêm hôm mới ra. “Âm nhạc đỉnh cao đòi hỏi phải thế mới ra được... Khi những người như thế cho mình cơ hội, thì mình phải tranh thủ thôi”, Lợi chia sẻ.

Vũ Thắng Lợi muốn đem nhạc đỏ tới gần với giới trẻ ảnh 1

Vũ Thắng Lợi không có may mắn tiếp xúc với âm nhạc từ sớm.

Vũ Thắng Lợi không có may mắn tiếp xúc với âm nhạc từ sớm. Đâm ra “không có gì để mà nghe” và cũng “không biết nghe gì cho hợp với mình”. Sau khi bị loại sớm tại Sao Mai 2009, anh hiểu ra rằng nếu chỉ bê nguyên những gì thầy cô dạy lên sân khấu thì chưa đủ. Anh bắt đầu năng qua lại với giới nhạc sĩ để được bổ túc thêm về các dòng chảy âm nhạc. Và dư ra đồng nào lại đem mua đĩa. Giai đoạn này anh thường xuyên hỏi thăm các nhạc sĩ có bài mới nào cần thu để sẵn sàng “phục vụ” miễn phí, cốt để nâng cao giọng hát.

Khi liveshow 3/12 còn chưa diễn ra, nhà sản xuất Hồng Kiên đã rủ Lợi hiện thực hóa một số ý tưởng mới. Lợi cũng lên kế hoạch làm MV dạng studio để khán giả tập trung vào âm nhạc thay vì lãng phí cho những cảnh ngoại hoành tráng. Anh còn ấp ủ đưa dòng nhạc đỏ, bán cổ điển ra với không gian rộng lớn dạng sân vận động. Anh cũng muốn kết hợp với các nghệ sĩ trẻ để mở rộng biên độ tiếp cận cho âm nhạc của mình.

Anh tỏ ra khá phấn khích khi gần đây các đồng nghiệp trẻ hát dòng nhạc trẻ tổ chức được những buổi diễn quy mô lớn, trong khi các khán giả trẻ cho thấy có ý thức bỏ tiền mua vé. “Thế hệ bọn tôi không có cái đó trừ những người có điều kiện”, Lợi chia sẻ. “Âm nhạc của mình nói nặng thì cũng không phải. Quan trọng là cách truyền tải thông điệp cho giới trẻ tiếp cận. Vì đấy là thứ âm nhạc tích cực. Cũng có tình yêu và cao hơn trong tình yêu đôi lứa có tình yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước, tính vị tha, hướng thiện”. Anh hy vọng sẽ đưa được những giá trị văn hóa tích cực đó đến với rộng rãi giới trẻ.