Nguy cơ xâm nhập, lây lan dịch bệnh ở nước ta luôn tiềm ẩn

NDO - Ngày 14/4, tại Thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường phòng, chống dịch năm 2023, với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố trên cả nước .
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Theo số liệu báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, năm 2022, cả nước ghi nhận 371 nghìn ca mắc bệnh sốt xuất huyết, có 144 ca tử vong. Số mắc tăng hơn 5 lần, số ca tử vong tăng 5,3 lần so năm 2021. Bệnh tay, chân, miệng ghi nhận hơn 66 nghìn trường hợp mắc, có 3 ca tử vong (số mắc tăng 1,7 lần, số ca tử vong giảm 8 ca). Bệnh dại, ghi nhận 70 ca tử vong, tăng 4 ca so năm 2022.

Riêng bệnh Covid-19, tích lũy từ đầu dịch đến nay, cả nước ghi nhận 11.528.303 ca, trong đó có 43.186 ca tử vong. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn; các dịch bệnh lưu hành, các bệnh có vaccine dự phòng trong nước như cúm, sởi... cơ bản được kiểm soát.

Nguy cơ xâm nhập, lây lan dịch bệnh ở nước ta luôn tiềm ẩn ảnh 1
Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận tại hội nghị.

Đáng lo ngại, từ đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận được 25.490 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2 lần so cùng kỳ năm trước), trong đó có 3 ca tử vong. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là: TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Đối với Covid-19, trong tháng 3/2023 cả nước ghi nhận 384 ca (giảm 8,6% so tháng 2), tuy nhiên hiện số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Cụ thể, trong 7 ngày qua (từ ngày 6/4 đến ngày 12/4), cả nước ghi nhận 849 ca mắc mới, trung bình có 120 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 4,2 lần so 7 ngày trước đó. Riêng ngày 13/4, ghi nhận gần 500 ca mắc mới.

Theo Phó Cục trưởng Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm, nguyên nhân tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta gia tăng thời gian qua là do tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hóa; tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu chủ động, quyết liệt xảy ra tại một số nơi, một số thời điểm; sự vào cuộc của các cấp, các ngành chưa đồng bộ, nhất quán.

Trong khi đó, việc hướng dẫn, thể chế hóa, các chủ trương, chính sách thiếu cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; hạn chế đầu tư, huy động nguồn lực xã hội dẫn đến hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, nhu cầu của người dân; tỷ lệ tiêm chủng một số nơi còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiếu số sinh sống; tiêm vaccine phòng Covid-19 chưa đạt mong muốn…

Nhận định về tình hình dịch bệnh năm 2023, Phó Cục trưởng Nguyễn Lương Tâm cho biết thêm, dịch Covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan (Marburg, cúm A (H5N1). Mặt khác, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn; một số bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết..., bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine cũng có nguy cơ gia tăng số mắc; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn; số chưa tiêm chủng cao, khả năng miễn dịch giảm.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương đã cùng nhau trao đổi về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thời gian tới như: triển khai công tác thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh; xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng; truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng vaccine; các biện pháp kiểm soát Covid-19 trong tình hình mới; kiểm soát nhiễm khuẩn, nhất là không để lây chéo trong các cơ sở y tế; kinh phí đầu tư cho phòng, chống dịch.

Các đại biểu tham dự đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền các địa phương tục ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; tăng nguồn kinh phí đầu tư tài chính cho phòng, chống dịch; thúc đẩy đầu tư trong nghiên cứu, sản xuất, cung ứng thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị; triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho y tế dự phòng, y tế cơ sở từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…

Nguy cơ xâm nhập, lây lan dịch bệnh ở nước ta luôn tiềm ẩn ảnh 2
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị ngành y tế các địa phươn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp, cụ thể của địa phương mình theo các nội dung hướng dẫn của Bộ Y tế đã ban hành. Tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhóm từ 5 đến dưới 18 tuổi, nhóm nguy cơ cao và trẻ em. Các địa phương sau nhận được nguồn vaccine được cấp từ Trung ương cần triển khai tiêm vaccine ngay theo đúng tiến độ để ra; tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch và thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng… Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn các địa phương trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất, vaccine và các hoạt động chuyên môn trong phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.