Dù mốc tiến độ thông xe kỹ thuật theo kế hoạch chỉ còn hơn hai tháng nữa, Chính phủ cũng như Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo sát sao nhưng nhiều nhà thầu vẫn chây ỳ, khiến dự án đang có nguy cơ “vỡ” tiến độ.
Điều đáng lo ngại là dự án này từ khi triển khai luôn dẫn đầu về tiến độ cũng như chất lượng công trình, nay cận kề vạch đích lại bị chững lại, đã phần nào tác động, ảnh hưởng dây chuyền đến 3 dự án dự kiến hoàn thành trong năm nay. Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải), đại diện chủ đầu tư dự án đã liên tục ra văn bản đốc thúc, yêu cầu các nhà thầu huy động máy móc phương tiện và nhân lực ra công trường, tăng ca kíp để bù tiến độ.
Sản lượng thi công mới đạt 71%
Giám đốc Quản lý dự án cao tốc đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) Lương Văn Long cho hay: Trên công địa dự án dài hơn 63km của dự án, các nhà thầu triển khai 68 mũi thi công tại năm gói thầu, gồm 30 mũi thi công đường, 34 mũi thi công cầu và cấu kiện, bốn mũi thi công hầm. Ước tính tổng sản lượng thi công đến giữa tháng 10 mới đạt hơn 5.100 tỷ đồng, tương đương hơn 71% giá trị xây lắp theo hợp đồng (hơn 7.141 tỷ đồng). Tiến độ như vậy là chậm so kế hoạch đề ra.
Ngoài một số nhà thầu tích cực huy động nguồn lực tăng tốc thi công, còn nhiều nhà thầu thiếu tích cực trong triển khai các phần việc được giao, bất chấp chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cũng như các văn bản phê bình, cảnh cáo của Ban Quản lý dự án Thăng Long. Đơn cử, gói thầu 11-XL dài 11,5km, sản lượng thi công hiện mới đạt hơn 75%, nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi chưa bố trí kịp thời nguồn tài chính cho công trường để tập kết vật liệu, triển khai thảm bê-tông nhựa, khiến việc thi công ngưng trệ. Ban Quản lý dự án Thăng Long đã có văn bản phê bình (lần 1) nhưng nhà thầu chưa chuyển biến gì đáng kể.
Ban đang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục có văn bản phê bình, đốc thúc nhà thầu có giải pháp bù tiến độ. Còn nhà thầu Định An hiện tại đã bổ sung nguồn tiền về công trường, song trước đó do thi công chậm trễ đường dẫn đầu cầu vượt ngang tại km300+360, khi mưa kéo dài tại thời điểm cuối tháng 9 gây ngập úng, khiến công trường vẫn tê liệt.
Tại gói 12-XL (dài 6,6km), có gần 450m phải xử lý đất yếu bổ sung, nhà thầu Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long hiện đã vận chuyển vật liệu cát đắp nền nhưng chưa tăng ca, chưa bổ sung dây chuyền thi công nền đường để làm cuốn chiếu các đoạn đã đắp xong cát thoát nước. Ban Quản lý dự án đã ra văn bản khiển trách (vi phạm tiến độ lần 2) đối với nhà thầu Hoàng Long theo quy định hợp đồng.
“Với tình hình triển khai như hiện nay, khả năng hoàn thành các mốc tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải rất khó khả thi. Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản cảnh cáo nhà thầu Hoàng Long chậm trễ trong triển khai thi công, không đáp ứng tiến độ, đồng thời yêu cầu nhà thầu bổ sung nhân sự thi công ba ca, tăng tốc tiến độ đắp nền đường và móng, mặt đường còn lại tại khu vực nút giao Hà Lĩnh, bảo đảm hoàn thành nền đường trước ngày 25/10, móng đường trước ngày 15/11, mặt đường trước ngày 15/12”, ông Lương Văn Long kiên quyết.
Đối với gói thầu số 14-XL dài gần 19,5km, nhà thầu Vinaconex tuy đã bổ sung tài chính, thay thế một số mũi thi công yếu, nhưng vẫn chưa đuổi kịp tiến độ, nếu không tích cực hơn nữa sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu hoàn thành đắp gia tải (hiện vẫn còn bảy đoạn chưa đắp xong gia tải giai đoạn 2, khối lượng còn khoảng 150.000 m3). Nhà thầu Công ty Xây dựng Miền Trung đang rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, thi công rất chậm, bị lụt tiến độ hạng mục được giao. Ban Quản lý dự án Thăng Long đã ra văn bản khiển trách (vi phạm lần 2), đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản cảnh cáo đối với nhà thầu này.
Loại nhà thầu yếu khỏi dự án giai đoạn 2
Ngày 10/9 vừa qua, phát động phong trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc phía đông", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đặc biệt nhấn mạnh: “Các nhà thầu không hoàn thành được lời hứa là có lỗi với nhân dân. Thi công các dự án cao tốc không chỉ thuần túy phát triển kinh tế của nhà thầu mà còn là nhiệm vụ chính trị, uy tín, thương hiệu của mình.
Nhà thầu nào làm tốt trong giai đoạn 1 sẽ được ưu tiên để tham gia các dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 2, đơn vị nào làm không tốt, sẽ kiên quyết loại khỏi dự án”. Phó Thủ tướng cũng lưu ý không chỉ phát động phong trào theo kiểu chung chung, hình thức, trống giong cờ mở rồi đóng máy là không được, mà phải làm thực chất. Ngay sau khi phát động, phải tạo không khí thi công mới trên công trường, có trách nhiệm cao ở từng vị trí, từ công nhân đến chỉ huy trưởng, giám đốc nhà thầu, giám đốc dự án,... để vượt qua thách thức, hoàn thành các mục tiêu cam kết.
Phó Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu sử dụng nguồn đúng mục đích, tránh tình trạng sử dụng vốn của gói thầu này đi làm việc khác. Các ban quản lý dự án cùng tư vấn phải giải quyết nhanh hồ sơ để thanh toán cho nhà thầu, làm đến đâu nghiệm thu đến đó, bảo đảm chặt chẽ quy trình nhưng cần linh hoạt, nhanh chóng thanh toán cho nhà thầu để thúc đẩy tiến độ. Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ Bộ Giao thông vận tải thực hiện song hành kiểm tra các điều kiện nghiệm thu, sớm đưa công trình vào khai thác, không để xảy ra sai sót, khiếm khuyết về chất lượng công trình.
Phong trào thi đua 120 ngày đêm tại bốn dự án thành phần cao tốc bắc-nam (giai đoạn 1) được xem là chiến dịch lớn trong năm 2022 của ngành giao thông với yêu cầu mục tiêu rất cao, tiêu chí thi đua chi tiết, cụ thể đối với từng hạng mục, từng gói thầu, từng nhà thầu và từng dự án. Theo đó, trong số 654 km thuộc dự án đường bộ cao tốc bắc-nam (giai đoạn 1) đang triển khai thi công, có 361 km thuộc bốn dự án thành phần, gồm Mai Sơn-quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây, theo kế hoạch bốn dự án này phấn đấu thông xe kỹ thuật cuối năm nay.
Đối với dự án thành phần Mai Sơn-quốc lộ 45, yêu cầu hoàn thành nền đường trước ngày 31/10, lớp móng đường trước ngày 30/11, lớp mặt đường bê-tông nhựa trước ngày 20/12, các công trình trên tuyến hoàn thành trước ngày 30/11. Công tác hoàn thiện hệ thống dải phân cách giữa, an toàn giao thông hoàn thành trước ngày 31/12.
Dự án thành phần Cam Lộ-La Sơn, hoàn thành các lớp mặt đường bê-tông nhựa trước ngày 25/10, hoàn thiện các hạng mục phụ trợ và hệ thống an toàn giao thông trước ngày 31/10; dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết hoàn thành nền đường trước ngày 31/10, lớp móng đường trước ngày 30/11, lớp mặt đường bê-tông nhựa trước ngày 25/12, các cầu chính tuyến và vượt ngang hoàn thành trước ngày 15/12, hoàn thiện hệ thống dải phân cách giữa, an toàn giao thông trước ngày 31/12; dự án Phan Thiết-Dầu Giây hoàn thành nền đường trước ngày 31/10, lớp móng đường trước ngày 30/11, lớp mặt đường bê-tông nhựa trước ngày 20/12, các công trình trên tuyến trước ngày 30/11; hệ thống dải phân cách giữa, an toàn giao thông hoàn thành trước 31/12/2022.
Để phong trào thi đua bảo đảm yêu cầu thực chất, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đã yêu cầu các nhà thầu lập lại tiến độ thi công, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính,... tổ chức thi công “ba ca, bốn kíp” để đẩy nhanh tiến độ, bù lại phần khối lượng bị chậm và thực hiện đúng cam kết thi đua. Các đơn vị tư vấn cần phải bám sát hiện trường, giám sát chặt chẽ quy trình, chất lượng; xử lý ngay việc điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật (nếu có) và nghiệm thu thanh toán kịp thời.
Các ban quản lý dự án thường xuyên kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện của từng đơn vị, từng gói thầu; giải quyết nhanh các thủ tục liên quan; linh hoạt, nhanh nhạy hơn nữa trong việc áp dụng cơ chế giải ngân nhằm hỗ trợ, duy trì năng lực tài chính cho nhà thầu tăng tốc thi công. Đồng thời, kiên quyết xử lý nhà thầu vi phạm như cắt chuyển khối lượng; bổ sung nhà thầu phụ; xem xét chấm dứt hợp đồng, cấm tham gia các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý từ 3 đến 5 năm đối với các nhà thầu vi phạm ■