Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore…; trong đó, Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2023.
Nhiều quốc gia chủ trương giảm nhập khẩu
Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết: Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng gạo của Philippines tăng nhẹ trong năm 2024. Tuy nhiên, do nguồn cung nội địa tăng, cộng với việc đa dạng nguồn cung nhập khẩu cho nên khả năng Philippines sẽ giảm lượng gạo nhập khẩu từ một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê của Cục Thực vật, Bộ Nông nghiệp Philippines, tính từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 14/3/2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines là gần 887.000 tấn, cao hơn khoảng 10,6% so với quý I/2023. Mặc dù gạo nhập khẩu từ Việt Nam vẫn chiếm lượng lớn nhất, gần 494.000 tấn, nhưng tỷ trọng đã giảm so với trước, chỉ chiếm 55,7%.
Năm 2023, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào Philippines chiếm hơn 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này; trong khi đó, gạo từ một số quốc gia khác lại ghi nhận sự tăng mạnh về tỷ trọng tại Philippines. Cụ thể, gạo nhập khẩu từ Thái Lan là 230.559,43 tấn, chiếm 26% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines, gạo nhập khẩu từ Pakistan là 109.803,5 tấn, chiếm 12,4%.
Ngoài ra, Philippines còn nhập khẩu gạo từ Myanmar với số lượng 48.960 tấn; Campuchia 1.620 tấn; Nhật Bản 1.815,37 tấn; Ấn Độ 235,5 tấn và từ Italia 6,6 tấn. Đây là tín hiệu và là sự cảnh báo đối với gạo Việt Nam tại thị trường Philippines khi gạo các quốc gia khác bắt đầu gia tăng thị phần.
Mặt khác, năng suất và sản lượng lúa gạo của Philippines năm 2024 dự báo cũng sẽ được cải thiện hơn so với trước. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán sản xuất gạo của Philippines sẽ đạt 12,125 triệu tấn nhờ hiện tượng El Nino sẽ giảm vào tháng 4 và tháng 5/2024, đồng thời với chương trình hỗ trợ ngành sản xuất lúa gạo sử dụng phân bón và giống tốt của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả. Chính phủ Philippines, thông qua Bộ Nông nghiệp đã hỗ trợ 30,8 tỷ pesos cho người trồng lúa trên cả nước. Số tiền này cao hơn rất nhiều so với mức 15,8 tỷ pesos mà Bộ Nông nghiệp đã nhận được và triển khai hỗ trợ người trồng lúa năm 2022.
Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, Chính phủ Indonesia cũng đã quyết định tăng phân bổ ngân sách năm nay cho chương trình trợ cấp phân bón thêm 28 nghìn tỷ Rp (khoảng 1,77 tỷ USD) lên 54 nghìn tỷ Rp (khoảng 3,41 tỷ USD) như một phần trong nỗ lực tăng năng suất sản xuất nông nghiệp ở nước này. Với sự bổ sung tài chính, nông dân dự kiến sẽ tăng tốc độ trồng trọt và tăng sản lượng trong nước để giúp đất nước đạt được mục tiêu tự chủ cung cấp lương thực.
Gạo của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời được đưa tới cảng để xuất khẩu. (Ảnh MINH AN) |
Dự báo, tổng sản lượng gạo của Indonesia trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ đạt 17,09 triệu tấn, cao hơn so với nhu cầu tiêu dùng được dự đoán ở mức 15,39 triệu tấn. Do đó, việc điều chỉnh lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này hoàn toàn có thể xảy ra khi nguồn cung trong nước dồi dào hơn. Indonesia hiện là quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, năm 2023 đạt hơn 1,1 triệu tấn, trị giá hơn 640 triệu USD.
Tại thị trường châu Phi - khu vực nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam cũng đang được hỗ trợ sản xuất lúa gạo thông qua dự án đến từ các quốc gia khác để giúp các nước này đạt được khả năng tự cung, tự cấp trong sản xuất lương thực. Thí dụ như Chính phủ Hàn Quốc đã sản xuất hơn 2.300 tấn hạt giống lúa gạo Hàn Quốc tại sáu quốc gia châu Phi nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo. Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng sản lượng hạt giống lúa năng suất cao hằng năm ở các nước này lên 10.000 tấn vào năm 2027 và cung cấp cho nông dân ở tất cả các nước châu Phi.
Đa dạng thị trường tiêu thụ
Việc một số thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm của Việt Nam như Philippines, Singapore... đạt được thành công bước đầu trong đa dạng hóa nguồn cung gạo cũng như tăng năng suất, sản lượng lúa trồng hằng năm, chính điều này đã làm cho gạo Việt Nam giảm vị thế và ngày càng bị cạnh tranh gay gắt hơn với các quốc gia xuất khẩu khác. Do vậy, tìm kiếm và gia tăng thị phần tại các thị trường xuất khẩu mới là một trong những hướng đi mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần hướng tới.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Hiện gạo của Lộc Trời đã được xuất khẩu tới 40 quốc gia trên thế giới, thương hiệu gạo Cơm Việt Nam Rice đã có mặt trong các chuỗi siêu thị lớn ở châu Âu, nhưng công ty cũng vẫn liên tục tìm hướng đi mới trong phát triển thị trường.
Đầu tháng 4 vừa qua, Hiệp định khung hợp tác chiến lược đã được ký kết giữa Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời và Công ty TNHH Lương thực Quảng Châu, thuộc Tập đoàn Lĩnh Nam Quảng Châu, Trung Quốc. Theo đó, Lộc Trời trở thành đối tác cung ứng gạo với quy mô từ 100.000 tấn và tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Đây cũng là tiền đề tiến đến mở rộng và không ngừng nâng cao mức độ hợp tác trên các lĩnh vực mà cả hai cùng có ưu thế như phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ gạo.
Đối với việc mở rộng xuất khẩu gạo sang một số quốc gia khu vực thị trường châu Âu, bà Phan Thị Nga - Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết: Kim ngạch nhập khẩu gạo hằng năm của Hà Lan rất lớn, vì không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà một lượng lớn dùng tái xuất sang các nước châu Âu. Tuy nhiên, gạo Việt Nam hiện chưa tiếp cận được hệ thống phân phối truyền thống của Hà Lan mà chỉ được phân phối tại các siêu thị Á châu do người gốc Việt làm chủ và một số siêu thị của Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc nhưng với số lượng rất khiêm tốn.
Về giá gạo bán lẻ của Việt Nam tại các siêu thị Á châu đang cao hơn giá gạo nhập từ Thái Lan, Campuchia. Trong khi giá gạo Việt Nam bán lẻ dao động từ 3,85-4 Euro/kg, thì gạo thơm của Thái Lan chỉ có giá 3,65-3,85 Euro/kg và gạo Campuchia 3,5-3,65 Euro/kg.
Từ cuối năm 2023 đến nay, do tình hình căng thẳng ở biển Đỏ, cước vận chuyển hàng hóa tăng cao khiến giá gạo nhập từ châu Á cũng tăng lên, trong đó giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam tăng cao nhất, từ 15-17%. Những điều này khiến gạo Việt Nam chưa khai thác được tiềm năng của thị trường gạo Hà Lan.
“Trong điều kiện Hà Lan là cửa ngõ cho các loại hàng hóa vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) thì việc tăng cường xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào Hà Lan là một cách tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả thị trường EU nói chung. Do đó, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung của EU về nông sản nhập khẩu, thì gạo Việt Nam phải luôn giữ được sự ổn định về chất lượng như độ dẻo và mùi thơm phải duy trì được một năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tiếp cận thị trường thông qua hội chợ triển lãm quốc tế về nhãn hàng riêng. Vào quý III/2024, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan dự kiến sẽ tổ chức chương trình quảng bá hàng nông sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo, là cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo Việt Nam tham gia và giới thiệu các sản phẩm gạo Việt đến tận tay người tiêu dùng tại thị trường này”, bà Phan Thị Nga nhấn mạnh.