Nguy cơ nào với cơ thể khi bị đồng nhiễm cúm?

NDO - Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận định đồng nhiễm cúm với một bệnh truyền nhiễm khác để lại hệ lụy cho sức khỏe con người.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Kang Jin-Han, thành viên Hội đồng quản trị Liên đoàn Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc thông tin tại hội thảo.
Ông Kang Jin-Han, thành viên Hội đồng quản trị Liên đoàn Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc thông tin tại hội thảo.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Cập nhật phòng, chống bệnh cúm mùa đông xuân” do Hội Y học dự phòng Việt Nam phối hợp AMV Group tổ chức ngày 23/9.

Ở Việt Nam, cúm mùa chủ yếu xảy ra vào mùa đông với bất cứ ai ở độ tuổi nào. Trong bối cảnh dịch Covid-19, mô hình bệnh cúm phần nào được thay đổi, có thể xảy ra vào các thời điểm khác nhau trong năm. Đặc biệt, hè năm 2022, cúm bùng phát mạnh và gây ra nhiều biến chứng.

Khi cơ thể bị đồng nhiễm cúm sẽ có nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Theo lý giải của ông Thái, bản thân cơ thể chúng ta khi gánh 1 tác nhân (ví như virus cúm), có thể tiêu hao hết cả đội quân miễn dịch chống lại bệnh đó, do vậy, đến lúc nhiễm thêm tác nhân tiếp theo, cơ thể không còn miễn dịch để chống chọi nữa, do vậy tình trạng bệnh nặng lên.

Khi cơ thể bị đồng nhiễm cúm sẽ có nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Điều này không chỉ đúng khi đồng nhiễm Covid-19 với cúm, mà còn cả với bệnh khác nữa như sốt xuất huyết hay Adeno… Do vậy, bằng mọi cách chúng ta phải giảm thiểu nhất nguy cơ có thể.

Bác sĩ Thái cho biết, theo WHO, xu hướng tăng của cúm là xu hướng toàn cầu, ta thấy có giai đoạn khống chế Covid-19 thì cúm cũng xuống và khi thả ra thì cả hai đều tăng.

"Trước đây có khoảng 17-20% người dân sẽ nhiễm cúm trong năm và đều trong các năm tiếp theo. Như vậy số lượng sẽ không tăng đột biến. Nhưng nếu đã giữ 1 khoảng thời gian dài không có ca bệnh nào, tự nhiên các vụ dịch đột ngột xảy ra, thì có thể số lượng ca mắc sẽ rất cao không có là 17% mà lên đến 30% nhiễm.

Lúc đó, không chỉ là số lượng nhiễm mà còn là quá tải bệnh viện, nhiều người cần chăm sóc y tế khiến hệ thống y tế không chịu được và lúc đó sẽ có ca tử vong", bác sĩ Thái cho hay.

Bác sĩ Thái cũng cho biết, mùa hè vừa rồi các trường hợp nhập viện liên quan đến cúm, đặc biệt là cúm đồng nhiễm rất cao, sau khi nhiễm Covid-19 xong rồi mắc cúm hoặc ngược lại.

Việc nhiều người nhiễm Covid-19 đến lần thứ 3, thứ 4 là bởi vì trong khoảng giữa đó người ta bị cúm, khiến miễn dịch giảm, do vậy dễ lây nhiễm Covid-19 tiếp và dễ bị nặng hơn.

Trên thực tế, nhiều người có thể đồng nhiễm 2-3 bệnh, như nhiễm cúm, Covid-19, sốt xuất huyết thì nguy cơ bị nặng rất cao và gây khó khăn trong việc chỉ định dùng thuốc điều trị.

Hiện trong các vaccine cúm tại Việt Nam cơ bản các nhà sản xuất cố gắng cập nhất hết các chủng đang lưu hành được WHO khuyến cáo.

(Bác sĩ Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương)

Theo ông Thái, hiện trong các vaccine cúm tại Việt Nam cơ bản các nhà sản xuất cố gắng cập nhất hết các chủng đang lưu hành được WHO khuyến cáo. Tuy nhiên với mỗi công nghệ có ưu và nhược điểm khác nhau.

Hằng năm, WHO đưa ra khuyến nghị về thành phần vaccine cần nhắm vào các chủng tiêu biểu nhất đang lưu hành. Vaccine cúm mùa tam giá (3 chủng) đang phổ biến hiện bao gồm 2 chủng cúm A và một chủng cúm B.

Tuy nhiên, các chủng được khuyến nghị có thể không phản ánh hết những chủng đang lưu hành hiện tại. Vì vậy, vaccine cúm mùa 3 chủng hiện nay không phải là tối ưu nhất để bảo vệ mọi người chống lại bệnh cúm mùa. Việc bổ sung chủng virus cúm B thứ 2 vào các vaccine cúm mùa tam giá hiện tại sẽ giúp giải quyết các vấn đề không phù hợp trên.

Hiện nay, có nhiều loại vaccine cúm mùa đang được sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng, song vaccine tứ giá GCFLU Quadrivalent do Hàn Quốc sản xuất là lựa chọn cho mọi lứa tuổi giúp phòng 4 chủng cúm mùa mới nhất theo khuyến cáo WHO hằng năm.

Tại hội thảo, ông Kang Jin-Han, thành viên Hội đồng quản trị Liên đoàn Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc dẫn chứng, mỗi năm, người dân Hàn Quốc thực hiện tiêm chủng phòng cúm chiếm tới 2/3 dân số, điều đó giúp cho người dân có được miễn dịch bảo vệ trước các đợt dịch cúm.

Vị này nhấn mạnh, do các chủng virus cúm có thể thay đổi hằng năm nên mỗi năm, tất cả mọi người trên 6 tháng tuổi nên tiêm vaccine chủng cúm nhắc lại. Đặc biệt, việc tiêm vaccine này cần được ưu tiên đối với nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai và những người mắc các bệnh mãn tính để giảm thiểu tối đa các biến chứng nặng không mong muốn.