Cảnh giác với dịch cúm A bùng phát trái mùa

Những ngày gần đây, số lượng người mắc cúm A trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cao. Trong đó một số trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, tập trung ở trẻ em, người già có bệnh nền. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm A sớm để giảm bớt mức độ nặng của bệnh.
0:00 / 0:00
0:00

Mệt hơn mắc Covid”, “10 ngày rồi vẫn không hết mệt” là những câu được nhiều người dân Thủ đô trao đổi với nhau khi lỡ chẳng may bị cúm A “ghé thăm”. Trở về sau chuyến du lịch ba ngày, chị Trần Thị Nam Trang (ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) thấy toàn thân đau nhức, đầu váng vất.

Chẳng bao lâu, cơn sốt kéo đến, rồi tiếp sau đó là triệu chứng đau họng, sổ mũi, mất giọng… Nghĩ mình mắc Covid lần hai, chị đã xét nghiệm thì kết quả lại cho thấy chị bị cúm A. Tưởng chỉ như bệnh cúm thông thường, nhưng nay đã đến ngày thứ mười, tình trạng bệnh của chị Trang vẫn không thuyên giảm. Chị Trang cho biết, tại cơ quan chị cũng đã ghi nhận ba ca mắc dịch bệnh này.

Cô con gái 4 tuổi của anh Nguyễn Đình Hiệp (nhà HH3C, Khu đô thị Bắc Linh Đàm, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) thì lại lây cúm A từ lớp học. Liên tục hai ngày, cháu bé sốt cao li bì, mệt mỏi, bỏ ăn, anh Hiệp phải đưa con đi khám. Đến khi biết con bị cúm A, dù đã bớt chút lo lắng nhưng trước tình trạng quấy khóc của bé, gia đình anh liên tục phải làm phiền bác sĩ quen, thăm khám thường xuyên suốt ba ngày sau đó, vì sợ con bị biến chứng.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân lo lắng trước cúm A. Trước đó, Hà Nội đã ghi nhận ca bệnh cúm A có biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp là cụ bà 78 tuổi (ở thôn Hòa Bình, xã Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ). Bệnh nhân này có tiền sử suy tim và viêm phổi, nhập viện ngày 13/7. Bệnh nhân hiện đang điều trị thở máy tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tới ngày 20/7, trên địa bàn thành phố có 252 người mắc cúm A, các bệnh nhân này phân bố tại 23/30 quận, huyện, thị xã. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú. Trong đó có 71 trường hợp được chỉ định nhập viện, chủ yếu là phụ nữ có thai, trẻ em, người có bệnh nền. Hầu hết mọi người đều khỏi sau ba, bốn ngày điều trị và ghi nhận một trường hợp viêm phổi nặng suy hô hấp.

Số ca mắc cúm tập trung nhiều nhất ở nhóm dưới 5 tuổi, chiếm tỷ lệ 44,1%; tiếp theo là nhóm tuổi từ 18-49 chiếm 39,7%; nhóm tuổi 6-18 chiếm 11,8% và ít nhất là nhóm tuổi trên 50, chiếm 4,4%.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tiếp nhận 30-40 trường hợp nhiễm cúm A đến khám. Các trường hợp phải nhập viện chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai. Đáng chú ý, bệnh viện ghi nhận chùm ca bệnh gần 20 trường hợp có triệu chứng cúm, đều là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh.

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, tới ngày 19/7 có khoảng 30 bệnh nhân cúm A đang điều trị, chiếm đa số trong số các bệnh nhân đang điều trị tại đây. Mỗi ngày, khoa này có khoảng 15-20 bệnh nhân tới khám, khoảng một nửa trong số này có chỉ định nhập viện.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ riêng trong ngày 18/7, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em đã điều trị 45 trẻ mắc cúm A. Không ít bệnh nhân cúm A diễn biến nặng, thậm chí có một trường hợp bệnh nhi ở Nghệ An phải đặt ECMO.

Thông thường bệnh cúm A thường tăng mạnh ở các tỉnh phía bắc vào mùa đông xuân (tháng 3, 4) và mùa thu đông (tháng 9, 10) hằng năm. Tuy nhiên năm nay, dịch bắt đầu bùng phát mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, diễn biến khá bất thường.

Bên cạnh việc bùng phát trái mùa thì diễn biến dịch cúm A tại Hà Nội lúc này cũng có yếu tố bất thường khi ghi nhận nhiều ca bị biến chứng viêm não, co giật sau mắc cúm… Một điểm hết sức đáng chú ý là năm nay, có 40-45% trẻ có triệu chứng nặng, phải nhập viện do cúm A bị co giật. Thông thường trước đây chỉ một, hai cháu bé mắc viêm não sau cúm A, nhưng năm nay số lượng bị viêm não lên đến 3-6%.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người dân nên chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm A sớm, nhằm giúp giảm bớt mức độ nặng của bệnh. Ngoài ra, người dân khi có các triệu chứng của cúm A như đau đầu, sốt, chảy nước mũi, mệt mỏi, ớn lạnh cần đến cơ sở y tế thăm khám, từ đó có phương pháp điều trị sớm và phù hợp. Trong bối cảnh dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan rộng, những người có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi cấp tính nên hạn chế tiếp xúc với người cao tuổi, có nhiều bệnh nền.

Còn theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, biến chứng nguy hiểm gần đây xuất hiện nhiều là viêm não sau khi mắc cúm. Sau từ ba đến năm ngày mắc cúm, một số trẻ có biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương như lơ mơ, li bì, co giật… Đây đang là vấn đề cần nghiên cứu vì trước đây tình trạng này không xuất hiện. Bác sĩ Hải cho biết, bệnh cúm A thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng từ hai đến bảy ngày. Những nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm là: trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, những người có tình trạng bệnh lý mạn tính, phụ nữ trong tháng thứ hai hoặc thứ ba của thai kỳ…

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên chủ quan với dịch bệnh. Mỗi người dân nên có biện pháp để bảo vệ đường hô hấp trên. Để phòng, tránh bệnh cúm, mọi người nên đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người. Ngoài ra, mỗi cá nhân nên vệ sinh tay, vệ sinh ngoại cảnh, tiêm phòng vắc-xin cúm...