Nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, mùa mưa bão năm 2018 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường. Trên Biển Đông sẽ xuất hiện 12 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó năm đến sáu cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đáng chú ý, mùa mưa, bão năm nay xuất hiện nhiều đợt mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn. Đây là nhân tố nguy hiểm cho các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa đang trong tình trạng hư hỏng và mất an toàn.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang) Nguyễn Thị Năm cho biết, toàn tỉnh hiện có 481 công trình hồ chứa nước thủy lợi, đầu mối là đập đất, mặt đập và mái đập phần lớn chưa được gia cố, tràn xả lũ chảy tự do, kết cấu tràn đất tự nhiên… Phần lớn các công trình này đã được đầu tư xây dựng hơn 20 năm, qua nhiều năm khai thác, sử dụng, đến nay có nhiều hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu đập đất, khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất và sự an toàn của công trình. Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện chỉ có 145 Ban quản lý công trình thủy lợi, được giao tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ hơn 2.900 công trình thủy lợi với tổng số cán bộ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình là 592 người; trong đó số cán bộ được bố trí trực tiếp thực hiện quản lý, vận hành chỉ là 132 người. Ngoài ra, còn rất nhiều công trình hồ chứa nhỏ được phân cấp giao cho các địa phương quản lý. Do không có cán bộ chuyên trách cũng như trình độ vận hành, xử lý dẫn đến ngày càng xuống cấp. Đến nay, trên địa bàn có 113 công trình đang bị hư hỏng, xuống cấp, mức bảo đảm tưới thấp, chưa chủ động cấp nước phục vụ sản xuất, trong đó có 24 công trình nếu không được khắc phục sửa chữa kịp thời sẽ có nguy cơ gây mất an toàn. Trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư để sửa chữa còn quá thấp, mới đạt 52% tổng số công trình bị hư hỏng.
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hòa Bình Trần Quốc Toản, trên địa bàn tỉnh có tổng số 507 hồ chứa thủy lợi, tuy nhiên, đến nay có 240 hồ chứa đang xuống cấp, cần duy tu sửa chữa. Trong mùa mưa, lũ năm 2017 đã có hai hồ bị hư hại nghiêm trọng là Rộc Cốc (huyện Kim Bôi) và Cháu Mè (huyện Đà Bắc) vẫn chưa được xử lý triệt để, bởi nguồn kinh phí chủ yếu chờ Trung ương hỗ trợ. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình Bùi Đức Thọ cho biết, công ty hiện đang quản lý 312 công trình, chủ yếu là các hồ chứa nhỏ, đến nay hầu hết đã xuống cấp. Trong khi đó, tổng nguồn vốn cho công ty hoạt động chỉ vào khoảng 16 đến 17 tỷ đồng/năm từ nguồn trợ giá thủy lợi phí, chỉ đủ để duy tu bảo dưỡng nhỏ, với tỷ lệ sửa chữa được khoảng 10%. Còn lại các hồ khác giao cho địa phương quản lý chưa tìm được cơ quan nào đủ năng lực để vận hành.
Bảo đảm an toàn các hồ chứa
Hồ chứa nước thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần ổn định phát triển bền vững tài nguyên nước. Thời gian qua, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm nhiệm vụ an toàn hồ chứa. Việt Nam đã có chương trình an toàn hồ chứa, cùng với đó là dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn hồ đập vay vốn Ngân hàng Thế giới gần 10 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ chương trình tại 35 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong khoảng 10 năm, đã nâng cấp hơn 600 hồ đập lớn, tuy nhiên, tình hình an toàn đập trong những năm vừa qua vẫn diễn biến hết sức nghiêm trọng. Năm 2017, đã xảy ra sự cố ở 23 hồ, đập trên địa bàn của 11 trong số 45 tỉnh có hồ chứa nước, trong đó, có sự cố mất an toàn hồ đập ở các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Hòa Bình…
Nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trên địa bàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt kiến nghị, các bộ, ngành cần xem xét bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho tỉnh để tổ chức sửa chữa, khắc phục đối với hơn 20 công trình đang bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ gây mất an toàn. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ kinh phí cho địa phương trong việc rà soát, đo đạc, tính toán khôi phục lại các thông số kỹ thuật đối với các hồ chứa nước thủy lợi được đầu tư xây dựng từ trước năm 1990. Hiện, các hồ này không còn hồ sơ lưu trữ để phục vụ công tác quản lý, khai thác, bảo vệ công trình, nhất là việc quan trắc, kiểm tra, theo dõi tình trạng hoạt động trong mùa mưa lũ. Còn tại tỉnh Hòa Bình, theo đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh, hiện nay đã bước vào mùa mưa lũ, Chi cục đang đề nghị các đơn vị xây dựng phương án thi công bảo đảm tiến độ, an toàn và có biện pháp quản lý tốt chất lượng đắp đập; tuyệt đối không đắp đập vào những ngày mưa và đắp đập ướt vượt quá độ ẩm cho phép. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình hồ đập, bai, kè chống sạt lở đang thi công trên địa bàn.
Tác động của biến đổi khí hậu cùng với diễn biến tiêu cực những năm qua cho thấy, nguy cơ mất an toàn hồ đập có thể xảy ra ở mọi nơi, kể cả những hồ đập có chất lượng tốt, bởi trên thực tế, đã xuất hiện những trận mưa cường độ cực lớn, nhất là ở miền núi phía bắc. Do đó, các bộ, ngành, từ T.Ư đến địa phương cần tăng cường tất cả các giải pháp quản lý để có thể kịp thời ứng phó với các trường hợp có thể xảy ra. Chia sẻ quan điểm vấn đề này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, cần phải có hành động cụ thể và triển khai sâu rộng. Về giải pháp công trình, ưu tiên sửa chữa công trình đầu mối, nâng cao khả năng chống lũ của những hồ chứa đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, chú trọng đến vấn đề bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du; thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa... Đối với những hồ, đập bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao thì thực hiện phương châm không tích nước, thậm chí phải phá đập tràn để bảo vệ công trình...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn; chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, diễn tập phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đập, hồ chứa nước với các tình huống khẩn cấp nhất là vùng hạ du đập, hồ chứa nước xung yếu. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi cần khẩn trương củng cố lực lượng quản lý công trình đủ năng lực, chuyên môn về quản lý, vận hành; thường xuyên theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình. Các tỉnh, thành phố phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn công trình thủy lợi.
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có tổng số 6.648 hồ chứa thủy lợi các loại (trong đó có 702 hồ chứa lớn) với tổng dung tích trữ khoảng 13,5 tỷ mét khối, được phân bố tại 45 trong số 63 địa phương trên cả nước. Các địa phương có nhiều hồ chứa là: Nghệ An, Thanh Hóa, Đác Lắc, Hòa Bình, Tuyên Quang, Đác Nông... Tuy nhiên, qua kiểm tra, khảo sát cho thấy, phần lớn các đập tạo hồ chứa thủy lợi đều đắp bằng đất, xây dựng từ rất lâu. Do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư cho nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Hiện, cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp. |