Nguy cơ lũ quét, sụt lún tại các tỉnh miền trung và Tây Nguyên

NDO - Dự báo trong 6 giờ tới, tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10-30mm, có nơi hơn 70mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại các khu vực trên.
0:00 / 0:00
0:00
Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế-Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. (Ảnh minh họa)
Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế-Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. (Ảnh minh họa)

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay (3/12), mô hình độ ẩm đất cho thấy, độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên đã đạt trạng thái gần bão hòa (90-98%).

Dự báo trong 6 giờ tới, tại khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế mưa giảm nhanh; các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10-30mm, có nơi hơn 70mm.

Cảnh báo trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.

Dự báo các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 6 giờ tới:

Tỉnh

Huyện

Thừa Thiên Huế

Phú Lộc, Nam Đông, Phong Điền, A Lưới, Hương Trà, Hương Thủy

Quảng Nam

Phước Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Nông Sơn, Núi Thành, Quế Sơn, Phú Ninh

Thành phố Đà Nẵng

Hòa Vang, Sơn Trà

Quảng Ngãi

Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long

Bình Định

An Lão, Vân Canh, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh

Phú Yên

Sông Hinh, Tây Hòa, Đồng Xuân, Phú Hòa, Sơn Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu

Khánh Hòa

Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, Khánh Vĩnh

Kon Tum

Kon Plông

Gia Lai

An Khê, Krông Chro, Đăk Pơ

Đắk Lắk

MĐrắk, Ea Kar

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công văn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống.

Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông tại các khu vực ngập sâu, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Triển khai biện pháp chống ngập lụt cho các khu đô thị, khu công nghiệp, tiêu úng, bảo vệ sản xuất; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết các hồ chứa bảo đảm an toàn công trình và hạ du, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.