Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 5 giờ ngày 23/9 đến 5 giờ ngày 24/9), khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Nga Sơn 61,6mm (Thanh Hóa); Vinh 294,6mm, Chợ Tràng 260mm (Nghệ An); Cương Gián 235,8mm, Hồ Khe Hao 184,6mm (Hà Tĩnh); Thanh Hóa 71,8mm, Dân Hóa 2 68,6mm (Quảng Bình),…
Do ảnh hưởng của mưa lớn những ngày qua, các chuyên gia khí tượng nhận định, mô hình độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trong khi đó, dự báo trong 6 giờ tới khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa, cục bộ có nơi mưa to. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện, đặc biệt tại các khu vực:
Tỉnh/thành phố | Huyện |
Thanh Hóa | Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy |
Nghệ An | Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, Tương Dương, thị xã Thái Hòa |
Hà Tĩnh | Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh, Vũ Quang, Thạch Hà |
Quảng Bình | Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, thành phố Đồng Hới, Tuyên Hóa |
Cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế-xã hội.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để khơi thông dòng chảy; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở;
Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...