Nguy cơ kinh tế suy thoái đẩy giá dầu châu Á giảm hơn 1 USD mỗi thùng

NDO -

Tuần trước, giá dầu ghi nhận tuần giảm thứ hai giữa bối cảnh quyết định tăng lãi suất tại các nền kinh tế chủ chốt thúc đẩy đồng USD lên giá, đồng thời đào sâu mối lo ngại về nguy cơ suy thoái.

Người dân đổ xăng tại trạm xăng ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 17/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân đổ xăng tại trạm xăng ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 17/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch sáng 27/6, giá dầu tại thị trường châu Á giảm hơn 1 USD/thùng khi mối lo ngại về kinh tế toàn cầu làm suy giảm triển vọng nhu cầu dầu.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng hướng sự chú ý vào cuộc họp của nhóm Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong tuần này về những biện pháp kiềm chế xuất khẩu dầu của Nga và nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran.

Vào lúc 7 giờ 10 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 1,42 USD (1,3%) xuống 111,70 USD/thùng, sau khi tăng 2,8% trong phiên cuối tuần trước, còn giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 1,54 USD (1,4%) xuống 106,08 USD/thùng sau khi tăng 3,2% trong phiên trước.

Tuần trước, giá cả hai mặt hàng trên đều ghi nhận tuần giảm thứ hai giữa bối cảnh quyết định tăng lãi suất tại các nền kinh tế chủ chốt thúc đẩy đồng USD lên giá đồng thời đào sâu mối lo ngại về nguy cơ suy thoái.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn giao dịch trên 100 USD/thùng, khi nguồn cung dầu thô và các sản phẩm dầu vẫn thắt chặt sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Trong các cuộc họp tuần này, nhà lãnh đạo các nước G7 dự kiến sẽ thảo luận về các phương án đối phó với đà tăng của giá năng lượng và thay thế lượng dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga, cũng như các biện pháp trừng phạt tiếp theo mà không làm trầm trọng thêm lạm phát.

Các biện pháp có thể bao gồm việc đưa ra giới hạn giá đối với các sản phẩm năng lượng xuất khẩu của Nga nhằm hạn chế doanh thu của “xứ Bạch dương” trong khi giảm thiệt hại cho các nền kinh tế khác. Nhà phân tích Vivek Dhar của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, có trụ sở tại Australia, lưu ý vẫn chưa rõ liệu biện pháp giới hạn giá có đạt được kết quả này hay không.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng sẽ thảo luận về triển vọng khôi phục các cuộc đàm phán hạt nhân Iran sau khi đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell  gặp các quan chức cấp cao ở Tehran để cố gắng thúc đẩy các cuộc đàm phán.

Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) cho biết, tuần này, các nhà giao dịch đang hướng sự chú ý vào cuộc đàm phán hạt nhân Iran và hy vọng về đà phục hồi xuất khẩu dầu của quốc gia Hồi giáo này.