Giám đốc WHO:

Nguy cơ bỏ lỡ thời hạn chót thông qua thỏa thuận toàn cầu ứng phó đại dịch

NDO - Ngày 22/1, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại, cộng đồng quốc tế đang đứng trước nguy cơ bỏ lỡ thời hạn chót vào tháng 5 tới để thông qua thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý trong việc ứng phó với đại dịch, cho rằng điều này sẽ là một đòn giáng lớn đối với các thế hệ tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh thế giới gồng mình ứng phó với đại dịch Covid-19, 194 quốc gia thành viên của WHO đã đàm phán về thỏa thuận toàn cầu nói trên, nhằm bảo đảm các quốc gia được trang bị tốt hơn để ứng phó hoặc ngăn chặn hoàn toàn các thảm họa liên quan sức khỏe trong tương lai.

Theo WHO, thỏa thuận này cùng một loạt cập nhật cho các quy tắc hiện hành về ứng phó với đại dịch nhằm mục tiêu tăng cường khả năng phòng vệ của cộng đồng quốc tế trước các mầm bệnh mới, sau khi đại dịch Covid-19 hoành hành đã cướp đi sinh mạng của hơn 7 triệu người trên toàn cầu.

Theo kế hoạch, các quốc gia thành viên WHO sẽ thông qua thỏa thuận này tại kỳ họp thường niên năm 2024 của Đại hội đồng Y tế thế giới, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 27/5 tới.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, thời gian không còn nhiều và nếu không có các động thái tích cực tiếp theo, toàn bộ kế hoạch có nguy cơ không thể đến đích.

Trong bài phát biểu tại cuộc họp Ban điều hành của cơ quan y tế toàn cầu tại Geneva, ông Tedros nêu rõ: “Tôi lo ngại rằng các quốc gia thành viên WHO có thể không đáp ứng cam kết đó. Thời gian còn lại rất ít và vẫn còn một số vấn đề tồn đọng cần giải quyết”.

Ông nói: “Theo quan điểm của tôi, việc không thực hiện thỏa thuận toàn cầu về đại dịch và các sửa đổi IHR (Quy định y tế quốc tế) sẽ là một cơ hội bị bỏ lỡ mà các thế hệ tương lai có thể sẽ không tha thứ cho chúng ta”.

Từ đó, người đứng đầu WHO kêu gọi các nước nắm bắt cơ hội để định hình tương lai của WHO và y tế toàn cầu.

Mới chỉ một lần duy nhất trước đây trong lịch sử 75 năm của tổ chức, WHO mới thống nhất thông qua được một thỏa thuận tương tự, đó là Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá năm 2003.

Dẫu vậy, trong bài phát biểu của mình, ông Tedros cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng chống lại đại dịch AIDS, một trong những Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của thế giới cho đến năm 2030.

Theo đó, người đứng đầu WHO nhấn mạnh, hiện đã có thể nhìn thấy lộ trình rõ ràng cho mục tiêu SDG chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.