Mới đây, WHO công bố chiến lược mới trong phòng, chống dịch Covid-19, theo đó hướng tới giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang phòng ngừa và kiểm soát lâu dài đối với dịch bệnh này. Chiến lược mới cũng nhấn mạnh tiếp tục duy trì hai mục tiêu của chiến lược được đề ra trước đó vào năm 2022, là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh cùng các hậu quả lâu dài.
Trước đó, WHO cho rằng, virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 vẫn tồn tại nhưng thế giới đang dần bước ra khỏi giai đoạn khẩn cấp. Số ca tử vong do Covid-19 đã giảm 95% kể từ đầu năm 2023 đến nay. Ðây là minh chứng rõ nét cho thành công của WHO về điều phối các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại dịch Covid-19 - một trong những cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ. Với những tín hiệu tích cực này, WHO hy vọng có thể sớm tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp gây lo ngại trên toàn cầu đối với dịch Covid-19.
WHO hy vọng có thể sớm tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp gây lo ngại trên toàn cầu đối với dịch Covid-19.
Trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập WHO, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, dù tự hào vì những thành tựu đã đạt được, tổ chức này vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa tầm nhìn là mang lại tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất cho tất cả mọi người. Trên thực tế, ngành y tế toàn cầu vẫn đang đứng trước hàng loạt thách thức cũ, mới đan xen.
Một vấn đề nan giải là sự gián đoạn các chương trình tiêm chủng do đại dịch Covid-19. Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, khoảng 67 triệu trẻ em bị bỏ lỡ ít nhất 1 mũi tiêm thiết yếu trong giai đoạn 2019-2021, là một phần nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát dịch sởi, bạch hầu, bại liệt. Tại châu Âu, hơn 1 triệu trẻ em bỏ lỡ tất cả hoặc một số lần tiêm chủng định kỳ kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào năm 2020. Nguyên nhân được cho là các lệnh phong tỏa và nỗi sợ lây nhiễm Covid-19 khi đến các cơ sở y tế đã khiến nhiều cha mẹ trì hoãn việc tiêm phòng cho con mình.
Trong khi đó, châu Phi là khu vực có số trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ cao nhất (12,7 triệu trẻ trong giai đoạn 2019-2021). Sự trật nhịp của chương trình tiêm chủng trên toàn cầu trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe với trẻ em, những chủ nhân tương lai của thế giới.
Tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế cũng là một thách thức. Hiện có tới 30% số dân toàn cầu không được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Theo Liên minh vắc-xin của nhân dân (PVA), nếu vắc-xin ngừa Covid-19 được chia sẻ một cách công bằng trên thế giới, ít nhất 1,3 triệu người có thể đã được cứu sống ngay trong năm đầu triển khai tiêm chủng.
Thu hẹp khoảng cách về tiếp cận dịch vụ y tế tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, trong bối cảnh hàng loạt mối đe dọa đang rình rập.
Thu hẹp khoảng cách về tiếp cận dịch vụ y tế tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, trong bối cảnh hàng loạt mối đe dọa đang rình rập. Số ca mắc bệnh tả ở châu Phi gia tăng theo cấp số nhân, nhất là tại Somalia và Nigeria. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường ở một số quốc gia châu Á, với số ca mắc mới tăng mạnh.
Nhiều quốc gia cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế. Báo cáo của WHO cho biết, ít nhất 55 quốc gia trên thế giới phải chật vật đối phó với sự thiếu hụt trầm trọng nhân viên y tế, trong đó, các nước châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, và khó hoàn thành các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Giới khoa học Anh dự báo, trong 10 năm tới có thể xảy ra một đại dịch mới trên toàn cầu, có nguy cơ gây tử vong cao tương tự đại dịch Covid-19. Cùng với những diễn biến nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, tình trạng dân số gia tăng..., ngày càng xuất hiện nhiều mối đe dọa với sức khoẻ cộng đồng. Những thành tựu y tế đã đạt được chính là cơ sở và động lực để các quốc gia tiếp tục chung tay giải quyết các thách thức của hôm nay và mai sau.