Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thanh Chương

NDO - Những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, nhất là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận để phát triển kinh tế, từ đó làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ vốn vay ưu đãi mà gia đình bà Lê Thị Thanh đã phát triển được trang trại gà 3.000 con/lứa cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.
Nhờ vốn vay ưu đãi mà gia đình bà Lê Thị Thanh đã phát triển được trang trại gà 3.000 con/lứa cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.

Thanh Sơn là xã di dời từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở huyện 30a Tương Dương (Nghệ An) về tái định cư tại huyện Thanh Chương từ năm 2006. Xã có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào người Thái, Khơ Mú chiếm phần đông. Trước khi về tái định cư, cơ bản 100% các hộ dân đều là diện nghèo, cận nghèo, cuộc sống bấp bênh với nhiều lực cản để phát triển kinh tế, xã hội.

Anh Moong Văn Tuyền ở bản Thanh Lâm (Thanh Sơn) cũng không phải ngoại lệ. Sau khi lấy vợ, sinh con, năm 2013 anh Tuyền quyết định ra ở riêng. Thời gian đầu, đôi vợ chồng trẻ gặp vô vàn vàn thử thách, cái đói, cái nghèo cứ quẩn quanh.

Giữa khó khăn, anh Tuyền được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Với số tiền được vay 30 triệu đồng, anh Tuyền đã mạnh dạn khai hoang để trồng chè cùng chăn nuôi gà, lợn đen. Từ đó, gia đình bắt đầu có nguồn thu nhập ổn định.

Đến hạn, anh Tuyền đã trả hết số nợ vốn vay cho ngân hàng. Như được tiếp thêm sức mạnh, anh Tuyền tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 100 triệu đồng. Với số tiền lớn này, anh Tuyền đã mạnh dạn thuê máy móc về đào ao nuôi cá; tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè và keo.

Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thanh Chương ảnh 2
Gia đình anh Moong Văn Tuyền thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương phát triển cây chè, keo và chăn nuôi.

Nhờ siêng năng, chịu khó làm ăn, năm 2021, anh đã trả hết số nợ vốn vay và được Ngân hàng tiếp tục cho vay thêm 100 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Đến nay, ngoài xây dựng nhà cửa khang trang gia đình anh đã gây dựng được 4,7ha keo, 1,5ha chè cùng hàng nghìn m2 ao cá và phát triển chăn nuôi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Moong Văn Tuyền chia sẻ: Từ hộ gia đình thiếu ăn, nhờ có nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mà đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo và có thu nhập khá ổn định. Giờ đây mình có thể cho con cái ăn học đàng hoàng, tiếp tục mở rộng sản xuất để phát triển...

Cách đó không xa, gia đình bà Lương Thị Liên sau khi về tái định cư ở Thanh Sơn cũng đã mạnh dạn đăng ký tham gia dự án trồng chè công nghiệp. Năm 2015, bà Liên được tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh 50 triệu đồng của ngân hàng. Từ những vườn chè gia đình bà đã có nguồn thu nhập ổn định. Sau khi trả hết nợ, năm 2020 bà Liên tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng, đầu tư mở rộng chuồng trại để nuôi lợn đen bản địa. Đến nay, gia đình bà Liên đã có 7.000m² chè, thu được 3-4 tấn chè/vụ cùng đàn lợn đen 40 con, trong đó bốn con lợn nái…, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thanh Chương ảnh 3
Mô hình nuôi lợn đen bản địa của gia đình bà Lương Thị Liên cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Sơn Lương Văn Vông chia sẻ: Thanh Sơn và Ngọc Lâm là hai xã với phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ về Thanh Chương tái định cư. Do điều kiện phát triển kinh tế khó khăn nên hầu như các hộ dân đều thuộc diện nghèo, cận nghèo. Về vùng đất mới, được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện Thanh Chương cùng nguồn vốn chính sách ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp đỡ rất nhiều cho đồng bào có điều kiện để phát triển kinh tế; đồng bào đã dần thay đổi hẳn nhận thức, từ trông chờ ỉ lại đến nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở hai xã tái định cư này chỉ còn hơn 30%. Tính đến 30/9/2024, hai xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm có tổng dư nợ gần 148,7 tỷ đồng với hơn 1.900 khách hàng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ có đồng bào từ vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ về tái định cư được ưu tiên vay vốn chính sách ưu đãi mà các hộ nghèo, cận nghèo trong huyện, nhất là vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận nguồn vốn này để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đến thăm mô hình chăn nuôi gà của gia đình bà Lê Thị Thanh, ở thôn Yên Xuân, xã Thanh Ngọc mới thấy được hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Bà Thanh tâm sự: Năm 2018, gia đình thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi cùng với vốn tự có, gia đình đã tự tin đầu tư vào chuồng trại và mạnh dạn nuôi 1.000 con gà thịt/lứa. Nhờ đó mà gia đình ổn định kinh tế và khấm khá dần. Đến năm 2021, gia đình trả hết nợ và tiếp tục vay 50 triệu đồng để mở rộng trang trại. Hiện gia đình nuôi mỗi năm ba lứa gà, mỗi lứa 3.000 con, cho lãi ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.

Hay gia đình chị Nguyễn Thị Lưu ở xóm 5, xã Thanh Hương với mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản và chăn nuôi lợn, gà theo hướng gia trại. Sau gần ba năm phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách ưu đãi, gia đình chị Lưu đã trở thành hộ khá trong vùng...

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương Dương Lê Long chia sẻ: Ngân hàng chính sách xã hội huyện tập trung triển khai quyết liệt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn huyện. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay của ngân hàng chính sách xã hội huyện đạt hơn 211 tỷ đồng, cho 3.550 lượt khách hàng.

Với tổng dư nợ đến 30 tháng 9 năm 2024 đạt hơn 912,8 tỷ đồng với 14.251 khách hàng dư nợ, tăng hơn 31,6 tỷ đồng so với đầu năm, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương có dư nợ đứng thứ ba toàn tỉnh. Từ các chương trình vay vốn ưu đãi, hàng nghìn hộ dân ở huyện Thanh Chương đã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Có được kết quả này là do các xã của huyện Thanh Chương luôn làm tốt công tác rà soát, xác nhận đối tượng vay vốn, nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ dân tộc thiếu số và các đối tượng chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện luôn chú trọng thực hiện tốt phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, đồng thời thiết lập mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã cho biết: Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương đã tập trung triển khai quyết liệt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo.

Từ việc thụ động trong lề lối canh tác ruộng vườn, chăn nuôi, nay, bà con đã biết cách lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng địa phương, nhất là kinh tế vườn đồi, gia trại, trang trại với các cây trồng chủ lực, như: chè, keo, cam…và gắn với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỉ lệ hộ nghèo trong huyện Thanh Chương xuống còn 3,4%...

"Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục đồng hành với định hướng, mục tiêu và các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đảm bảo đáp ứng 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội", Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Thanh Chương cho biết thêm.