Nguồn vốn ưu đãi “tiếp sức” cho hộ nghèo và đối tượng chính sách ở Cư M’gar

NDO - Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của tỉnh Đắk Lắk và đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trong năm 2023, được sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và hoạt động tích cực của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư M’gar, hàng nghìn hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác trong huyện được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư M’gar đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận cơ sở để giải ngân, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dễ dàng, thuận lợi.
Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư M’gar đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận cơ sở để giải ngân, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dễ dàng, thuận lợi.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư M’gar Võ Ngọc Hãn cho biết: Là đơn vị giải ngân cho vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn, trong năm 2023, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã không ngừng quan tâm tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân, đồng thời triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng một cách nhanh chóng, thuận lợi với số vốn hàng tỷ đồng, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhờ đó, trong năm 2023, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giải ngân với vốn gần 150 tỷ đồng cho hơn 3.200 lượt khách vay đầu tư phát triển sản xuất, đây là doanh số cho vay cao nhất những năm trở lại đây, nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng gần 495 tỷ đồng, với 11.941 khách hàng còn dư nợ.

Kết quả này khẳng định sự nỗ lực của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư M’gar trong việc kịp thời đưa đồng vốn chính sách đến với người dân, giúp hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách xã hội khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, trả vốn cho ngân hàng.

Cũng theo ông Võ Ngọc Hãn, nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% thôn, buôn, tổ dân phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.

Các chương trình tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là một trong những giải pháp khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19 cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân thêm vốn tái đầu tư sản xuất.

Nguồn vốn ưu đãi “tiếp sức” cho hộ nghèo và đối tượng chính sách ở Cư M’gar ảnh 1

Một hộ dân ở huyện Cư M’gar vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện về đầu tư chăn nuôi dê vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Năm 2021, gia đình ông Triệu Văn Long ở thôn Hợp Thành, xã Ea M’roh, huyện Cư M’gar vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội huyện số tiền 100 triệu đồng.

Với số tiền trên, gia đình ông đã cải tạo lại vườn cà-phê già cỗi và trồng xen canh cây sầu riêng, đến nay vườn cà-phê chuẩn bị cho thu hoạch, còn đối với cây sầu riêng cũng phát triển tốt. Không bao lâu nữa, cả hai loại cây này cho thu hoạch sẽ giúp gia đình ông phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Ông Long chia sẻ: “Gói vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người dân. Vốn vay phù hợp, lãi suất thấp, thời gian vay dài hạn mà người dân cũng không phải thế chấp nên người dân được tạo nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm”.

Còn bà Nông Thị Lũy, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Đồng Tâm, xã Ea M’roh huyện Cư M’gar chia sẻ: “Lãi suất của Ngân hàng chính sách xã hội ưu đãi và ổn định hơn các ngân hàng thương mại khác nên từ khi triển khai chương trình cho vay giải quyết việc làm luôn nhận được sự hưởng ứng của các hộ dân trong thôn. Chính vì thế, đa số hộ gia đình mong muốn Chính phủ nâng mức cho vay để có thể mở rộng quy mô sản xuất, tạo nhiều việc làm cho người dân”.

Trong 2 năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư M’gar đã giải ngân cho vay 5 chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, gồm: Cho vay cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; cho vay học sinh, sinh viên mua thiết bị, dụng cụ học tập trực tuyến; cho vay hỗ trợ tạo việc làm; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, đến nay đơn vị hoàn thành giải ngân số vốn theo kế hoạch tỉnh giao.

Thực hiện Nghị quyết số 181/NQ-CP ngày 2/11/2023 của Chính phủ về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển kinh tế, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện được phân bổ, bổ sung 20 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương triển khai chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Căn cứ kết quả rà soát nhu cầu vốn của từng địa phương, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện kịp thời phân giao kế hoạch cho các xã, thị trấn thực hiện tổ chức giải ngân theo quy định. Đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giải ngân nguồn vốn từ chương trình tín dụng này cho gần 400 khách hàng với số vốn 20 tỷ đồng và hoàn thành 100% kế hoạch bổ sung thêm.

Bên cạnh việc đẩy mạnh cho vay theo đúng đối tượng thụ hưởng, công tác thu hồi vốn cũng đạt hiệu quả tích cực. Tổng doanh số thu nợ các chương trình tín dụng từ đầu năm đến nay đạt hơn 70 tỷ đồng và ngân hàng cân đối tiếp tục quay vòng giải ngân cho những hộ hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn. Đồng vốn ưu đãi được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả nên tỷ lệ nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,04% so với tổng dư nợ.

Hiện, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư M’gar quản lý cho vay ưu đãi 15 chương trình tín dụng, duy nhất chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non tư thục được Ngân hàng chính sách xã hội trực tiếp cho vay, còn lại 14 chương trình cho vay theo phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Ở cấp cơ sở là các tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc các hội, đoàn thể. Ngoài sự sâu sát của cán bộ tín dụng thì việc củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn giữ vai trò hết sức quan trọng.

Ông Võ Ngọc Hãn cho biết: Để vốn vay từ các chương trình tín dụng ưu đãi tiếp tục phát huy hiệu quả, lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đưa các chương trình tín dụng chính sách xã hội “tiếp sức” cho hộ nghèo, hộ đồng dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện.