Nguồn nhân lực giữ vai trò cốt lõi trong chiến lược phát triển ngành thiết kế vi mạch

NDO - Việt Nam chưa có chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch. Việc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến ngành thiết kế vi mạch là rất cấp thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh tọa đàm “Xây dựng Chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến ngành thiết kế vi mạch tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”.
Quang cảnh tọa đàm “Xây dựng Chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến ngành thiết kế vi mạch tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”.

Ngày 12/7, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Xây dựng Chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến ngành thiết kế vi mạch tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tọa đàm thu hút các chuyên gia trong ngành vi mạch đến từ các trường đại học trong và ngoài nước; các bộ, ngành liên quan; các doanh nghiệp khoa học-công nghệ… đến dự.

Sau đại dịch Covid-19, các tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng hoạt động, tăng cường đầu tư và tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng tại Việt Nam. Điều này làm cho nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trước sự khan hiếm nguồn nhân lực vi mạch trong nước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban Đào tạo, Phó Giám đốc phụ trách Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng khung chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến về thiết kế vi mạch ở bậc đại học và sau đại học.

Dự kiến trong 5 năm, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, góp phần tăng 20% nhân sự ngành này trong cả nước.

Tiến sĩ Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, từ năm 2001 đến 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng 13% mỗi năm, đạt giá trị khoảng 600 tỷ USD tính đến năm 2021. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn, chỉ có nhà máy của Intel và một vài doanh nghiệp FDI thực hiện công đoạn lắp ráp, kiểm thử và đóng gói.

Cùng với đó, hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước cũng chưa hoàn chỉnh, nhất là thiếu các cơ sở hạ tầng như phòng lab phục vụ kiểm thử, các nền tảng, công cụ thiết kế vi mạch phục vụ đào tạo chính quy hoặc nâng cao tay nghề và chưa có trung tâm ươm tạo ngành bán dẫn. Việt Nam chưa có chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch.

Nguồn nhân lực giữ vai trò cốt lõi trong chiến lược phát triển ngành thiết kế vi mạch ảnh 1
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm

Các chuyên gia cho rằng, nhân lực rất quan trọng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Việc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến ngành thiết kế vi mạch là việc làm cấp thiết, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đề án phải có chương trình đào tạo tiên tiến bậc đại học và sau đại học, phải gắn với các doanh nghiệp về công nghệ vi mạch, và phải học hỏi được kinh nghiệm từ các quốc gia.

“Đào tạo và nghiên cứu phải đi cùng nhau, nếu chúng ta trách đào tạo và nghiên cứu ra thì chúng ta không thể nào phát triển bền vững được”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân cho biết và kỳ vọng xây dựng được phòng thí nghiệm (phòng lab) vừa phục vụ cho nghiên cứu, vừa phục vụ cho đào tạo.

Phòng thí nghiệm không chỉ phục vụ cho Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mà phục vụ chung cho toàn bộ khu vực phía nam. Các sinh viên học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hoặc sinh viên các trường đại học bên ngoài Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu đều có quyền đến đây để thực hiện thực tập, thực hành.