FPT cần tập trung phát triển công nghệ thông tin, thiết kế, sản xuất chip vi mạch

NDO - Ngày 14/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trường Đại học FPT, Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khi đến thăm Đại học FPT.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khi đến thăm Đại học FPT.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, FPT luôn coi trọng công tác giáo dục đào tạo.

Từ năm 1999, FPT mở mạng lưới trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech. Năm 2006, FPT thành lập Trường Đại học FPT để dạy tiếng Nhật cho kỹ sư công nghệ thông tin. Năm 2010, FPT mở bậc giáo dục nghề nghiệp.

Tính đến nay, đã có 18.241 sinh viên tốt nghiệp đại học, 3.114 học sinh tốt nghiệp phổ thông (tính từ 2018 đến nay) trên tổng số 150.000 học sinh, sinh viên theo học tại FPT.

FPT cần tập trung phát triển công nghệ thông tin, thiết kế, sản xuất chip vi mạch ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Trường Đại học FPT.

FPT đang chiếm vị trí cao trong các lĩnh vực "siêu nóng" của thế giới, nhờ nguồn nhân lực từ các trường Đại học Việt Nam, Đại học FPT và cả lưu học sinh Việt Nam.

Năm 2022, lần đầu tiên Tập đoàn FPT đã ghi nhận 1 tỷ USD doanh số ký từ thị trường nước ngoài, tương đương doanh thu xuất khẩu hồ tiêu - mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tăng trưởng cao ở tất cả các thị trường toàn cầu, đóng góp 7.112 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

FPT cần tập trung phát triển công nghệ thông tin, thiết kế, sản xuất chip vi mạch ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính với giáo viên, học sinh Trường Đại học FPT.

Chủ tịch Trương Gia Bình kiến nghị, đây là thời điểm tạo ra sức hấp dẫn mới cho ngành Công nghệ Việt Nam và thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta nhờ nguồn lao động kỹ thuật có chứng chỉ, bằng cấp dồi dào.

“Thậm chí nguồn nhân lực công nghệ cao và rất cao như AI, Chip, IoT, Big Data, kỹ thuật xe điện… với 100 triệu dân số vàng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm giáo dục đào tạo công nghệ của thế giới. Tiềm năng Việt Nam có thể đứng cao Top 5 - Top 10 thế giới về công nghệ thông tin, nông nghiệp và du lịch”.

Ông kiến nghị Việt Nam cần ra quyết sách đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực 4.0, để đưa Việt Nam lên đài vinh quang sánh vai cường quốc năm châu.

FPT cần tập trung phát triển công nghệ thông tin, thiết kế, sản xuất chip vi mạch ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm nghiên cứu, phát triển phần mềm của FPT.

Nhân dịp này, Đại diện Tập đoàn FPT chia sẻ về việc thành lập Công ty cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) vào tháng 3/2022.

Đây là bước đi góp phần thực hiện giấc mơ bán dẫn của nhiều thế hệ cha anh từ 1979 đến nay.

FPT cần tập trung phát triển công nghệ thông tin, thiết kế, sản xuất chip vi mạch ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo Tập đoàn FPT.

Theo ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc FPT Semiconductor, năm 2022, FPT Semiconductor thiết kế, sản xuất 3 dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với đơn đặt hàng 25 triệu chip trong năm 2024, 2025.

FPT đang thực hiện đơn đặt hàng 2 triệu chip cho đối tác Nhật Bản. Dự kiến 2023, FPT sẽ có thêm 7 dòng chip mới. Đầu năm 2024, FPT Semiconductor sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực chíp bán dẫn nói riêng và công nghệ nói chung trên toàn cầu, FPT kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện tập trung Phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, đặc biệt là nguồn lực thiết kế chip bán dẫn.

Việt Nam cũng cần thành lập trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành bán dẫn để phát triển nguồn lực về lâu dài giống mô hình các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Việt Nam cũng cần thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào việc xây dựng nhà máy, đào tạo nhân sự cho ngành này.

FPT cần tập trung phát triển công nghệ thông tin, thiết kế, sản xuất chip vi mạch ảnh 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khi đến thăm Trường Đại học FPT.

Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, giáo dục-đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu; trong 3 đột phá chiến lược thì đào tạo nguồn nhân lực là một trong những đột phá quan trọng.

Đây là trường đại học quốc gia tiên phong nghiên cứu các ngành, lĩnh vực mới nổi, nằm trong hệ sinh thái của FPT. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị FPT tập trung phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số, thiết kế sản xuất chip vi mạch, đi đôi với đào tạo nguồn nhân lực.

Thủ tướng tin tưởng con đường này là đúng đắn nhất, phù hợp xu thế, hoàn cảnh đất nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, góp phần hội nhập quốc tế thực chất và hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước: giáo dục là quốc sách hàng đầu.

FPT cần tập trung phát triển công nghệ thông tin, thiết kế, sản xuất chip vi mạch ảnh 6

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm nghiên cứu, phát triển phần mềm của FPT.

Chính phủ đã giao việc nghiên cứu và tổ chức thành lập các trường đại học số, do đó, phải có cơ chế, chính sách phát triển đại học số, khoa số, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Theo Thủ tướng, lĩnh vực số rất nhiều, do đó chúng ta phải lựa chọn ưu tiên vì nguồn lực, thời gian có hạn, trong khi yêu cầu thì cao.

Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, góp phần tăng năng suất lao động tổng hợp, muốn vậy thì phải coi trọng yếu tố con người, giáo dục-đào tạo theo hướng phát triển khoa học công nghệ, mở được nhiều khu công nghệ cao; rút kinh nghiệm để chuyển đổi cách quản lý, trong khu công nghệ cao thì chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chú trọng thúc đẩy đào tạo nghề để thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, mối quan hệ lao động quốc tế, nhất là lao động chất lượng cao; phát triển kỹ năng nghề, giáo dục những người học nghề chấp hành pháp luật, giỏi chuyên môn, biết ứng xử văn hóa… để phát triển thị trường lao động lành mạnh, hội nhập, bền vững, hiệu quả.

Bộ Nội vụ góp phần cùng các bộ, ngành quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới, cùng với tình hình quốc tế, khu vực thì việc này phải suy nghĩ, có các đề án, dự án, hoàn thiện thể chế, xây dựng các cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện bài bản, lớp lang…

Thủ tướng yêu cầu phải có quy hoạch, chiến lược để làm bài bản, nguồn lực đầu tư theo khả năng có được; tin tưởng các bộ, ngành nỗ lực, đi đúng hướng và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường trong nước và ngoài nước.

Đối với thành phố Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành các thủ tục hành chính, đất đai cho các cơ quan, đơn vị tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Chính phủ phải kiến tạo, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng; xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phân cấp, phân quyền hợp lý trong đào tạo, kể cả đào tạo cho các tỉnh miền núi phía bắc, miền trung - Tây Nguyên…; tổ chức thực hiện tốt, quy hoạch các trung tâm, bố trí nguồn lực.

Chính phủ điều hành chung các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để kết nối các bộ, ngành, địa phương, các ngành.

Quá trình này còn nhiều việc phải làm, các bộ, ngành phải thảo luận kỹ, tìm nguồn lực, tạo đột phá để đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, từng ngành nghề, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.