Nguồn lực cho bảo vệ, phát triển rừng bền vững

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, cả nước đã thu được gần 3.200 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng. Đáng quan tâm là các địa phương ngày càng có thêm nguồn dịch vụ mới, gia tăng hợp đồng ủy thác, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sống bằng nghề rừng. Theo đó, công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được củng cố, nâng cao...

Lực lượng kiểm lâm huyện Sìn Hồ (Lai Châu) hướng dẫn người dân phát đường băng cản lửa để phòng, chống cháy rừng.
Lực lượng kiểm lâm huyện Sìn Hồ (Lai Châu) hướng dẫn người dân phát đường băng cản lửa để phòng, chống cháy rừng.

Sau hơn 10 năm thực hiện quy định của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay công tác này ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, giúp nâng cao hiệu quả trong việc ủy thác tiền chi trả cho chủ rừng.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Tại một số tỉnh miền núi phía bắc có mức thu lớn từ dịch vụ môi trường rừng như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu..., công tác chi trả từ nguồn thu này đã thu hút một lực lượng lớn quản lý, bảo vệ rừng trong nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Đây cũng là một nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân. Số tiền được nhận từ dịch vụ môi trường rừng, còn giúp người dân mua cây giống để trồng rừng, chi trả cho việc chăm sóc cây rừng, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng và mua sắm trang thiết bị, vật dụng để bảo vệ rừng hiệu quả.

Theo Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Lai Châu, Nguyễn Văn Biển, thu nhập ổn định từ dịch vụ môi trường rừng đã góp phần đưa công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương ngày càng được củng cố, nâng cao. Tỉnh có thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng rất lớn, hằng năm tỉnh thu là hơn 310 tỷ đồng từ dịch vụ này. Với đơn giá khoảng 1,1 triệu đồng/ha, mức chi trả cho hộ dân đã đạt bình quân 5,4 triệu đồng/hộ/năm. Riêng tại huyện Mường Tè, năm 2021 toàn huyện đã triển khai thực hiện giao khoán với tổng diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng là 173.048 ha, với tổng số tiền đạt 169,532 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng được hưởng 18 triệu đồng/năm.

Là một trong những tỉnh Tây Bắc có thu nhập cao từ dịch vụ môi trường rừng, năm 2021, tỉnh Điện Biên cũng đã thu được hơn 241 tỷ đồng và chi trả 235 tỷ đồng từ nguồn thu này, trong đó, nơi có mức chi trả cao nhất là hơn 1,2 triệu đồng/ha/năm. Phó Chi cục trưởng Lâm nghiệp tỉnh Điện Biên Mai Hương cho biết, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thật sự thu hút cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ và phát triển rừng, từ đó nâng cao thu nhập cho các hộ dân có rừng. Đến nay, nhiều hộ gia đình tại các huyện Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Lay... đã có cuộc sống thay đổi nhờ nguồn thu từ dịch vụ này, từ đó, đồng bào các dân tộc có nhận thức cao về diện tích rừng mình nhận khoán và tập trung đầu tư mua sắm phương tiện, vật dụng để bảo vệ rừng hiệu quả.

Cùng với đó, các địa phương có rừng đã ngày càng nâng cao công tác phát triển rừng. Năm 2021, tỉnh đã giao cho các địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ với diện tích khoảng 150ha, trong đó huyện Điện Biên trồng mới được 20ha, Tuần Giáo 45ha, Mường Chà 35ha và Mường Ảng 50ha... Toàn tỉnh đã và đang triển khai 17 dự án trồng rừng, tập trung phát triển bền vững kinh tế dưới tán rừng thông qua các chương trình liên kết giữa hộ dân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã và giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với các hộ dân có rừng, từ đó, đẩy mạnh kinh tế lâm nghiệp thông qua việc trồng cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng.

Cũng như nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Bắc Kạn có hơn 417.500ha đất lâm nghiệp, chiếm 86% diện tích tự nhiên. Cùng với việc đẩy mạnh các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, tỉnh có chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế rừng, phấn đấu duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 72,9%. Tỉnh đã triển khai cấp chứng chỉ rừng FSC cho hơn 320 chủ rừng với tổng diện tích hơn 900ha; giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất 93.800ha; trồng rừng đạt hơn 100.000ha... Sơn La cũng là địa phương có diện tích rừng lớn được hưởng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, năm 2021, tỉnh đã thu hơn 243,8 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng và chi trả gần 180 tỷ đồng cho hơn 39.000 chủ rừng. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 570.000ha được chi trả tiền từ dịch vụ này.

Tiếp tục đẩy mạnh nguồn thu

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có hiệu lực trên phạm vi cả nước từ ngày 1/1/2011 theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ đã khẳng định hướng đi đúng đắn, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi. Cùng với nguồn thu từ hai dịch vụ chủ yếu là thủy điện và nước sạch, thực hiện quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, hiện nay đã có thêm hai loại dịch vụ môi trường rừng mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản đang được áp dụng triển khai rộng rãi trên toàn quốc.

Đối với cơ sở sản xuất công nghiệp, hiện đã có gần 30 tỉnh xác định được danh sách các cơ sở sản xuất công nghiệp phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng, do đó thu từ cơ sở sản xuất công nghiệp đã đạt 43,03 tỷ đồng, chiếm 1,38% tổng thu cả nước. Đối với dịch vụ nuôi trồng thủy sản được quy định thu theo hình thức trực tiếp, đến nay có một số tỉnh đã rà soát danh sách để triển khai ký hợp đồng đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai mạnh mẽ các loại dịch vụ mới theo đúng quy định.

Nguồn lực cho bảo vệ, phát triển rừng bền vững -0
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn người dân chăm sóc rừng sản xuất
tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới. 

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ, đến nay đã thành lập gần 400 khu rừng đặc dụng, phòng hộ quản lý hơn 6,7 triệu héc-ta rừng và đất lâm nghiệp tập trung ở khu vực có hệ sinh thái đặc trưng trên cạn, trên biển, đất ngập nước, giữ vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, thông qua các hoạt động dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái góp phần tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân.

Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng hiện vẫn còn những bất cập, vướng mắc. Theo Giám đốc quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu, Tòng Thị Hương, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt hiện còn khó thực hiện ở một số địa phương do diện tích cung ứng lớn, số lượng chủ rừng nhiều, đơn giá chi trả thấp, dẫn đến số tiền chi trả bị xé lẻ. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên Bùi Minh Hải cũng cho rằng, một phần do thói quen sử dụng tiền mặt của đồng bào, mặt khác việc mở tài khoản do địa bàn chi trả thuộc vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; số lượng tiền nhận được ít nhưng chi phí duy trì tài khoản cao, nên hạ tầng cơ sở của bên cung ứng dịch vụ (ngân hàng, bưu điện) chưa đáp ứng tới các điểm vùng sâu, vùng xa...

Đây là những hạn chế chính trong việc triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt của các quỹ bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh miền núi. Thêm vào đó, tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra tại nhiều nơi; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa được chú ý đúng mức; đầu tư chưa tương xứng với mục tiêu và nhiệm vụ; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế môi trường rừng bền vững để tạo nguồn tài chính đầu tư lại rừng, hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Do vậy, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ môi trường rừng, các địa phương, chủ rừng cần tập trung nâng cao ý thức bảo vệ rừng, nhất là đối với rừng đặc dụng, phòng hộ, qua đó góp phần nâng cao công tác quản lý, phát triển rừng hiệu quả, bền vững.

Tổng Cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, thời gian tới, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục tập trung thu đúng, thu đủ tiền dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở rà soát các hợp đồng ủy thác, các loại dịch vụ mới theo quy định, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp còn chây ỳ, nợ đọng kéo dài.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng phi tiền mặt đến các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để nâng cao tính minh bạch, an toàn, hiệu quả trong công tác giải ngân; xây dựng kế hoạch triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cac-bon đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn theo quy định của Chính phủ. Đối với công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, thực hiện thường xuyên, liên tục từ Trung ương đến địa phương để kịp thời phát hiện xử lý những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam phấn đấu thu tiền dịch vụ môi trường rừng đạt 2.800 tỷ đồng; giải ngân cho chủ rừng đạt 70%, tương đương 1.998 tỷ đồng, đặc biệt là các hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản; bảo đảm duy trì diện tích rừng trong lưu vực cung ứng của các chủ rừng được hưởng là 6,7 triệu héc-ta rừng (chiếm 45% diện tích rừng của cả nước) bằng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng...