Người viết thư thuê bằng tay lâu năm nhất Việt Nam

NDO - Ông lão người nhỏ bé, mái tóc bạc trắng, tỉ mẩn với cái kính lúp, những quyển từ điển, tài liệu dịch thuật và sổ tay đã úa màu thời gian... ngồi ngay giữa Bưu điện Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Hằng ngày, ông giúp mọi người gắn kết với người thân của họ qua những lá thư viết tay. Ông cũng là người Sài Gòn cuối cùng viết thư thuê bằng tay và là người duy nhất được nhận danh hiệu "Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam" do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận.
Ông Ngộ viết thư thuê cho khách hàng ở Bưu điện trung tâm thành phố.
Ông Ngộ viết thư thuê cho khách hàng ở Bưu điện trung tâm thành phố.

Ông tên Dương Văn Ngộ, 82 tuổi. Với chất giọng trầm lắng và nhẹ nhàng, ông kể về cuộc đời và cơ duyên đưa ông đến với nghề này: Năm 16 tuổi, ông bắt đầu vào làm cho Bưu điện Sài Gòn (nay là Bưu điện Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh). Qua năm 17 tuổi, ông xin làm thư ký công nhật cho Bưu điện. Ðến năm 18 tuổi, ông mới thi vào ngành bưu điện. Năm 22 tuổi, ông lấy bằng trung học Pháp rồi chính thức gia nhập đội ngũ nhân viên Bưu điện Sài Gòn và từ đó, như một sợi dây đỏ "duyên phận" vô hình gắn kết ông với nơi này. Sau giải phóng, tại đây có thành lập tổ viết thư thuê và ông là người trẻ nhất thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp. Rồi mọi người lần lượt đến tuổi về hưu, đến năm 1990, ông cũng bắt đầu đến tuổi hưu, nhưng vì lòng nhiệt huyết và hăng say với nghề của mình, ông đã xin lãnh đạo bưu điện cho phép ông ở lại với công việc viết thư và dịch thuật cho khách hàng. 22 năm qua, ông vẫn gắn bó với nghề viết thư và dịch thuật cho khách bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp với lòng nhiệt thành và tỉ mẩn. Ông chia sẻ: "Lớp trẻ bây giờ không biết hoặc ít viết thư bằng tay. Ðối với tôi, đó là một thứ "văn hóa viết" cần phải được gìn giữ và phát huy. Viết thư tay là quá trình thể hiện thái độ tôn trọng của người viết và cả người nhận".

Ông không nhớ đã có bao nhiêu bức thư ông đã viết cho khách, bởi như ông nói, tuổi già làm ông chẳng nhớ được nhiều nữa và vì một lẽ: "Viết xong cho ai là phải quên ngay và tuyệt đối giữ bí mật, vì người ta đã tin tưởng mình, giao tâm tư, tình cảm cho mình thì mình phải giữ chữ tín, chữ nghĩa". "Kỳ lạ là bài dịch dài thế nào tôi cũng nhớ, nhưng viết thư xong cho người ta tôi lại quên liền"- ông nói. Tôi đã nói đùa với ông rằng chắc có lẽ đó nguyên tắc làm việc của ông, không công khai tên tuổi khách hàng nên quên nhanh. Hay có lẽ vì giữ nhiều bí mật và chuyện tình của hàng vạn bức thư như vậy cũng làm ông bị "quá tải" rồi. Ngồi trầm tư hồi lâu, ông lại kể cho tôi nghe về những câu chuyện có lẽ đã trải qua từ lâu lắm rồi, những câu chuyện khiến ông cảm động, chứa đầy giá trị nhân văn hay đơn giản chỉ là mối quan hệ giữa người với người, cha mẹ với con cháu. Ðó là câu chuyện về bà mẹ lặn lội cả trăm cây số từ Bình Phước đến nhờ ông viết thư cho con, cho cháu ở nước ngoài chỉ để hỏi thăm sức khỏe. "Thường người ta hay viết thư sang người thân ở nước ngoài để xin tiền, nhưng bà lại viết thư không phải để xin tiền. Tôi đã thoáng nghĩ không đáng để họ phải đi xa như thế, nhưng nghĩ lại nó lại đáng trân trọng biết bao nhiêu" - ông trầm ngâm.

Ông nói rằng sẽ không bao giờ "dừng chân" với cái nghề này của mình vì một lẽ rất đơn giản: "Vô đây vui hơn ở nhà". Rồi ông so sánh: "Trời mưa đi ngang qua những quầy bán áo mưa thấy người ta vẫn phải ngồi dưới mưa để bán cho khách, ai cũng có công việc riêng, tội gì mình có công việc mà không làm" và "chỉ khi sức khỏe kém thì mới ngừng, không biết lúc nào, nhưng còn đi được là cứ đi thôi". Người ta về già thì có thú vui bên con cháu, bạn bè hưu trí, còn đối với ông: "Mặc dù già nhưng còn phụng sự được cho thiên hạ được thì cứ làm, còn phụng sự được cho thiên hạ thì vui lắm" - ánh mắt ông lấp lánh niềm đam mê.