Người tiêu dùng Việt tăng cường tìm kiếm ưu đãi để ứng phó thời bão giá

NDO - Người mua sắm Việt Nam đang ngày càng khó tính và nhạy cảm về giá hơn, nhất là khi có những biến động về giá trên thị trường. Mặc dù hành vi tìm kiếm ưu đãi vẫn đang tăng trưởng nhưng người mua sắm vẫn thể hiện sự sẵn sàng chi trả chi phí cao hơn cho các thương hiệu uy tín và sản phẩm chất lượng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm các ưu đãi để ứng phó thời bão giá.
Hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm các ưu đãi để ứng phó thời bão giá.

Ngày 19/6, NIQ, công ty hàng đầu thế giới về hành vi tiêu dùng và nhu cầu mua sắm của khách hàng đã phát hành nghiên cứu mới nhất - Báo cáo Xu hướng mua sắm nhằm nêu bật những thay đổi trong hành vi tiêu dùng tại Việt Nam trong năm 2024, nội dung báo cáo trên đã cung cấp hàng loạt thông tin chuyên sâu, có giá trị thực tiễn giúp các doanh nghiệp sản xuất và nhà bán lẻ trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) hiểu rõ hành vi xu hướng tiêu dùng hiện nay.

NIQ nhấn mạnh sự chuyển dịch quan trọng trong hành vi mua sắm qua các kênh, đồng thời đưa ra các yếu tố thúc đẩy đằng sau những thay đổi này, từ đó cung cấp thông tin cần thiết giúp doanh nghiệp tiếp cận người mua sắm qua các kênh bán hàng khác nhau.

Một trong những xu hướng mới về hành vi mua sắm dễ nhận thấy là nhiều người đã và đang lựa chọn các kênh bán lẻ tiện lợi để thực hiện việc mua sắm, và ưu tiên các cửa hàng có giá cả và ưu đãi tốt nhất. Ngoài ra, họ cũng có xu hướng quyết định mua hàng ngẫu hứng nhiều hơn kể cả khi đã lên kế hoạch rõ ràng trước đó.

Người tiêu dùng Việt tăng cường tìm kiếm ưu đãi để ứng phó thời bão giá ảnh 1

Nhiều người mua sắm đã và đang lựa chọn các kênh bán lẻ tiện lợi để thực hiện việc mua sắm.

Xu hướng thay đổi trong hành vi mua sắm thể hiện qua những thay đổi trong quá trình ra quyết định mua hàng

Người mua sắm thay việc đi đến các siêu thị bằng các kênh mua hàng mới: Số lượt ghé thăm siêu thị để mua thực phẩm tươi sống đang giảm dần, khi ngày càng nhiều người mua sắm chuyển sang các cửa hàng nhỏ hơn như cửa hàng tiện lợi và các kênh mua sắm trực tuyến.

Lập kế hoạch và mua hàng ngẫu hứng: 88% người mua sắm các mặt hàng tạp hóa cho gia đình sẽ lên kế hoạch mua sắm trước, nhưng gần như tất cả đều sẽ có những quyết định bất chợt khi đi mua hàng. Điều này khẳng định tầm quan trọng của hoạt động tiếp thị tại điểm bán hàng (in-store marketing) cũng như các chiến lược khuyến mãi để kích thích các quyết định mua hàng ngẫu hứng.

Báo cáo Xu hướng mua sắm của NIQ cũng chỉ ra rằng 93% người mua sắm thường mua thêm các mặt hàng tạp hóa mà họ không định mua từ trước, cho thấy các chương trình khuyến mại hoặc ưu đãi có thể tác động đến quyết định mua hàng theo cảm hứng.

Nghiên cứu trước khi mua: Khoảng 30% người mua sắm sẽ tìm kiếm thông tin trực tuyến trước khi quyết định mua hàng tạp hóa, mặc dù đây là những hàng hóa đã quen thuộc với họ. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm sự hiện diện trên các nền tảng trực tuyến đối với các nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Các kênh trên nền tảng số cũng có thể trở thành những điểm chạm cung cấp thông tin cho người mua sắm, và có thể được tận dụng để tương tác với họ một cách hiệu quả.

Xu hướng mua sắm trực tuyến (online shopping) trỗi dậy

Tỷ lệ mua sắm trực tuyến đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt là khi người mua sắm dần chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử, siêu ứng dụng và ứng dụng hoặc trang web của các nhà bán lẻ với kênh phân phối hiện đại.

Sự chuyển dịch này thể hiện rõ ràng nhất ở ngành hàng phi thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, trong khi với mặt hàng thực phẩm và đồ uống thì các kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Sự tiện lợi và việc không cần đến thanh toán tiếp xúc đã khiến mua sắm trực tuyến trở thành lựa chọn ưa thích của nhiều người mua sắm Việt Nam.

Sở thích của người tiêu dùng

Người mua sắm Việt Nam đang ngày càng khó tính và nhạy cảm về giá hơn, nhất là khi có những biến động về giá trên thị trường. Mặc dù hành vi tìm kiếm ưu đãi vẫn đang tăng trưởng nhưng người mua sắm vẫn thể hiện sự sẵn sàng chi trả chi phí cao hơn cho các thương hiệu uy tín và sản phẩm chất lượng cao.

Người mua sắm Việt Nam vẫn trung thành với các thương hiệu đáng tin cậy nhưng cũng có sự quan tâm và khám phá các nhãn hàng riêng, đặc biệt với các mặt hàng thiết yếu.

Người mua sắm Việt Nam cũng đã dần quen trước việc các thương hiệu và sản phẩm mới ra đời, nhưng không dễ để khiến họ thấy háo hức, muốn được trải nghiệm như trước. Các thương hiệu sẽ cần tìm điểm cân bằng giữa giá cả cạnh tranh và chất lượng sản phẩm cao để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.