Giới trẻ với xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm

Những năm gần đây, sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử nói chung, dịch vụ bán hàng trực tiếp - livestream bán hàng nói riêng, ảnh hưởng lớn đến thói quen tiêu dùng của người trẻ. Trong đó, đánh vào tâm lý muốn… dẫn đầu xu hướng của giới trẻ, các mặt hàng trong lĩnh vực thời trang dễ tiếp cận đến khách hàng hơn cả. Nhưng vòng đời của những trào lưu thời trang cũng ngày càng ngắn lại, tạo nên hệ lụy… rác thải thời trang nhanh!
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên của UCS nhiệt tình nhận quần áo ký gửi.
Các thành viên của UCS nhiệt tình nhận quần áo ký gửi.

Những đêm "chốt đơn" chớp nhoáng

Mỗi ngày, sau khi đã kết thúc giờ học trên trường, bạn Nguyễn Tuyết Anh (sinh viên năm thứ ba, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) lại dành hết thời gian rảnh cho… mạng xã hội: "Một tối tôi có thể lướt thấy ít nhất 10 shop bán hàng online đang livestream với những sản phẩm giảm giá hấp dẫn. Cùng là chiếc áo len đó, nếu mua trực tiếp sẽ có giá cao hơn trong các phiên online khoảng 50-60.000 đồng!".

Các cơ sở, trung tâm hướng dẫn, đào tạo bán hàng trực tuyến nhanh chóng nắm bắt, đưa ra những con số thống kê cho học viên: 14-17 giờ, phần lớn là nhóm văn phòng online; 19-22 giờ là khung giờ vàng, với thời lượng người sử dụng mạng xã hội cao nhất. Đặc biệt, với nhóm thanh niên họ thường lên mạng nhiều nhất vào đêm khuya. Do đó, nhiều buổi livestream bán hàng với các mã giảm giá "siêu hời" thường được người bán tung lên vào đêm khuya, nhắm đến đối tượng khách hàng là người trẻ.

Tuyết Anh kể thêm: "Phần lớn tôi lên mạng chỉ để giết thời gian, nhưng lại vô thức mua rất nhiều, đến khi nhận hàng lại không biết mình sẽ mặc khi nào, đôi khi còn không hợp, không mặc được".

Không chỉ hấp dẫn bởi cách thức bán hàng mới mẻ, hay giá hời, trên TikTok và nhiều nền tảng mạng xã hội khác hiện nay cũng thịnh hành các video với nội dung như, "unbox-đập hộp", clip hướng dẫn phối đồ bằng câu giới thiệu "những sản phẩm tín đồ yêu thời trang nhất định phải có",… Từ đây, những xu hướng thời trang được lan tỏa mạnh mẽ, nhưng vòng đời của chúng cũng chỉ kéo dài trong thời gian rất ngắn, thậm chí có những xu hướng chưa kịp phổ biến đã lỗi thời.

Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của người tiêu dùng, hay tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của người trẻ khi luôn chịu áp lực phải chạy theo xu hướng, còn gây sức ép rất lớn đến môi trường bằng - rác thải thời trang.

Người trẻ giải quyết vấn đề của người trẻ

Nhiều cách thức đã được các bạn trẻ đưa ra để giải quyết nhu cầu xử lý quần áo cũ, giảm phát thải rác thời trang.

Urban Circular Space là dự án thời trang tuần hoàn phi lợi nhuận ra đời "vì một thế giới ít khí thải carbon hơn" của một nhóm các bạn trẻ Hà Nội, nhằm tiếp nhận, xử lý quần áo cũ. Ngoài nhận ký gửi, Urban Circular Space cũng nhận quyên góp quần áo cũ để tái chế, các thành viên nhóm có thể sáng tạo, tận dụng vải may thành những vật dụng mới như túi xách, balo hay miếng lót ly. Sau hơn ba năm hoạt động, Urban Circular Space đã có hai chi nhánh, một tại Hà Nội, một tại Thành phố Hồ Chí Minh, fanpage chung có hơn 15.000 người theo dõi.

Bên cạnh đó, với khẩu hiệu "Cũ người mới ta" nhóm thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về thời trang tuần hoàn, thời trang bền vững, về xây dựng phong cách sống tiêu dùng tiết kiệm, có trách nhiệm. "Thay vì để những món đồ xinh đẹp, thậm chí mới tinh bạn lỡ mua về vì những giây phút "cuồng shopping", nằm yên trong tủ đồ và ngày càng giảm giá trị và chất lượng thì hãy "tuần hoàn" lại chúng", đại diện Urban Circular Space luôn kêu gọi mọi người như vậy trên fanpage của nhóm.

Thời điểm cuối năm, nhiều bạn trẻ làm sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội cũng thường cùng nhau tổ chức các buổi hội chợ, nhằm bán lại những sản phẩm còn mới với giá cả phải chăng. Những chương trình như vậy nhận được sự hưởng ứng tích cực của giới trẻ. Thí dụ như, YouTuber Giang ơi, Gia đình Cam Cam, Châu Bùi là những người nổi tiếng nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng mạng khi luôn lan tỏa lối sống tối giản, tích cực và hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội.

Các thương hiệu thời trang lớn cũng đang thể hiện sự quan tâm đến khái niệm thời trang tái chế. Uniqlo - thương hiệu thời trang lớn của Nhật Bản dẫn đầu khi mở các cửa hàng pop-up (cửa hàng bán lẻ tạm thời) nhằm kinh doanh quần áo cũ tại Tokyo, Nhật Bản. Chiến dịch này vừa nhắm đến tâm lý tiết kiệm hơn trong chi tiêu của khách hàng, đạt được chỉ tiêu bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp, vừa chứng minh chất lượng sản phẩm, khẳng định quần áo của họ qua thời gian vẫn đẹp, với chất lượng tốt và hợp thời.

Tín hiệu đáng mừng giới trẻ hiện nay đã cởi mở hơn với khái niệm second-hand (đồ đã qua sử dụng). Xét cho cùng, sống xanh không chỉ là theo đuổi ngắn hạn các phong trào, trào lưu hướng đến môi trường, như hạn chế rác thải nhựa, sử dụng bình nước cá nhân để được giảm giá, ống hút, muỗng, đũa dùng một lần từ vật liệu thân thiện, hay thử thách làm sạch các bãi rác, mà là từ mọi hành động nhỏ trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Cận Tết, nhu cầu sắm sửa quần áo mới của giới trẻ cũng tăng lên, cũng là thời điểm các hội chợ đồ cũ nở rộ, hứa hẹn tạo nên những điểm gặp gỡ như một cách góp phần lan tỏa tình yêu môi trường đến cộng đồng.