Kết quả nghiên cứu của Công ty NielsenIQ tại 20 quốc gia cho thấy, người tiêu dùng đang nỗ lực hành động để hướng tới lối sống bền vững hơn, trong đó việc giảm rác thải nhựa là hình thức bảo vệ môi trường phổ biến nhất. Việc mang túi riêng, sử dụng túi tái chế khi đi mua sắm cũng như chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí đang dần trở thành xu thế và thói quen của nhiều người tiêu dùng.
Hướng tới cuộc sống bền vững
Những năm trở lại đây, xu hướng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Năm 2000, thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu chỉ đạt khoảng 18 tỷ USD thì đến năm 2021, doanh thu thị trường này tăng mạnh lên 188 tỷ USD và đạt khoảng 208 tỷ USD trong năm 2022.
Tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng nông sản sạch cũng không nằm ngoài hướng đi chung của thế giới. Tại các thành phố lớn, không khó để bắt gặp hình ảnh các cửa hàng thực phẩm hữu cơ, nông sản và hoa quả sạch. So với chợ truyền thống, nông sản ở đây bán giá cao hơn khá nhiều nhưng vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn vì có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm định và giám sát chất lượng.
Khảo sát xu hướng tiêu dùng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu khi có tới 95% số người tiêu dùng đã có ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc thay đổi hành vi, thói quen hằng ngày. Có tới 73% số người tiêu dùng đang ưu tiên sử dụng sản phẩm thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 59% lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 39% sẽ hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa và 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới;…
Quản lý cấp cao Dự án Intage Việt Nam Trịnh Nguyễn Ngọc Linh chia sẻ, người tiêu dùng ngày nay quan tâm và tin tưởng các sản phẩm bền vững sẽ giúp tiết kiệm chi phí về mặt lâu dài dù chi phí ban đầu cao. Sức khỏe, an toàn của bản thân và gia đình là yếu tố quan trọng nhất với họ khi lựa chọn các sản phẩm để mua sắm. Do đó, người tiêu dùng có xu hướng chọn các sản phẩm hữu cơ và tự nhiên để tránh tiếp xúc với hóa chất và độc tố.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Agritrade) Nguyễn Minh Tiến cho biết, các hoạt động thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh trong thời gian gần đây đã tác động tới nhận thức và tâm lý của người tiêu dùng về hàng nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng Việt ngày càng hiểu biết và đòi hỏi nhiều hơn từ các loại thực phẩm mình sử dụng. Bên cạnh đó, thu nhập người tiêu dùng tăng, nên cũng sẵn sàng trả chi phí cao hơn để có những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe bản thân và gia đình.
Việt Nam có nền sản xuất nông nghiệp phát triển cả về lượng và chất, phong phú chủng loại và tương đối thân thiện với môi trường. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nông sản đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau để thúc đẩy phong trào sản xuất nông sản hữu cơ phát triển rộng khắp. “Đây chính là những yếu tố thuận lợi giúp xu hướng tiêu dùng xanh phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam thời gian tới”, Giám đốc Nguyễn Minh Tiến nhận định.
Hướng đi cho doanh nghiệp
“Trong xu hướng tiêu dùng xanh, người tiêu dùng ngày càng kỳ vọng nhiều hơn vào việc doanh nghiệp sẽ có sáng kiến cũng như hành động thiết thực cải thiện môi trường”, Giám đốc bộ phận Consumer Insight của NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà cho biết. Nghiên cứu mới nhất của NielsenIQ chỉ ra rằng, có tới 38% người tiêu dùng cho rằng việc doanh nghiệp mang đến các sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa, giảm tác động lên môi trường là rất quan trọng, trong khi chỉ có 3% không quan tâm đến vấn đề này. 46% số người tiêu dùng cũng đang tìm đến và lựa chọn các thương hiệu đi đầu trong việc tạo ra thay đổi bền vững.
Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ muốn nắm bắt được cơ hội từ xu hướng tiêu dùng mới cần nhanh chóng hành động. Để đáp ứng quy định và mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể, đồng thời tiến hành đánh giá từ chuyên gia nội bộ hoặc bên thứ ba về kế hoạch hành động giảm phát thải và hiệu quả thực thi.
Các giải pháp ban đầu và đơn giản nhất là doanh nghiệp cần thay thế, giảm nhựa trong bao bì; tiếp đó, có thể tiến hành đầu tư sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường. Trong giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp sản xuất có thể đầu tư, phát triển công nghệ thu thập dữ liệu về mức độ phát thải và sử dụng tài nguyên trong toàn bộ dây chuyền từ cung ứng đến sản xuất; từ đó, ứng dụng tự động hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI),... để cải thiện chuỗi cung ứng, giảm lãng phí nguyên liệu và năng lượng.
Ngoài ra, việc ứng dụng phương tiện vận tải chạy bằng năng lượng điện, hay triển khai công nghệ xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng công nghệ blockchain cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiến gần hơn đến các mục tiêu phát triển bền vững. Về tương lai xa hơn, thay đổi mang tính cách mạng đối với toàn bộ hệ thống của doanh nghiệp sẽ là việc thay thế các thành phần hoặc nhà cung cấp không thân thiện với môi trường, đồng thời tập trung đầu tư cho nguyên liệu, phụ liệu bền vững mới.
Với các doanh nghiệp bán lẻ, theo đại diện của NielsenIQ, cần chủ động cung cấp nhiều loại mặt hàng hữu cơ, các sản phẩm của địa phương; thí điểm trưng bày mô hình thủy canh và bán sản phẩm nông sản được trồng tại chỗ (Vertical farming); có giải pháp giảm thực phẩm lãng phí cũng như sử dụng túi giấy, bao bì có thể tái chế thay vì các loại túi và bao bì nhựa tại cửa hàng. Về công nghệ, các doanh nghiệp bán lẻ có thể sử dụng xe điện để vận chuyển hàng hóa hay xây dựng ứng dụng cho phép người mua hàng theo dõi được tác động của giỏ hàng lên môi trường,…
Đây là những giải pháp đã được nhiều hệ thống bán lẻ lớn trên thế giới đưa vào thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực cũng như được khách hàng đánh giá cao. “Quan trọng là doanh nghiệp cần loại bỏ các tuyên bố xanh thiếu căn cứ, đồng thời chủ động chứng minh hành động và kết quả phát triển bền vững của mình. Theo đó, không chỉ chờ đợi sự giám sát mức độ tuân thủ luật của các cơ quan quản lý về môi trường, doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm với tuyên bố xanh của mình và chủ động đưa ra bằng chứng hoạt động”, bà Thúy Hà kiến nghị.
Để xu hướng sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, Giám đốc Nguyễn Minh Tiến cho rằng cần phải có một số giải pháp căn cơ: Thứ nhất, về mặt chính sách, các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cần kiểm soát tốt chất lượng các sản phẩm nông sản sạch; điều tra, xác minh, xử lý vi phạm, đưa ra các biện pháp ngăn ngừa hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng; hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản nhằm nâng cao giá trị để thấy được sự khác biệt của nông sản sạch.
Thứ hai, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng về nông sản sạch; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm đạt chuẩn.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường và cơ hội để hỗ trợ các đơn vị sản xuất điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như xu hướng, yêu cầu của người tiêu dùng; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về tổ chức sản xuất sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường, giúp các đơn vị sản xuất nâng cao năng lực. Cuối cùng, cần xây dựng một hệ thống logistics chuyên biệt cho nông sản để giảm chi phí vận chuyển, bảo đảm chất lượng sản phẩm trong cả chuỗi cung ứng.