Người phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng

Chúng tôi bất ngờ gặp lại mệ Hoàng Thị Diệp (90 tuổi), người vừa được tặng danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng” năm 2022 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Gần 25 năm trước, mệ chính là người đã cưu mang những người bạn lớp tôi trong những năm đại học.
0:00 / 0:00
0:00
Các bạn sinh viên bên mệ Hoàng Thị Diệp, người đã cưu mang các em trong những năm đại học.
Các bạn sinh viên bên mệ Hoàng Thị Diệp, người đã cưu mang các em trong những năm đại học.

Từ đó đến nay, mệ vẫn miệt mài giúp đỡ hơn 200 sinh viên nghèo ở khắp các tỉnh, thành phố đến trọ học miễn phí.

Nhà mệ Diệp lúc nào cũng tấp nập sinh viên và những người có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh khác về Huế xin trọ học. Tất cả đều đồng trang lứa, nấu ăn, giặt áo quần... cùng nhau, vui vẻ và thân thiết lắm. Trần Thị Ngọc Anh, quê ở Nghệ An, thuộc diện chị cả trong ngôi nhà này cho biết, bọn em là sinh viên Đại học Y Dược Huế đến đây xin trọ học.

Thời gian học kéo dài, có mệ Diệp bao bọc, yêu thương nên bố mẹ yên tâm. “Chúng em xem nhau như anh chị em ruột trong nhà, bao bọc, giúp đỡ nhau kẻo sợ mệ buồn. Mệ hiền lắm, nhưng bạn nào luộm thuộm và đi về muộn là bị la liền!”, Ngọc Anh nói.

Sinh năm 1933, ở phường Kim Long (thành phố Huế), mệ Diệp là “Idol” của nhiều sinh viên nghèo chúng tôi cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Sinh ra ở vùng nổi tiếng có nhiều gái đẹp, thời trẻ mệ Diệp đẹp lắm. Mệ tâm sự, mệ là chị lớn trong nhà có đông anh em, thời ấy khó khăn quá, mải lo làm lụng để đỡ đần bố mẹ nuôi em, cho nên chẳng nghĩ đến chuyện lập gia đình. Khi các em của mệ yên bề gia thất, mệ lại lo phụng dưỡng bố mẹ già yếu, nên “lỡ duyên” lúc nào không hay...

Ở một mình dần cũng quen, đến năm 1991, thấy nhiều phụ huynh ngoại tỉnh dáo dác tìm chỗ trọ cho con, mệ ngỏ ý mời các em đến ở. Mệ kể rành rọt: “Nhà ni anh em xây cho mệ ở, chớ mệ có tiền mô, mệ già rồi, không con cái, có các cháu sống cùng thêm vui cửa, vui nhà. Mệ cháu có nhau, lúc trái gió, trở trời, giờ tui cũng nhờ bọn nó”.

Lúc đầu, trong căn nhà của mệ có 7 sinh viên nghèo đến ở, sau đó tiếng lành đồn xa, con số cứ tăng dần lên, có lúc lên tới 12 em cùng trọ học. Mệ Diệp nhớ lại, chúng sống vui vẻ, hòa thuận, kèm cặp nhau học, cứ 4-5 năm là có một lứa sinh viên ra trường, thế là nhà mệ lại đón những sinh viên mới vào trọ học. Qua bao nhiêu năm, mệ vẫn nhớ từng sinh viên khóa đầu được mệ bao bọc. Đó là Tranh, Thuận, Thắng, Khuyến, Sơn, Thảo...

Trong số đó, có nhiều người nay đã lên chức ông, bà. Thương nhất vẫn là ba anh em ruột quê ở Nghệ An cùng đến ở với mệ. Gia đình quá nghèo, không có điều kiện cho cả ba cùng học đại học. Biết chuyện, mệ đã hỗ trợ, động viên các em ở lại nhà mình cho đến khi cả ba cùng tốt nghiệp ra trường. Mệ bùi ngùi kể, “thương lắm, có khi nhà chưa kịp gửi tiền vô, rứa là mấy mệ cháu có chi ăn nấy. Mệ mừng là cả ba đứa đều rất ngoan, học giỏi, bây chừ đã thành đạt hết”.

Khi tôi kể về Tuyến (quê ở Quảng Nam), người bạn thân thiết một thời sinh viên của mình, đã có một thời gian dài sống trong nhà mệ, cũng không ít lần tôi từng đến đây cùng với nhóm bạn tại nhà mệ, được ăn những món ăn mệ tự nấu. Tai tuy lãng, mắt mờ dần, nhưng mệ còn minh mẫn lắm. Mệ nhớ ngay Tuyến và nhớ ngay cả tên tôi.

Nhớ lại những năm tháng sống với mệ, Hoàng - một trong số nhóm bạn sinh viên của tôi từng trọ học ở nhà mệ bùi ngùi: “Hồi đó, nhà mình khó khăn lắm, xe đạp không có, ăn bánh mì thay cơm triền miên. Nghe có chỗ ở miễn phí, mình lên xin mệ ở và gắn bó cho đến khi ra trường. Lúc ấy, mệ còn khỏe, ngày nào cũng đi chợ, nấu ăn, quét dọn nhà cửa. Lúc có tiền mình còn đưa cho mệ. Khi ba mẹ chưa kịp gửi vào, mình ăn ké dài dài. Mệ tội lắm!”. Giọng Hoàng chùng xuống, xúc động.

Bao năm nơi đây chính là ngôi nhà thứ hai của nhiều sinh viên ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum... Con gái được bố trí ở phòng riêng khép kín, còn con trai ở trên gác lửng. Các em đều “nhập gia tùy tục”, chấp hành nội quy của mệ. Mệ bảo, “tui không cần dán nội quy mô nhưng đứa mô vô đây cũng thuộc làu. Chỗ ở phải gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp. Không được bỏ sách vở lung tung. Không được về nhà sau 21 giờ 30 phút, nếu không sẽ bị khóa cửa. Con gái sẽ được mệ hướng dẫn nữ công gia chánh, còn con trai phải biết hỗ trợ giúp đỡ bạn trong nhà...”.

“Đa phần các em đều ngoan, nhưng cũng có đứa ngủng ngẳng. Tui cũng không nhớ bao lần lên cơ quan chức năng để “bảo lãnh” cho các cháu khi chúng vô tình sinh sự. Mỗi lần như vậy, tôi thủ thỉ có, răn đe có, cốt để đưa các em vào khuôn khổ...”, mệ Diệp chia sẻ. Khắt khe là vậy, nhưng chẳng có đứa nào đến ở nhà mệ mà lại về giữa chừng. Có em khi vào học văn bằng hai đại học hay cao học cũng tìm đến với mệ, vì lúc nào cũng được mệ hỗ trợ, chăm sóc, yêu thương.

Cuộc sống giờ cũng bớt khó khăn nhưng vẫn không thiếu học trò nghèo cần một nơi cư ngụ miễn phí để yên tâm học hành. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, em Phan Minh Chiều, cựu sinh viên Trường đại học Luật cho biết: “Quê em ở Hà Tĩnh, khó khăn quá định bỏ học đi làm, nhưng ở nhà mệ một năm tiết kiệm được tầm 10 triệu đồng. Còn ăn uống thì cũng tằn tiện, nên không phải lo lắng về khoản kinh phí. Mệ Diệp rất hiền, nhưng thẳng tính, bộc trực. Hễ tụi em đi chơi về hơi khuya là bị bà gọi đến, đứa mô cũng sợ. Còn ở trong nhà mà không hòa đồng là mệ “trị” ngay”.

Tuổi già của mệ Diệp sống nhờ 1.260.000 đồng/tháng tiền phụ cấp neo đơn, khuyết tật của Nhà nước. Mệ bảo, “như rứa là nhiều rồi, ăn chi ngạ. Tui ăn chung với mấy đứa, có chi ăn nấy, miễn vui là được. Bọn trẻ ở khắp mọi miền giờ đã thành danh, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo viên… đều có, thỉnh thoảng cũng gửi quà về biếu mệ. Mà có bao giờ mệ giữ cho riêng mình, “góp” vô cho mấy cháu ăn cùng vui”.

Hơn 30 năm nay, mệ Huỳnh Thị Diệp đã tiếp sức cho gần 200 sinh viên nghèo ở miền trung và cả trong nam, ngoài bắc đến xin “lưu trú” để học đại học. Nghĩa cử của mệ tiếp tục lan tỏa khi chính người thân trong nhà đã tài trợ để sửa sang lại căn nhà, giúp mệ an vui cùng học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. “Mệ mừng lắm, từ khi ngôi nhà này được sửa sang mới, bọn trẻ có phòng ốc đàng hoàng, chúng lớn hết rồi, cũng cần có chỗ riêng tư chớ...”. Mệ lại cười, nụ cười hiền lành và ấm áp đến lạ.

Mệ Huỳnh Thị Diệp là một trong số 10 gương mặt “Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng” năm 2022, vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế lần đầu tiên tổ chức hội nghị tuyên dương trong dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho rằng, mệ Diệp là một trong số nhiều tấm gương phụ nữ đã và đang miệt mài, thầm lặng giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, khó khăn, yếu thế trong xã hội. Mệ là tấm gương tiêu biểu vì cộng đồng, là bông hoa giữa đời thường nhưng vô cùng rực rỡ đã tô đẹp thêm mầu sắc lung linh cho một vườn hoa với những con người sống có trách nhiệm, đầy tình nhân ái vì một xã hội tốt đẹp ■