Người phố cổ mang năng lượng “Làng” trong tiềm thức

Khi tôi về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam (số 4 phố Thụy Khuê-Hà Nội), đã thấy những “ông già” như Nguyễn Hữu Phần, Vũ Châu… ở đó rồi. Tuy sinh hoạt ở những xưởng khác nhau, nhưng chúng tôi dễ dàng làm quen và trở nên thân thiết vì mấy cái chung: cùng là dân phố cổ, cùng có tí chất văn chương trong người, và cùng… nhiều khát vọng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà biên kịch TRỊNH THANH NHÃ
Nhà biên kịch TRỊNH THANH NHÃ

Nhìn cái dáng hơi khòng khòng, cái mũi cao trên gương mặt hơi gầy, chúng tôi hay ngầm so sánh Nguyễn Hữu Phần (ảnh) với nhà thơ Phạm Tiến Duật. Tuy ông đã từng là giáo viên dạy văn cấp III (cấp trường Trung học phổ thông bây giờ) nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy ông đọc một bài thơ nào do chính ông làm. Ngay cả khi ông đọc thơ của người khác thì cũng không hay do chất giọng khàn khàn, có lúc nói như mất dấu. Những “khiếm khuyết” ấy khiến vẻ đạo mạo của ông không còn đáng ngại với nhóm biên kịch trẻ chúng tôi nữa.

Sau mỗi buổi họp giao ban ở các xưởng vào sáng thứ ba hằng tuần, chúng tôi thường kéo nhau đi uống trà, tán chuyện đời, chuyện nghề trước khi giải tán ai về lo việc nấy. Trong những cuộc “trà dư” ấy, Nguyễn Hữu Phần luôn chiếm diễn đàn. Chúng tôi nhận ra ông rất lợi khẩu và tếu nữa. Thỉnh thoảng, vào lúc sau 9 giờ đêm, nếu nổi hứng muốn nhâm nhi cà-phê “cóc” trên hè phố, thì người đầu tiên chúng tôi nghĩ tới là Nguyễn Hữu Phần. Một hôm như thế, ông chỉ cho tôi những chiếc xích-lô châu đầu nghỉ dưới những gốc bàng già sau một ngày ngược xuôi, và hỏi hình ảnh ấy có gợi nên cái gì không? Thấy tôi lắc đầu, ông bảo: Giống bọn trâu ngủ đêm. Trâu nó hay nằm xoay mông vào nhau, đầu quay ra ngoài, nếu có động thì những cặp sừng sẽ lập tức giương lên sẵn sàng tự vệ. Tôi ngạc nhiên về liên tưởng này, nhưng phải thừa nhận là giống thật.

Rồi những cuộc đàn đúm thưa dần, ai cũng lăn vào công việc, thành bại sao chưa biết, nhưng đầy nhiệt huyết. Nguyễn Hữu Phần trình làng phim Bản tình ca trong đêm, một phim rất khác lạ về những chàng tân binh được huấn luyện và sẵn sàng ra trận.

Bộ phim về lính tráng mà lãng mạn đến phát thương. Tôi bắt đầu nhìn ông nể trọng hơn. Và đến khi ông tự tìm kiếm nguồn vốn để làm phim Em còn nhớ hay em đã quên thì tôi phải thốt lên “nể quá”. Có lẽ ông là một trong những đạo diễn đầu tiên ở miền bắc tự huy động tiền để làm phim, và làm ở khu vực phía nam, về một người nhạc sĩ với những ca khúc mà chúng tôi mê mẩn nhưng thừa biết không hy vọng có được nguồn tiền từ ngân sách nhà nước ở thời điểm đó. Thực ra lúc ấy (khoảng những năm 1990-2000), việc làm phim tư nhân không còn lạ lẫm với chúng tôi nữa, thậm chí chúng tôi cũng tham gia vào trào lưu ấy một cách hăng hái. Nhưng Nguyễn Hữu Phần thì khác. Ông dứt khoát không hòa mình trong dòng phim hối hả kiếm tìm lợi nhuận kiểu “mì ăn liền”. Em còn nhớ hay em đã quên là một bộ phim sang trọng, sâu lắng… thật sự là một tác phẩm điện ảnh chính vị. Nỗ lực của đạo diễn kiêm biên kịch Nguyễn Hữu Phần đã không uổng phí. Phim có doanh thu tốt, vang danh khắp từ bắc vào nam.

Giữa lúc đang nổi như cồn sau bộ phim ấy, Nguyễn Hữu Phần bỗng chia tay điện ảnh để… chuyển sang truyền hình, về với đạo diễn Nguyễn Khải Hưng - người bạn hẩu học cùng lớp đạo diễn với Nguyễn Hữu Phần - đang làm Giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC).

Bẵng đi một thời gian dài, dù vẫn cộng tác với VFC khá đều đặn, nhưng hầu như tôi không gặp Nguyễn Hữu Phần nữa. Thỉnh thoảng thấy tên ông trên màn hình nhỏ ở vai trò đạo diễn, thì cũng biết bạn vẫn làm nghề, vậy thôi. Cho đến khi phim Đất và người, rồi Ma làng, Gió làng Kình… lần lượt được trình chiếu, và tạo nên cơn sốt với khán giả màn ảnh nhỏ, ngay cả khi những tập cuối đã phát xong. Cái tên “Phần nông thôn” hay “Phần Ma làng” bắt đầu được gọi mỗi khi ông xuất hiện ở đâu đó. Khán giả yêu mến ông, đồng nghiệp ngạc nhiên về ông, vì họ đã quen hình dung ông là một người đàn ông của phố cổ, quen thấy ông lê la hè phố hơn là lặn ngụp với nông thôn, nông nghiệp, nông dân… Thoạt tiên tôi cũng ngạc nhiên, nhưng rồi chợt nhớ cái hình tượng “đàn trâu ngủ đêm” mà ông chỉ cho tôi thấy khi nhìn những chiếc xích-lô dưới gốc bàng đêm. Người có liên tưởng ấy nhất định đã tiềm ẩn cái năng lượng “Làng” từ trong sâu thẳm, và bây giờ nó được “nói ra”, được thể hiện trong những bộ phim đặc sắc của ông. Tôi hiểu vì sao phim làm về nông thôn của ông hay thế. Đó là vì ông đã “gọi” ra từ trong tiềm thức của mình những dấu vết “Làng” đầy khắc khoải, ngọt ngào và khốc liệt cùng một lúc.

Sau khi nghỉ hưu, ông lại như con tằm nhả tơ, quay về dìu dắt hàng chục lứa học trò của Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Ông được học trò yêu mến theo cái cách rất đặc biệt, không ồn ào nhưng sâu sắc và bền chặt nghĩa thầy trò. Nhiệt huyết của ông, bản năng cống hiến của ông chuyển hướng để đi sâu vào công việc đào tạo những người trẻ. Học trò coi ông như cha, lại như người bạn lớn.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi (1948-2024). Nhưng tôi tin rằng cùng với tác phẩm, ông sẽ sống mãi trong lòng công chúng cũng như các học trò đầy ân nghĩa của ông.

Với những đóng góp xuất sắc của mình, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2012 cùng nhiều giải thưởng cao quý khác ■