Theo kế hoạch hỗ trợ kinh tế công bố trên Công báo ngày 22/2, người lao động tại các công ty, doanh nghiệp bị thiệt hại trong trận động đất (từ mức trung bình đến nghiêm trọng) sẽ được hỗ trợ khoản tiền lương tính trên số giờ làm việc bị giảm do ảnh hưởng của trận động đất.
Ngoài ra, các công ty và doanh nghiệp tại 10 tỉnh động đất có dân số lên khoảng 13 triệu người không được phép sa thải nhân viên. Hai biện pháp này của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế tình trạng di tản ồ ạt tìm kiếm nơi ở và làm việc mới của người dân tại các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề của trận động đất.
Báo cáo mới nhất cho biết trận động đất có độ lớn 7,8 vào sáng 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cướp đi sinh mạng của hơn 47.000 người tại nước này và nước láng giềng Syria. Hàng trăm nghìn nhà dân và công trình kiến trúc đã bị hư hại hoặc đổ sập, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh "màn trời, chiếu đất".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết hiện có 865.000 người đang sống trong các lều bạt, 23.500 người tạm trú trong container, trong khi 376.000 người đang ở ký túc xá sinh viên và nhà khách bên ngoài vùng động đất.
Theo chuyên gia kinh tế, việc xây dựng lại nhà ở và cơ sở hạ tầng có thể tiêu tốn của Thổ Nhĩ Kỳ tới 100 tỷ USD và khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội của nước này giảm từ 1-2%. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết nhanh chóng tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng.
Thảm họa động đất xảy ra tại thời điểm chỉ còn 4 tháng nữa Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tổng tuyển cử. Kết quả các cuộc thăm dò trước khi xảy ra động đất cho thấy sau 20 năm nắm quyền lãnh đạo đất nước, Tổng thống đương nhiệm Erdogan đang phải đối mặt với sức ép từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại nước này. Áp lực này có thể còn gia tăng sau thảm họa động đất.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ chưa có thông báo chính thức nào liên quan đến kế hoạch trước đó về tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 18/6.