Người gốc Việt Nam chấp hành chủ trương di dời nhà bè trên sông ở Phnom Penh

NDO -

Chấp hành thông báo của chính quyền thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, ngày 12-6, về việc giải tỏa, di dời nhà nổi và bè nuôi cá trên sông thuộc địa phận thành phố, hiện có nhiều gia đình gốc Việt Nam đang tiến hành tháo dỡ, di chuyển nhà nổi và cơ sở nuôi thủy sản, trong khi tìm nơi tái định cư. 

Nhiều gia đình gốc Việt đưa nhà nổi và bè cá về tập trung tại khúc sông thuộc quận Prek Pnov, chiều 12-6, trong khi chờ tìm chỗ định cư mới.
Nhiều gia đình gốc Việt đưa nhà nổi và bè cá về tập trung tại khúc sông thuộc quận Prek Pnov, chiều 12-6, trong khi chờ tìm chỗ định cư mới.

Những ngày này, nhiều gia đình người Khmer, Chăm và người gốc Việt Nam sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên các đoạn sông thuộc địa bàn sáu quận của Phnom Penh, gồm Prek Pnov,  Russey Keo, Daun Penh, Chroy Changvar, Chbar Ampov và Mean Chey đang khẩn trương tháo dỡ, di dời nhà nổi, bè cá để tìm nơi định cư mới.

Được biết, bà con người gốc Việt tại đây hiện gặp nhiều khó khăn do thông báo yêu cầu di dời trong vòng bảy ngày. Phần lớn các gia đình chưa tìm được nơi tái định cư. Thêm vào đó, tài sản gồm nhiều lồng bè cá của bà con chưa tới thời điểm thu hoạch, đồng thời việc tiêu thụ cũng không dễ dàng trong bối cảnh nhiều khu chợ phải tạm đóng cửa do đại dịch Covid-19.

Tiếp xúc với phóng viên Báo Nhân Dân, chiều 12-6, ông Đồng Văn Cần, 55 tuổi, đại diện cộng đồng người gốc Việt Nam, phường Samraong, quận Prek Pnov, Phnom Penh cho biết, các hộ gia đình tại đây chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương di dời nhà nổi và bè cá của chính quyền sở tại để giữ gìn cảnh quan, môi trường. Tuy nhiên, để thực hiện một chủ trương lớn trong thời gian gấp gáp, các hộ gia đình cũng gặp vấn đề khó khăn và mong chính quyền giúp giải quyết.

Có mặt tại bờ sông Sap, địa phận ấp Kruos, phường Samraong, quận Prek Pnov, chiều 12-6, để phối hợp chính quyền địa phương hướng dẫn ghe, thuyền, bè cá  của các hộ người gốc Việt đến neo đậu tạm thời, chờ tìm nơi tái định cư, Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia ông Châu Văn Chi cho biết, hiện nay, bà con gặp rất nhiều khó khăn trong việc di dời, đặc biệt là nơi tạm neo đậu nhà bè cũng như vấn đề tài chính để tìm kiếm nơi tái định cư.

GDINH1-1623499055358.jpg
Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tại Vương quốc Campuchia ông Châu Văn Chi. 

“Tới đây, Hội sẽ tiếp tục làm việc với ngài Đô trưởng Phnom Penh để giải quyết thêm một khoảng nào đó để cho bà con mình đủ nơi đậu ghe, bè nuôi cá, nuôi thủy sản. Nhân dịp này, tôi cũng xin thay mặt bà con kêu gọi đến các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho bà con sớm có được nơi ở ổn định”, ông Châu Văn Chi cho biết.

Trước đó, tại cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, ngày 7-6, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị Campuchia tiếp tục quan tâm, giải quyết vấn đề địa vị pháp lý cho người gốc Việt tại Campuchia; đề nghị các cơ quan chức năng của Campuchia trong quá trình triển khai các chính sách, biện pháp về kinh tế, xã hội cần lưu ý có lộ trình hợp lý, bảo đảm quyền lợi và an sinh của người gốc Việt, tạo điều kiện cho những người bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, duy trì hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thiết yếu.

Trong những ngày vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cũng đã trực tiếp đi thị sát, đến thăm hỏi, động viên các gia đình gốc Việt tại những khu vực di dời ở Phnom Penh; làm việc với lãnh đạo tỉnh lân cận Kandal để tìm biện pháp hỗ trợ cho những hộ gia đình người gốc Việt gặp khó khăn.