Người dân ven biển Phú Yên chống chọi với mưa, sóng lớn uy hiếp khu dân cư

NDO -

Từ tối qua đến trưa nay, 19/12, tuy bão Rai (bão số 9) còn xa đất liền, nhưng ảnh hưởng của bão đã gây mưa to, gió lớn, làm sóng biển dâng cao đánh mạnh vào bờ, uy hiếp các khu dân cư ven biển của tỉnh Phú Yên. Chính quyền và người dân đang khẩn trương triển khai các công việc ứng phó, dùng bao cát đắp bờ, ngăn nước biển tràn vào nhà.

Người dân thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên dùng bao cát đắp tạm bờ bao chống chọi với xâm thực của sóng biển đang ngày một mạnh lên do ảnh hưởng của bão số 9.
Người dân thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên dùng bao cát đắp tạm bờ bao chống chọi với xâm thực của sóng biển đang ngày một mạnh lên do ảnh hưởng của bão số 9.

Sóng lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Theo bà Kiều Thị Xuân, để ứng phó với bão số 9, gia đình đã cố công dùng 70 chiếc bao lớn đựng cát đắp bờ cao trước nhà ngăn sóng biển gây xâm lấn vào sát nhà.

Tuy nhiên, từ tối qua (18/12) sóng biển dâng cao kết hợp triều cường đã kéo trôi gần hết bao cát, nước tràn vào nhà, gây hư hại một số vật dụng sinh hoạt của gia đình.

“Đến sáng nay, sóng lớn tiếp tục xâm lấn sát bờ, gia đình phải thức đêm, đến sáng tiếp tục dọn dẹp và đắp lại các bao cát cao hơn tạo thành bờ đê giã chiến trước nhà, nhưng sóng vẫn đang uy hiếp và đánh sập bất cứ lúc nào nếu như bão vào, nhưng chẳng còn cách nào khác”, bà Xuân lo lắng nói.

Ông Trần Thanh Trọng, 69 tuổi, thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An cho biết, thôn có chiều dài bờ biển gần 1.000m, trước đây thường xuyên bị triều cường xâm thực, tỉnh Phú Yên đã đầu tư xây kè chắn sóng bảo vệ dài gần 500m; khu vực dân cư có kè chắn sóng đã ổn định cuộc sống, còn những đoạn chưa được làm kè tiếp tục bị sóng biển uy hiếp, người dân luôn trong tình trạng lo lắng khi có gió bão.

“Hiện chỉ còn hơn 200m bờ biển ở Mỹ Quang Nam thường xuyên bị sóng biển xâm thực chưa được làm kè, bà con rất mong các cấp chính quyền quan tâm đầu tư hoàn thiện toàn bộ tuyến kè biển này để người dân ổn định cuộc sống lâu dài”, ông Trọng đề nghị.

Tại thành phố Tuy Hòa, ảnh hưởng của bão số 9 cũng gây nhiều khó khăn cho người dân tại thôn Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa. Theo các hộ dân, từ chiều hôm qua (18/12) cho đến sáng nay, sóng biển dâng cao đã ập tràn vào khu dân cư ven biển. Đã có một  số nhà dân đã bị sóng biển uy hiếp trực tiếp, sóng lớn đánh lở sân, sập bậc thềm nhà ở một số hộ dân trong thôn.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, vào lúc 11 giờ ngày 19/12, tâm bão số 9 ở khoảng 13,5 độ vĩ bắc; 111,0 độ kinh đông, cách bờ biển Bình Định-Phú Yên khoảng 210km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-185km/giờ), giật trên cấp 17.

Phú Yên đã tổ chức di dời 3.828 người trên các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản lên bờ tránh bão.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết thêm, tỉnh chỉ đạo các địa phương tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven bờ biển, khu vực ngập sâu, chia cắt, nhà không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét,...

Triển khai phương án phòng, chống ngập úng các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Bảo vệ nhà cửa, kho tàng, trụ sở, công trình. Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra và duy trì liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.