Người đàn ông được ghép tim lợn đã qua đời

NDO -

Ngày 8/3, ông David Bennett (57 tuổi), người đầu tiên trên thế giới được ghép tim lợn chỉnh sửa gene, đã qua đời tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland (UMMC) ở Baltimore, Maryland, Mỹ, hơn 2 tháng sau khi thực hiện ca phẫu thuật được cho là “lựa chọn cuối cùng”.

Ông David Bennett chụp ảnh cùng bác sĩ Bartley P. Griffith trước khi bước vào ca phẫu thuật ghép tim lợn hồi tháng 1/2022. (Ảnh: Trung tâm Y tế Đại học Maryland)
Ông David Bennett chụp ảnh cùng bác sĩ Bartley P. Griffith trước khi bước vào ca phẫu thuật ghép tim lợn hồi tháng 1/2022. (Ảnh: Trung tâm Y tế Đại học Maryland)

Trong thông báo đưa ra ngày hôm qua, UMMC cho biết tình trạng của ông Bennett bắt đầu xấu đi một vài ngày trước đó. Bệnh nhân đã được cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ sau khi các bác sĩ xác nhận rằng ông không thể phục hồi.

Theo Tiến sĩ Bartley Griffith, Giám đốc chương trình cấy ghép tim của UMMC, ông Bennett “đã không thể vượt qua sự suy nhược nghiêm trọng” do căn bệnh suy tim gây ra trước khi tiến hành ca ghép tim lợn. Tiến sĩ Griffith cũng cho biết, quả tim được cấy ghép đã hoạt động tốt.

Ông Bennett nhập viện tại UMMC hồi tháng 10/2021 và được đặt máy bắc cầu tim-phổi. Các bác sĩ chẩn đoán ông không đủ điều kiện để tiến hành một ca ghép tim thông thường.

Ngày 7/1, bệnh nhân được phẫu thuật ghép quả tim lợn đã qua chỉnh sửa gene bằng các công cụ chỉnh sửa gene mới để tránh nguy cơ đào thải. Ca cấy ghép này là sự lựa chọn cuối cùng dành cho ông Bennett khi bệnh tim của ông đang ở giai đoạn cuối.

“Trước khi đồng ý tiến hành ca phẫu thuật, ông Bennett đã được thông báo đầy đủ về các rủi ro có thể xảy ra, cũng như việc ca cấy ghép này là thử nghiệm với những rủi ro và lợi ích chưa được biết đến”, UMMC cho hay.

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã coi lợn là một nguồn nội tạng tiềm năng để thực hiện cấy ghép bởi chúng có nhiều điểm tương đồng với con người về mặt giải phẫu. Những nỗ lực cấy ghép nội tạng từ lợn sang người trước đây đều thất bại do những khác biệt về gene gây ra sự đào thải nội tạng hoặc do các loại virus gây nguy cơ lây nhiễm.

“Chúng tôi đã có thể cấy ghép một cơ quan nội tạng được chỉnh sửa gene và quan sát nó hoạt động hoàn hảo trong 9 tuần. Việc chứng minh điều này khả thi là một dấu hiệu khá tích cực về tiềm năng của liệu pháp này”, Tiến sĩ Griffith cho biết.