Nhưng nói đến Vũ Hạnh thì cần phải lật lại một trang sử đẫm máu và nước mắt ở miền trung và miền nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ. Sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, theo Hiệp định Giơ-ve-vơ, quân đội Liên hiệp Pháp đến tiếp quản vùng tự do Liên khu 5 cũ bao gồm cả bắc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… Ngay lập tức, khủng bố trắng đã diễn ra, hàng vạn cán bộ, đảng viên, đồng bào yêu nước từng tham gia kháng chiến bị giết hại.
Vũ Hạnh là con một gia đình giàu có ở Thăng Bình, Quảng Nam (nghe nói gia sản của ông Tú Lan, cha của Vũ Hạnh, bạc Đông Dương xếp cao hàng thước). Con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi, được đi học ở Huế, anh đã tham gia kháng chiến chống Pháp trong lực lượng thanh niên xung phong, làm văn nghệ… Bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An, anh đã khéo lợi dụng mâu thuẫn nội bộ bọn cai ngục, thoát thân vào Sài Gòn, dạy học mưu sinh và viết báo. Dần dần, Vũ Hạnh trở thành một cây bút đặc sắc trên văn đàn gồm rất nhiều phe phái, trường phái… của Sài Gòn lúc ấy. Truyện ngắn Bút máu của Vũ Hạnh, như một lời tố cáo chế độ độc tài, chống Cộng, giết người của Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ, vang lên giữa văn đàn Sài Gòn hợp pháp.
Và nhà văn - liệt sĩ Dương Tử Giang, trước khi vượt ngục (rồi bị giặc sát hại), đã nói một câu bất hủ: “Những người còn sống, hãy chiến đấu thay cho chúng tôi”.
Tôi nhắc chuyện này, là để nói dưới chế độ bạo tàn Mỹ - Diệm, hay Mỹ - Thiệu…, lớp nhà văn yêu nước ở Sài Gòn lúc đó có hàng loạt các cây bút, hoạt động dưới dạng này dạng khác, bên cạnh Vũ Hạnh, dưới sức tác động hay lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn. Tôi không nhớ rõ năm nào, nhưng khoảng năm 1947, trong ách chiếm đóng của thực dân Pháp, mà ở Sài Gòn các văn nghệ sĩ dám in công khai tập Thơ mùa giải phóng, tập hợp cả thơ Tố Hữu, Xuân Miễn… và thơ yêu nước, chống Pháp.
Vũ Hạnh hoạt động đơn tuyến giữa lòng thành phố bị chiếm. Đồng chí Trần Bạch Đằng (Bí thư Đặc khu ủy lúc đó) giao cho Vũ Hạnh đóng vai một người theo chế độ “quốc gia” có đôi chút tiến bộ để hoạt động hợp pháp. Nhưng dù khôn khéo che đậy dấu vết đến đâu, anh cũng khó lừa được bộ máy mật vụ của địch. Anh đã năm lần bị bắt. Nhưng cũng nhờ vị thế của anh trong văn đàn, mà nhiều lần địch bắt rồi phải thả. Đổng lý văn phòng Tổng thống Ngô Đình Diệm là Đoàn Thêm, tác giả Việc hàng ngày…, gọi điện cho Nguyễn Văn Là, Tổng chỉ huy cảnh sát - mật vụ, nói: “Bắt thì bắt, nhưng không được tra tấn”.
Sau này, đồng chí Trần Bạch Đằng nhận xét về Vũ Hạnh: đã làm tốt quá mức yêu cầu về nhiệm vụ được giao.
Thật vậy, khi Mỹ đổ quân vào miền nam, đồng chí Trần Bạch Đằng gợi ý Vũ Hạnh viết một cái gì để kích thích tinh thần dân tộc ta đang bị tổn thương. Và thế là chỉ trong vòng một tuần, Vũ Hạnh, dưới tên một người I-ta-li-a, Paz-zi, đã viết xong tác phẩm Người Việt cao quý. Trong cao trào yêu nước chống ngoại xâm đó, Vũ Hạnh đã hết lời ca ngợi những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam. Đó không chỉ là một cuốn sách, mà là một tờ truyền đơn cách mạng kêu gọi lòng ái quốc.
Tôi nghĩ rằng Bút máu, Người Việt cao quý và Đọc lại Truyện Kiều là ba đỉnh cao của văn nghiệp Vũ Hạnh. Tuyển tập Vũ Hạnh gồm 1.100 trang, còn bao gồm nhiều tác phẩm khác, nhiều tiểu thuyết khác, trong đó có những truyện pha chất đường rừng (Lửa rừng, Cô gái Xà Niêng…) là những ký ức và tưởng tượng về những ngày anh đi TNXP ở Tây Nguyên.