Người bệnh cần được khám chuyên sâu trước phẫu thuật tật khúc xạ

NDO -

NDĐT - Đó là khuyến cáo của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhãn khoa đưa ra tại buổi hội thảo “Ứng dụng công nghệ mới và hiệu quả trong điều trị tật khúc xạ” do Bệnh viện Mắt quốc tế DND tổ chức ngày 20-5.

Người bệnh cần được khám chuyên sâu trước phẫu thuật tật khúc xạ

Hội thảo là dịp để các chuyên gia nhãn khoa đầu ngành trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi và cập nhật những thông tin mới nhất liên quan chẩn đoán, điều trị tật khúc xạ (TKX).

Theo nghiên cứu của các tổ chức nhãn khoa trên thế giới, TKX (cận thị, viễn thị, loạn thị) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực. Các phương pháp điều trị TKX nói chung và cận thị nói riêng hiện nay, bao gồm: kính gọng, kính áp tròng mềm, kính áp tròng cứng đeo ban đêm Ortho – K. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tạm thời, không thể điều trị dứt điểm TKX.

Phẫu thuật Laser trên giác mạc có tính chính xác và an toàn cao được coi là giải pháp tối ưu trong điều trị TKX. Rất nhiều bệnh nhân mắc TKX hiện nay lựa chọn phẫu thuật để không bị phụ thuộc vào kính, làm tăng chất lượng thị giác và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, không phải phương pháp phẫu thuật nào cũng phù hợp với tất cả bệnh nhân. Phải dựa vào kết quả khám trên từng mắt của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất. Đặc biệt, có những trường hợp bệnh nhân chống chỉ định phẫu thuật trên giác mạc nếu giác mạc bất thường. Vì vậy, chẩn đoán chính xác tình trạng giác mạc đóng vai trò quyết định độ an toàn trong phẫu thuật TKX.

Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như: TKX ở mức cao, giác mạc mỏng, chất lượng giác mạc yếu, bất thường giác mạc như sẹo, đục… cần được khám nghiêm ngặt để tìm ra hướng điều trị thích hợp và tránh những hệ quả đáng tiếc. Một trong những biến chứng đáng quan tâm nhất hiện nay là giãn lồi giác mạc sau phẫu thuật, gây suy giảm thị lực không cải thiện khi chỉnh kính, nặng hơn dẫn tới đục, sẹo giác mạc không hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Theo một số nghiên cứu tại Việt Nam, có khoảng từ 15 đến 40% số dân mắc TKX tương ứng khoảng từ 14 - 36 triệu người. Trẻ em (từ 6 - 15 tuổi) có tỷ lệ mắc TKX từ 25-40% ở khu vực thành thị, từ 10 - 15% tại khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa có khoảng ba triệu trẻ em đang có TKX cần được chỉnh kính.

Các bác sĩ nhãn khoa cho biết, dấu hiệu của TKX nhiều khi không rõ ràng khiến cho nhiều người chủ quan, không đi khám để được phát hiện và điều trị sớm. Riêng với trẻ em, cần được kiểm tra mắt sớm để phát hiện TKX, điều chỉnh kính kịp thời.