Người bảo vệ

Trên tuyến đầu chống Covid-19, các nhân viên y tế trên khắp thế giới đã thể hiện những điều tốt đẹp, nhân văn nhất: Lòng trắc ẩn, sự đồng cảm, tinh thần dũng cảm và cả sức chịu đựng phi thường. Họ đã đặt mình vào hàng ngũ những người bảo vệ lý tưởng thiêng liêng. Đó là bình luận của Tạp chí Time (Mỹ), khi bầu chọn những nhân viên y tế tiền tuyến chống đại dịch là “Người bảo vệ” của năm 2020.

Dù luôn đối mặt nguy hiểm song các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch luôn lạc quan. Ảnh: AFP
Dù luôn đối mặt nguy hiểm song các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch luôn lạc quan. Ảnh: AFP

Cuộc bầu chọn Nhân vật năm 2020 của Tạp chí Time đã vinh danh những nhân viên y tế tuyến đầu chống Covid-19 trong hạng mục “Người bảo vệ của năm” (Defenders of the Year), cùng chuyên gia về bệnh truyền nhiễm người Mỹ, TS Anthony Fauci và một số nhà hoạt động xã hội, nhà tổ chức phong trào chống phân biệt chủng tộc. Theo Time, họ là những anh hùng đã trụ vững trong cuộc chiến bảo vệ lý tưởng nhân văn và dân chủ. Họ đã chiến đấu và chiến thắng trên nhiều mặt trận.

Năm 2020, virus gây Covid-19 nổi lên là kẻ thù mới của nhân loại, một kẻ giết người thầm lặng và vô hình. Trong cuộc chiến chống kẻ thù nhỏ bé, không biên giới ấy, tiền tuyến không phải ở những vùng chiến sự xa xôi, mà trải dài các bệnh viện, rộng khắp các cơ sở chăm sóc sức khỏe, ở mọi nơi, mọi ngóc ngách của thế giới. Người chống chọi kẻ thù trên tuyến đầu chính là đội ngũ nhân viên y tế, những anh hùng như bất kỳ người lính nào trên chiến trường, dấn thân, làm việc quên mình, bất chấp rủi ro với sức khỏe và tính mạng.

Bác sĩ người Mỹ Rebecca Martin còn nhớ rất rõ nỗi sợ hãi khi tới New York những ngày đầu dịch bùng phát. Một chuyến bay thưa thớt hành khách đưa bác sĩ tới nơi khi ấy như một “thị trấn ma”, không xe chạy trên phố, không người đi bộ trên vỉa hè. Từ đó, xe đưa Rebecca Martin thẳng tới Trung tâm y tế ở Brooklyn tiếp nhận công việc tình nguyện, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Còn với Nyembezi Gausi, bác sĩ phẫu thuật người Malawi và tình nguyện viên nhận thêm công việc tư vấn cho bệnh nhân Covid-19, điều đáng sợ nhất không phải rủi ro cho sức khỏe bản thân mà là sự thiếu hiểu biết, dẫn đến kỳ thị. Các bác sĩ tư vấn như Nyembezi Gausi không còn tự tin mặc y phục ở nơi công cộng, không dám trả lời bệnh nhân qua điện thoại trên xe bus mà chỉ có thể thực hiện công việc đó khi ở trong không gian riêng tư, an toàn, bởi họ sợ bị xa lánh, thậm chí bị tiến công, chỉ vì họ là đối tượng dễ mắc Covid-19 nhất.

Những câu chuyện về sự hy sinh của đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu đã được ghi lại đầy xúc động, truyền cảm hứng và lan tỏa rộng khắp. Cũng như Rebecca Martin và Nyembezi Gausi, các bác sĩ, y tá, nhân viên tại các nhà dưỡng lão, trung tâm dịch vụ y tế khẩn cấp... ở khắp nơi trên thế giới đã vượt qua cảm giác hoang mang để chăm sóc và duy trì hy vọng sống cho người bệnh, dù bản thân cũng bị đặt ở ranh giới mong manh mà Covid-19 vạch ra. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không chỉ về mặt thể chất, mối đe dọa còn là nguy cơ sang chấn tâm lý, khi các nhân viên y tế phải làm việc cật lực trong nhiều giờ và kéo dài, lại luôn thường trực nỗi lo bị lây nhiễm. Họ phải cách ly với gia đình và đối mặt tâm lý lo ngại, kỳ thị của xã hội. 

Trong thông điệp nhân Ngày Sức khỏe thế giới, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ, các nhân viên y tế mang trên vai gánh nặng chưa từng có và là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do Covid-19. Phát biểu ý kiến khi công bố Hiến chương của WHO về tăng cường an toàn cho đội ngũ nhân viên y tế, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, đại dịch nhắc nhở thế giới về sứ mệnh cao cả của các nhân viên y tế. 

Những dòng bình luận tiếp tục nối dài trên các trang mạng xã hội, tri ân và ngợi ca lòng trắc ẩn, sự hy sinh và tận tụy của đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu chống Covid-19 - Người bảo vệ thế giới năm 2020.