Nghĩ về sự cân bằng

Thì ra con người, từ khai sinh lập địa đến giờ chỉ làm độc một việc là đi tìm sự cân bằng. Cân bằng giữa con người và vũ trụ, cân bằng giữa âm và dương, thiện và ác, xấu và tốt, đen và trắng; cân bằng giữa cá thể và cộng đồng, giữa cái riêng và cái chung, giữa thăm thẳm đường dài và khoảnh khắc ngắn hạn, giữa quốc gia và nhân loại, giữa tâm và vật, giữa cá nhân và thể chế, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa giàu và nghèo, giữa đói và no, giữa sự sống và cái chết, giữa thiên tai và sự chống cự, giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa sinh tồn và hủy diệt, giữa nổi nênh và tự tại… Tất tất cả đều hướng về sự cân bằng. 

Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 dầm mình trong mưa lũ để giúp đỡ nhân dân. Ảnh: TÂM QUANG
Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 dầm mình trong mưa lũ để giúp đỡ nhân dân. Ảnh: TÂM QUANG

1. Dân tộc Việt Nam đã đổ núi xương sông máu để đi tìm sự cân bằng trong suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử bằng những cuộc chống ngoại xâm thần thánh, bằng những huyền tích bay lên từ cõi chết, bằng bao phen gồng mình đứng vững được trên miệng vực tối đen. Con người Việt Nam đã tồn tại, đang tồn tại và sẽ tồn tại ung dung trước bất kỳ hoàn cảnh hiểm nghèo nào để tự tin, khoan thai bước vào năm 2021 chắc còn nhiều thử thách và biến động khôn lường. 

Như cái năm 2020 đầy bất trắc vừa mới qua đây thôi. Một năm thiên tai dồn dập, một năm con quái thú Covid-19 đe dọa từng phút, từng giờ, một năm nghẹt thở và cũng là một năm vượt thắng ngoạn mục mà không phải quốc gia nào cũng có được. Ngày cuối năm ngước nhìn lên cao xanh bỗng thở phào trong niềm tự hào và vui sướng khẽ khàng, ngọt dịu. Thế là bão tố đã qua, thế là đại dịch kinh hoàng đã tạm dừng lại ở bên kia biên giới. 

Bão tố, lũ lụt gầm gào đến rồi đi dẫu đã gây bao tang thương, bất hạnh nhưng nó đã giữ lại tình người, nghĩa đồng bào, cái tình cái nghĩa đã được hun đúc, kết tủa từ hàng nghìn năm vật vã, nhọc nhằn như những hạt phù sa màu mỡ luôn đắp đổi cho dòng sông xuôi chảy ra biển lớn. 

Nạn dịch mang cái tên thành ám tượng ghê hồn đã và đang làm điêu đứng cả hành tinh với bản thể và biến thể kỳ dị nhưng không thể tạo nên cơn bùng phát, không thể làm giảm sức tăng trưởng kinh tế, làm giảm lòng tin của nhân dân với chính đảng, với bộ tổng tham mưu sáng suốt, tận tụy của mình trên mảnh đất hình chữ S này. Một lần nữa, như trong các kỳ tích đấu tranh giành độc lập dân tộc vừa qua, thế giới lại nhìn về Việt Nam như nhìn về một ẩn số không dễ tìm lời giải. Kinh tế hành tinh đang giật xuống con số tăng trưởng âm nhưng Việt Nam lại tăng trưởng dương, tự hào nằm trong nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới. 

2. Tại sao? Câu trả lời đơn giản mà lại không hề dễ trả lời. Phải chăng các giá trị truyền thống của lòng yêu nước nồng nàn, của sự đoàn kết keo sơn, của mối chung sức đồng lòng bất diệt từ trong lịch sử hùng anh và bi tráng mà cứ một khi non sông có biến lại được hun đúc, phát lộ thăng hoa. Trong màu đen ảm đạm, với quyết tâm sắt đá của Nhà nước và ý thức mãnh liệt của người dân, Việt Nam bỗng vươn lên lặng lẽ và kiêu hãnh bởi hai vầng ánh sáng hội tụ, ánh sáng của chống dịch và ánh sáng của sự tăng trưởng. 

Quá khứ chỉ đủ để cho thiên hạ hiểu ta nhưng hiện tại mới làm cho thiên hạ trọng mình. Việt Nam qua mùa Covid, mùa bão dông khắc nghiệt vẫn ung dung tự tại và đi lên đã chiếm trọn được sự tin yêu, trân trọng của những con người cầu thị trên toàn thế giới. Càng tin yêu hơn khi trong hoàn cảnh chao chênh ấy, Việt Nam vẫn dành tâm sức và nhiệt tình tổ chức đăng cai những hội nghị quốc tế về hòa bình, về quốc phòng an ninh, về kinh tế, về hội nhập môi trường rất đỗi thành công. 

Đây là một sự cân bằng giữa tai ương và dáng đứng, giữa hoạn nạn và thế đi lên, giữa cái chung và cái riêng mà tư duy, tư tưởng của các nhà lãnh đạo Việt Nam đã gặp được sâu thẳm ý nguyện lòng dân.

Cân bằng có cả cân bằng tĩnh và cân bằng động. Cân bằng động đã thể hiện bằng diện mạo, bằng vị thế lên cao chưa từng có của Việt Nam những khoảnh khắc lịch sử cam go này mà không ai, dù tỵ hiềm, ác ý nhất cũng không thể không thừa nhận. Song bên cạnh đó, ẩn sâu nhập nhòa vào bên trong là sự cân bằng tĩnh cũng đòi hỏi ta phải rạch ròi. Đó là sự cân bằng trong thế giới phức tạp của tâm hồn, của đức tin. 

Nuôi quân ba năm dụng một giờ. Nhưng rõ ràng những tháng ngày qua, người chiến sĩ dù đeo quân hàm bộ đội hay quân hàm công an đã được dụng với lượng thời gian dày đặc trong những hoàn cảnh hiểm nghèo nhất. Thử hỏi không có những sắc mầu võ trang thân thiết ấy thì bao trận bão lũ khốc hại, bao lần cách ly gián tiếp đòi hỏi hết sức nghiêm ngặt kia thì mọi sự sẽ đi về đâu? Vì nước quên thân, vì dân quên mình, lại một lần nữa hình ảnh người lính trở nên chói sáng trước Tổ quốc, trước nhân dân cần lao như trong lịch sử họ đã từng lồng lộng, chói sáng. Sắc mầu ấy trộn hòa với sắc trắng blu của những chiến sĩ y tế đã làm nên một bản hòa ca tuyệt đẹp giữa mây trời, sông núi về lòng vị tha, về đức hy sinh và lòng dũng cảm, về mối quan hệ giữa con người và con người. 

Xã hội có thể giãn cách nhưng lòng người lại nối liền. 

Nhân ngày cuối năm này, tất cả chúng ta hãy hướng về họ với tất cả lòng biết ơn sâu sắc. 

3. Cuộc đời muôn nẻo, lòng người muôn hướng, cái đó đã đành nhưng thiết nghĩ đã là con dân đất Việt, dù ở đâu, xuất phát từ thành phần giai cấp nào, những ngày này, nhất là thời điểm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sắp bước vào kỳ khai hội để chọn những người con ưu tú sẵn sàng đem tất cả tài năng, trí tuệ và sức lực đứng ra gánh vác sự nghiệp chung tiếp tục đưa đất nước đi lên hướng tới mục tiêu phồn vinh, hạnh phúc thì nên chứng tỏ mình xứng đáng là con dân đất Việt.  

Cân bằng chính là sự chiêm nghiệm, là từ tâm, là mang tư tưởng thiền phật, là thở hơi thở của nhân dân, sống theo cuộc sống của nhân dân. Đó là trường tồn. Trường tồn cho một chính đảng và cũng là trường tồn cho một nhân cách. 

Bão lũ, đại dịch đã mang đến những điêu linh nhưng nó cũng gợi cho nhân loại, cho mỗi con người một cách sống chậm lại để nghĩ suy, để chiêm nghiệm tất cả. Bởi cái cuối cùng của cuộc sống, cái cuối cùng của lẽ đời là gì nếu không phải là sự nhàn tâm, an nhiên và vui sống sạch lành trong lòng đạo lý một đời và muôn đời của dân tộc. Cái đạo lý đã làm nên sức vóc non sông qua bao dặm dài đất nước, đã tạo nên cái sức mạnh vô biên của khối đại đoàn kết dân tộc kết hợp với tinh thần thời đại hôm nay. 

“Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng

Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng

Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành” 

(Tố Hữu)

Thế giới càng biến động, lòng người càng khôn dò, thiên tai càng bất trắc lại càng cần có thế cân bằng trong tâm hồn, trong hành động. Chặng đường đi trước mắt còn biết bao chông gai, gian khổ, nếu một khi con người đã tìm được sự cân bằng trong tư duy, trong tâm hồn, trong hành động thì con người sẽ luôn luôn biết trầm tĩnh, sắt son và thủy chung cống hiến cho non nước một ngày mai tươi sáng.