Công nhân tất bật sơ chế sứa tại cảng. |
Đến cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn vào một chiều muộn tháng 4, dù mặt trời đã đứng bóng nhưng nơi đây vẫn nhộn nhịp tiếng nói cười. Với những người công nhân tại cảng, đây mới là lúc bắt đầu công việc quen thuộc thường ngày của họ. Nhận tin sắp có tàu vào đổ sứa, tất cả mọi người đều khẩn trương chuẩn bị dụng cụ, đồ nghề, sẵn sàng “vào vị trí”. Nửa tiếng sau, một tàu cá cập bến, đổ từng con sứa tươi trắng phau xuống sân bãi.
Vừa đưa đôi tay thoăn thoắt cắt chân sứa, chị Nguyễn Thị Kênh (phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn), công nhân xưởng sứa Phú Quý hồ hởi chia sẻ: “Đang vào chính vụ nên công nhân ở xưởng rất bận. Cứ có tàu lên đổ sứa là chúng tôi phải bắt tay vào sơ chế, làm sạch rồi phân loại các bộ phận, tránh để lâu sứa sẽ không còn tươi, ảnh hưởng đến chất lượng”.
Chị Kênh cho biết, đặc thù của nghề sứa ở Đồ Sơn là tính theo “con nước”. Mỗi con nước được tính là 15 ngày. Khi nước lên, tàu đánh bắt sứa vào được bờ thì sẽ tiến hành đổ sứa cho các chủ tàu. Thời kỳ cao điểm, chị làm hết cả con nước. Những ngày này đang vào chính vụ sứa nên từ chủ cơ sở, thuyền viên đến công nhân đều tất bật. Có những hôm nửa đêm hoặc sáng sớm tàu mới vào tới nơi, ngư dân lại phải thức trắng đêm để đổ sứa và sơ chế, phân loại. Dù vất vả nhưng nghề sứa ở Đồ Sơn vẫn được duy trì và phát triển hàng chục năm nay.
Sứa sau khi đánh bắt về sẽ được làm sạch và phân loại thành 2 phần: chân và bìa. |
Anh Đinh Đình Mạnh, chủ cơ sở sản xuất chế biến sứa Phú Quý cho biết, mỗi ngày, cơ sở của anh sơ chế từ 4 đến 5 nghìn con sứa với giá thu mua 15 nghìn đồng/con. Sứa sau khi cập bến sẽ được cắt chia làm hai phần là chân và thân (hay còn gọi là bìa). Chân sứa chủ yếu do các thương lái Trung Quốc thu mua, còn phần bìa sẽ tiêu thụ trong nội địa. Sau đó sẽ tiến hành cắt thành sợi, cho vào máy quay 10 tiếng cho nhả hết nhớt, bảo đảm miếng sứa vừa sạch lại có độ cứng nhất định.
Để bảo quản quanh năm, sứa sẽ được đem ngâm trong bể nước có hỗn hợp muối và phèn giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. Thành quả thu được là những miếng sứa trắng ngần, có độ giòn, khi ăn có vị thanh mát, tạo cảm giác ngon miệng, nhất là vào những ngày hè. Chính vì thế, những món ăn chế biến từ sứa luôn là thứ hấp dẫn du khách mỗi khi có dịp đến với bán đảo Đồ Sơn.
Cơ sở của anh Mạnh có 12 công nhân làm công việc sơ chế sứa. Trung bình một ngày, mỗi công nhân có thể xử lý hơn 100 con sứa với mức thu nhập 300 nghìn đồng. Kết thúc vụ sứa, mỗi người có thể thu được 20-30 triệu đồng/vụ. Hiện cơ sở của anh đang có 4 tàu cung cấp sứa. Mỗi tàu có từ 5 đến 6 thuyền viên, mỗi ngày có thể đánh bắt được hơn 1.000 con sứa. Vào mùa đánh bắt, mỗi con nước thuyền viên có thể kiếm được từ 5 đến 7 triệu đồng, tương đương hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Thân và chân sứa được cho vào máy cắt thành sợi, sau đó đem quay cho sạch nhớt trước khi đem muối. |
Ngư dân cho biết, nghề sứa ở Đồ Sơn trở nên phát triển khoảng hơn 10 năm trở lại đây, khi các thương lái Trung Quốc xuất hiện và bắt đầu thu mua với số lượng lớn. Từ loài vật có giá trị kinh tế thấp, sứa bỗng vươn mình trở thành món hàng được săn lùng. Thời kỳ cao điểm, tại cảng cá Ngọc Hải (phường Hải Sơn) có tới 14 cơ sở thu mua và chế biến sứa biển. Nhiều nhà phất lên trông thấy nhờ nghề buôn sứa.
Mùa sứa thường kéo dài từ đầu tháng giêng đến tháng tư âm lịch hằng năm. Thông thường, cứ ăn Tết xong là bà con ngư dân lại rong thuyền ra khơi bắt đầu một vụ mùa mới, đón “lộc biển” đầy khoang. Vào thời điểm này, sứa sinh sản và nổi thành đàn di chuyển trên mặt nước, là thời điểm thích hợp để đánh bắt cũng là lúc các bến bãi nhộn nhịp tàu thuyền vào ra.
Dù mang lại hiệu quả kinh tế cũng như tạo thu nhập và giải quyết công ăn việc làm thời vụ cho ngư dân địa phương, song nghề sứa ở Đồ Sơn đang đứng trước nguy cơ mai một. Từ 14 xưởng sứa tập trung dọc theo trục đường chính dẫn vào cảng cá Ngọc Hải nay chỉ còn sót lại 3 xưởng với 9 chiếc tàu khai thác sứa. Cảnh nhộn nhịp tấp nập, trên bến dưới thuyền mỗi mùa sứa về nay đã không còn được như trước. Một số ngư dân đã bỏ nghề chuyển sang làm các công việc tay chân khác, số lượng tàu đánh bắt giảm dần. Từ 14 cơ sở, nay tại cảng cá Ngọc Hải chỉ còn lại 3 cơ sở sản xuất và chế biến sứa.
Hiện cơ sở nhà anh Mạnh đang có 50 bể sứa muối mặn, số này chủ yếu xuất thô sang thị trường Trung Quốc với sản lượng lớn. |
Nguyên nhân theo anh Mạnh là do sứa bị “rớt giá” không phanh. “Khoảng 5 năm trở lại đây, các thương lái Trung Quốc bắt đầu ngừng thu mua hoặc thu mua hạn chế do nước bạn thực hiện các chính sách siết chặt quy định kiểm soát nhập khẩu, tăng cường thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm và đóng gói”, anh Mạnh cho biết.
Mất đi thị trường chính, con sứa rơi vào cảnh “lao đao”. Thực tế này yêu cầu phải có bài toán gỡ rối cho con sứa Đồ Sơn nói riêng và ngành sứa nói chung để tiếp tục duy trì và phát triển nghề sứa truyền thống nơi đây. Cần sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng từ bộ, ngành cũng như các cấp chính quyền để tìm đầu ra ổn định cho ngư dân, sớm đáp ứng các tiêu chuẩn và tiêu chí để có thể xuất khẩu trở lại, đưa cảnh mùa sứa ở Đồ Sơn trở lại “nhộn nhịp” như trước đây.