Từ mồng 4 Tết Giáp Thìn 2024, tàu cá của ngư dân Phú Yên bắt đầu cập bến. Chuyến biển đầu tiên của năm mới, khai thác được hàng tấn cá ngừ, chủ tàu và lao động đều rất phấn khởi.
Vui chuyến biển đầu năm
Tại các cảng cá Đông Tác (thị xã Tuy Hòa), Phú Lạc (thị xã Đông Hòa), Tiên Châu (huyện Tuy An) những ngày này sôi động hẳn lên. Hàng chục tàu cá nối nhau cập cảng, mỗi ngày bốc dỡ hàng tấn cá ngừ đại dương và các loại sản vật từ biển khơi đưa lên bờ đi tiêu thụ khắp nơi.
Bốc dỡ xong, bạn tàu (lao động đi biển) lại khẩn trương lấy tổn (vật tư, thực phẩm phục vụ chuyến đánh bắt dài ngày) rồi hối hả ra khơi tìm luồng cá mới.
Xuất bến từ ngày 30/1, sau 18 ngày đánh bắt, đón Tết trên vùng biển Trường Sa, sáng mồng 5 tháng Giêng (14/2), tàu cá PY 95345 TS của ông Phạm Lộc (thành phố Tuy Hòa) cập cảng Phú Lạc.
Chuyến này, ông Lộc và ba lao động cùng đi trên tàu câu được 27 con cá ngừ đại dương (trọng lượng 50-70 kg/con). Đặc biệt có một con cá ngừ mắt to quý hiếm nặng 98 kg được chủ vựa mua ngay tại cảng khi cá vừa được bốc dỡ lên bờ với giá 9,7 triệu đồng.
“Chúng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ, mới “dìu” đưa được con cá này lên tàu nguyên vẹn. Làm nghề mấy chục năm, lần này tôi mới câu được con cá ngừ to như vậy”, ông Phạm Lộc kể.
Theo ông Hà Viên, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Phú Yên, so với những năm gần đây, chuyến biển đầu năm Giáp Thìn này, ngư dân câu cá ngừ trúng lớn. Tuy giá cá ngừ đầu mùa còn thấp (97.000 đồng/kg), nhưng bù lại sản lượng nhiều, có thu nhập cao, ngư dân rất phấn khởi, báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.
Vừa khẩn trương chỉ đạo anh em bốc dỡ cá đưa lên bờ, thuyền trưởng, cũng là chủ tàu cá PY 95345 TS chia sẻ, với ngư dân khai thác xa bờ, đây là chuyến biển đầu năm. Nhờ thời tiết thuận lợi, biển êm chỉ trong vòng 18 ngày câu được 27 con cá ngừ đại dương “Ăn Tết muộn, nhưng rất vui vì chuyến biển đầu năm may mắn câu được nhiều cá ”, ông Lộc nói.
Theo số liệu thống kê của Ban quản lý cảng cá Phú Yên, trong vòng một tuần từ 13/2 đến 20/2 (mồng 4 đến ngày 10 tháng Giêng) có 59 tàu cá xuyên Tết cập các cảng Tiên Châu, Đông Tác, Phú Lạc để bốc dỡ thủy sản; với tổng sản lượng 151,2 tấn cá ngừ đại dương, bình quân 2,56 tấn/tàu.
Một số tàu có sản lượng cao hơn vừa cập cảng cá Tiên Châu, huyện Tuy An như tàu cá PY- 90232 của ông Nguyễn Mi Ni cập cảng ngày 18/2 với số lượng 4,128 tấn cá ngừ vây vàng; tàu cá PY-90631 của ông Đoàn Văn Bông cập cảng ngày 19/2, sản lượng câu được 3,780 tấn cá ngừ vây vàng…
Theo ông Hà Viên, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Phú Yên, so với những năm gần đây, chuyến biển đầu năm Giáp Thìn này, ngư dân câu cá ngừ trúng lớn. Tuy giá cá ngừ đầu mùa còn thấp (97.000 đồng/kg), nhưng bù lại sản lượng nhiều, có thu nhập cao, ngư dân rất phấn khởi, báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.
Phát triển bền vững nghề câu cá ngừ
Phú Yên có 1.921 tàu cá, trong đó 652 tàu hoạt động vùng khơi, chủ yếu đánh bắt cá ngừ đại dương. Trong năm 2023, sản lượng thủy sản của tỉnh đạt gần 65.502 tấn, tăng 2,4% so với năm 2022, đạt 109,2% so với kế hoạch. Trong đó, sản lượng khai thác trên biển hơn 65.172 tấn, chiếm tỷ lệ 99,5%, riêng sản lượng cá ngừ đại dương đạt 3.200 tấn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương, Phú Yên là cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương.
Những năm 1990, số lượng tàu cá tham gia khai thác nhiều, đạt sản lượng 5.000-5.500 tấn/năm. Sau một thời gian do nhiều yếu tố khác nhau, nghề này giảm sút về số lượng tàu và sản lượng, dẫn đến có sự suy yếu (chỉ đạt 3.000-3.500 tấn/năm).
Việc tiêu thụ sản phẩm cá ngừ hiện nay hoàn toàn phụ thuộc các vựa thu mua, giá cả không ổn định. Hàng trăm tàu cá toàn tỉnh chỉ có sáu điểm thu mua của các đại lý, doanh nghiệp, chủ yếu đặt tại cảng cá Phường 6, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, dẫn đến tình trạng ép giá thường xuyên xảy ra.
Ngư dân bốc dỡ cá ngừ tại cảng cá Phú Lạc, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. |
Ngay ở đầu vụ, giá cá ngừ có thể đạt 150.000 đến 170.000 đồng/kg, nhưng đến chính vụ sản lượng nhiều, có lúc xuống dưới 85.000 đồng.
Như vậy, lượng cá đánh bắt được không phải là điều duy nhất quyết định thu nhập chuyến biển, mà thu nhập của ngư dân còn tùy thuộc các chủ vựa.
Theo các nhà quản lý, cần có một chợ giao dịch cá ngừ để minh bạch giá cả cũng như phân loại chất lượng cá. Nhiều ngư dân cũng đang mong chờ sự ra đời của những chợ giao dịch cá ngừ đúng nghĩa.
Tỉnh Phú Yên đã thành lập Hiệp hội Cá ngừ, triển khai đề án thí điểm sản xuất cá ngừ theo chuỗi, tổ chức ngày hội cá ngừ, xây dựng thương hiệu cá ngừ Phú Yên… nhưng hầu như các hoạt động này chưa mang lại hiệu quả.
Tại các cuộc hội thảo chuyên đề về nghề khai thác cá ngừ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, nhiều chuyên gia cũng đặt ra vấn đề khó khăn nhất là thiếu phương tiện hiện đại và yếu kém về công nghệ khai thác. Các tỉnh miền trung chưa có bến cá chuyên dùng, các điều kiện phục vụ bốc dỡ xuất khẩu đều chưa đạt.
Các ngư dân cho rằng, để nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên phát triển ổn định, bền vững, Nhà nước cần tổ chức sản xuất, sắp xếp lại hệ thống thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương với lực lượng nòng cốt là các doanh nghiệp chế biến đủ mạnh để đầu tư nâng cao năng lực thu mua; đầu tư xây dựng đồng bộ và phát triển hạ tầng cầu cảng, bến cá đáp ứng dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền.
Theo các nhà quản lý, cần có một chợ giao dịch cá ngừ để minh bạch giá cả cũng như phân loại chất lượng cá. Nhiều ngư dân cũng đang mong chờ sự ra đời của những chợ giao dịch cá ngừ đúng nghĩa.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên khẳng định, Phú Yên đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp mang tính căn cơ để đưa nghề câu cá ngừ đại dương phát triển mạnh mẽ.
Trong đó, giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ được chú trọng, cụ thể như: Cải tiến nâng cao công nghệ khai thác và bảo quản trên tàu, nâng cao tay nghề cho thuyền viên, liên kết theo tổ đội sản xuất trên biển để rút ngắn thời gian chuyến biển, liên kết giữa đội tàu với doanh nghiệp thu mua, chế biến để bảo đảm chuỗi giá trị bền vững, các bên cùng có lợi.
Các cơ quan, ban, ngành của tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ cao nhất cho ngư dân thông qua việc bảo đảm các điều kiện luồng lạch, cửa biển, cảng cá, dịch vụ hậu cần tốt nhất, nhanh nhất, thuận lợi nhất nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch.
Một giải pháp quan trọng là mở rộng thị trường, hợp tác với các nước có kinh nghiệm, tiên tiến về khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ. Cụ thể, Phú Yên đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Kiyomura Nhật Bản để phát triển thủy sản, đặc biệt là phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục liên kết với Indonesia ở lĩnh vực này…
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho biết thêm, địa phương đã thành lập Hợp tác xã Cá ngừ Phú Yên và đây sẽ là đơn vị hạt nhân để có thể kết nối, hợp tác phát triển cá ngừ đại dương, khắc phục được những bất cập của nghề khai thác cá ngừ lâu nay, xây dựng thương hiệu cá ngừ Việt Nam giúp nâng cao giá trị cá ngừ, nâng cao thu nhập cho ngư dân, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.