Ngổn ngang dự án tái định cư

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đồng thuận phương án giải phóng mặt bằng, chuyển đến các khu tái định cư để địa phương triển khai các dự án xây dựng khu công nghiệp, giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều khu tái định cư bị chậm tiến độ hoàn thiện hạ tầng, chậm kết nối điện, nước, chậm thực hiện chính sách cho nên cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Khu tái định cư Tân Tiến ở xã Tân Quang, thành phố Sông Công, Thái Nguyên chưa hoàn thiện hạ tầng.
Khu tái định cư Tân Tiến ở xã Tân Quang, thành phố Sông Công, Thái Nguyên chưa hoàn thiện hạ tầng.

Khu tái định cư Tân Tiến ở xã Tân Quang, thành phố Sông Công gồm khu A và khu C được xây dựng cách đây gần bốn năm, là nơi ở mới của hàng trăm hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II.

Trái ngược với khu A được xây dựng hoàn thiện thì đến nay, hạ tầng tại khu C, khu tái định cư Tân Tiến vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, hạ tầng chưa hoàn thiện, chất lượng xây dựng thấp, chưa được đấu nối điện, nước sinh hoạt, nước thải đồng bộ, ô nhiễm môi trường làm cuộc sống người dân khó khăn.

Bà Ngô Thị Dệt ở khu C, khu tái định cư Tân Tiến cho biết: “Khi còn ở nơi cũ, ngày nào gia đình cũng được tuyên truyền phải khẩn trương di dời đến khu tái định cư để Ban Quản lý Các khu công nghiệp Thái Nguyên có mặt bằng xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II. Khi ra khu tái định cư này, gia đình tôi dựng lán ở tạm trong thời gian làm nhà; nhà làm xong đến nay đã gần bốn năm mà đoạn đường từ nhà tôi sang khu A chưa được giải phóng mặt bằng để kết nối giao thông, cống thoát nước cho nên mỗi khi mưa to, nước mưa lẫn nước cống dâng lên gây mất vệ sinh, có gia đình còn bị nước tràn vào nhà”.

Bên cạnh gia đình bà Dệt, nhiều tuyến đường chưa được làm nền, vỉa hè, người dân chuyển đến sinh sống phải đổ đường tạm để tránh sình lầy; câu móc điện tạm từ bên cạnh, khoan giếng để có nước sử dụng vì chưa được đấu nối đường nước. Nhiều vị trí vỉa hè chất lượng thấp, bong bật, lún khiến người dân phải làm lại. Một số hộ chưa được nhận đủ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Để phục vụ xây dựng đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc, phường Tân Hương, thành phố Phổ Yên di dời 40 hộ dân từ tháng 4 và 5/2023.

Khi đó khu tái định cư Tân Hương chưa được xây dựng, các hộ được hỗ trợ tiền thuê nhà sáu tháng, nhiều trường hợp được chính quyền địa phương huy động lực lượng giúp di dời, tìm chỗ ở để thuê cho nên chỉ trong thời gian ngắn việc giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường đã xong.

Tuy nhiên, khi thời gian được hỗ trợ tiền thuê nhà hết, đến nay mới có hơn 10 hộ xây xong nhà và chuyển đến ở khu tái định cư Tân Hương, nhưng thời gian qua lại chưa được cấp điện, nước sinh hoạt.

Số còn lại vẫn đang phải thuê nhà vì nhiều nguyên nhân; trong đó có việc khu tái định cư chưa hoàn thiện, hơn 10 gia đình được cấp đất giáp đường liên kết đang thi công cho nên phải đến khoảng giữa năm 2024 mới có thể xây nhà.

Anh Nguyễn Văn Nam, là người đã xây nhà và chuyển đến ở khu tái định cư Tân Hương cho biết: “Đến sống ở khu tái định cư nhưng thời gian qua chưa được cấp điện, cho nên chúng tôi phải đi câu móc nhờ, chưa kể còn phải sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt”.

Đến nay, vẫn còn năm trong tổng số 10 khu tái định cư đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc do thành phố Phổ Yên làm chủ đầu tư chưa hoàn thiện hạ tầng, hàng trăm hộ dân vẫn đang phải thuê nhà, đời sống khó khăn.

Khu tái định cư cho người dân vùng thiên tai, sạt lở phường Tân Phú, thành phố Phổ Yên được coi là xây dựng đúng tiến độ, hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện và đưa vào sử dụng cuối năm 2021 để tái định cư cho 55 hộ dân.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Phổ Yên mới phê duyệt 33 hộ trong diện tái định cư, trong đó có 25 hộ đã chuyển đến sinh sống; còn hơn 20 hộ chưa được phê duyệt.

Một số hộ chờ gần hai năm chưa được phê duyệt cho nên bức xúc, làm đơn kiến nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên tiếp dân, yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục chậm trễ này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Phú Lê Ngọc Kha cho biết thêm: “25 hộ đã làm nhà, ổn định cuộc sống tại khu tái định cư này, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được 20 triệu đồng hỗ trợ di chuyển theo chế độ cho nên người dân thường xuyên kiến nghị”.

Theo Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên Triệu Văn Cương, chủ đầu tư dự án tái định cư Tân Phú, ngân sách trung ương đầu tư hạ tầng và hỗ trợ 20 triệu đồng cho mỗi hộ di chuyển đến nơi ở mới.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ di chuyển theo Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực từ năm 2020 cho nên không thể thực hiện hỗ trợ di chuyển cho mỗi hộ 20 triệu đồng.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xin ý kiến các sở, ngành, tham mưu Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ các hộ dân chuyển đến khu tái định cư Tân Phú.

Hàng trăm hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc đang phải thuê nhà, trong đó nhiều hộ hết thời gian được hỗ trợ thuê nhà mà vẫn chưa thể chuyển đến các khu tái định cư để ổn định cuộc sống, tạo sinh kế lâu dài.

Nguyên nhân chủ yếu là do khi dự án tuyến đường liên kết được phê duyệt thì mới bắt đầu triển khai đầu tư dự án tái định cư với các thủ tục, quy trình dài, mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, yêu cầu, tiến độ thi công đường liên kết cần nhanh để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ cho nên việc giải phóng mặt bằng rất rốt ráo, quyết liệt dẫn đến việc xây dựng các khu tái định cư chưa kịp tiến độ, chậm ổn định đời sống người dân.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng thành phố Phổ Yên Tạ Văn Ngọc cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng; đồng thời chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các khu tái định cư, cần thiết thì cưỡng chế, bảo vệ thi công để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư”.