Ngoại giao văn hóa giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam

NDO - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, hoạt động ngoại giao văn hóa giúp nâng cao quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại qua giao lưu văn hóa chúng ta cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, chiều 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch…

Đẩy mạnh triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa

Nêu vấn đề chất vấn, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng thông tin về kết quả của việc triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa trong việc quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng.

Phản hồi đại biểu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành. Đây là sự phát triển kế tiếp của Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020; đồng thời có một số nội dung mới.

Ngoại giao văn hóa giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ảnh 1

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đặt câu hỏi chất vấn từ điểm cầu Đắk Nông.

Bộ trưởng nhấn mạnh, hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới mà ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới. Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Hiện nay, trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng nhất, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí, trong đó có Ủy ban Di sản thế giới. Theo Bộ trưởng, đây là cơ chế hợp tác liên thông để Việt Nam phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa.

Ở cấp độ quốc gia, Bộ trưởng cho biết, hoạt động ngoại giao văn hóa cũng giúp tạo dấu ấn rất quan trọng thân thiện với bạn bè thế giới. Hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của chúng ta thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao trong thời gian qua các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) về gắn hoạt động ngoại giao với thúc đẩy du lịch, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, đây là nhiệm vụ được Bộ Ngoại giao quan tâm, chú trọng triển khai, đồng thời cho biết Bộ cũng đã tham khảo kinh nghiệm các nước về chính sách phát triển du lịch để tham mưu Chính phủ kịp thời điều chỉnh.

Ngoại giao văn hóa giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ảnh 2

Quang cảnh phiên chất vấn chiều 18/3. (Ảnh: DUY LINH)

Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước đều có nhiệm vụ quảng bá văn hóa. Bộ đã giao các cơ quan đại diện hàng năm tổ chức ngày văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam ở nước sở tại; chủ động xây dựng kế hoạch ngoại giao văn hóa, trong đó mới đây nhất tại Nhật Bản tổ chức lễ hội phở, thu hút nhiều người quan tâm.

Bộ Ngoại giao cũng đề nghị các địa phương xây dựng các video clip để quảng bá hình ảnh địa phương mình. Đồng thời, ngay tại trụ sở các cơ quan đại diện của Việt Nam cũng được trang trí mang đậm hình ảnh đất nước con người Việt Nam.

Chú trọng phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Có chung mối quan tâm đối với Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) cho biết, trong chiến lược mà Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng có nhiệm vụ quan trọng là chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài…

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin về tình hình thực hiện những nhiệm vụ này trong thời gian qua, cũng như những kết quả cụ thể đạt được, những vướng mắc và phương hướng trong thời gian sắp tới.

Ngoại giao văn hóa giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ảnh 3

Đại biểu Tạ Đình Thi nêu vấn đề chất vấn. (Ảnh: DUY LINH)

Trả lời câu hỏi đại biểu nêu, Bộ trưởng khẳng định việc truyền bá văn hóa Việt Nam, duy trì phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian qua, Bộ đã tích cực xây dựng đề án, chiến lược, cụ thể hóa bằng kế hoạch công tác.

Theo đó, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức sự kiện Ngày Việt Nam, tuần phim, ẩm thực Việt Nam để quảng bá văn hóa Việt Nam. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đều có góc trưng bày sản phẩm văn hóa ở trụ sở, đặc biệt là ở phòng tiếp khách, tiếp công dân. Bộ cũng phối hợp thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam, nghiên cứu Việt Nam tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước sở tại.

Về việc duy trì dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đây là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học để triển khai việc hỗ trợ các hội đoàn người Việt xây dựng các trường, lớp tiếng Việt, qua đó duy trì, phát huy được giá trị văn hóa Việt Nam.

Các cơ quan đã xây dựng giáo trình dạy tiếng Việt dành riêng cho đối tượng người Việt tại nước ngoài, cung cấp sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy cho các cơ sở giáo dục, đào tạo về tiếng Việt. Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ hơn 70 nghìn cuốn sách giáo khoa tiếng Việt, nhiều văn hóa phẩm tiếng Việt đi kèm để hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các hội đoàn người Việt ở nước ngoài thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức dạy tiếng Việt, vận động chính quyền các nước hỗ trợ các cơ sở giảng dạy tiếng Việt của kiều bào ta, đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục sở tại phù hợp với cấp học, hỗ trợ xây dựng các cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.