Ngộ độc thuốc diệt chuột đã bị cấm

NDO - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 21 tuổi (quê Hà Nam) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, co giật mạnh toàn thân do ngộ độc một loại thuốc diệt chuột của Trung Quốc đã bị cấm. 
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân đang được điều trị tích cực.
Bệnh nhân đang được điều trị tích cực.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoảng 5 giờ ngày 6/2, gia đình phát hiện thấy bệnh nhân trong tình trạng co giật, trợn mắt, đại tiểu tiện không tự chủ, bên cạnh có ống thuốc màu đỏ nghi là thuốc diệt chuột.

Khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện chân tay co quắp, nôn mửa, nhanh chóng diễn biến nặng với tụt huyết áp, tổn thương cơ tim, hạ can xi máu, sốc tim, suy tim rất nặng, loạn nhịp tim, phù phổi, suy thận.

"Cả tim và não của bệnh nhân tổn thương rất nặng, nhịp tim rất nhanh và quả tim đập rất yếu, mất gần hết trương lực. Với các biểu hiện ngộ độc đặc trưng, mẫu ống nhựa màu hồng không nhãn mác, cùng với xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân tìm thấy hóa chất diệt chuột fluoroacetate, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc hóa chất diệt chuột fluoroacetate", bác sĩ Nguyên cho hay.

Ngộ độc thuốc diệt chuột đã bị cấm ảnh 1
Loại thuốc diệt chuột bệnh nhân đã uống được người nhà cung cấp cho bệnh viện.

Ngay từ khi tiếp nhận bệnh nhân, ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp cấp cứu hồi sức, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch liều cao, lọc máu, kiểm soát co giật.

Theo bác sĩ Nguyên, hóa chất diệt chuột fluoroacetate/fluoroacetamide ở các dạng: ống nước nhỏ bằng nhựa hoặc thủy tinh chứa dung dịch màu hồng, dung dịch không màu, màu nâu, hoặc gói hạt gạo hồng, tất cả không có nhãn mác hoặc có thì hoàn toàn chữ Trung Quốc.

Khi Trung tâm Chống độc nhờ phiên dịch thì không có thông tin về hóa chất bên trong. Đây là loại hóa chất diệt chuột có độc tính cực cao với tim mạch, với thần kinh, gây co giật, hôn mê, tổn thương não nặng, tổn thương cơ tim, suy tim cấp, loạn nhịp tim, sốc tim, cùng với biểu hiện đặc trưng là hạ can xi. Trường hợp ngộ độc nặng có thể tổn thương và suy đa tạng.

Hóa chất này là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp tử vong do ngộ độc thuốc diệt chuột của những năm 1990 và đầu những năm 2000, tỷ lệ tử vong rất cao.

Hóa chất diệt chuột fluoroacetate/fluoroacetamide đã bị cấm cả ở Việt Nam và Trung Quốc nhiều năm qua. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây loại hóa chất này đã được bán trở lại ở các điểm bán hóa chất bảo vệ thực vật không được kiểm soát, các hàng bán rong trên internet, đặc biệt các trang mạng xã hội và gây ra nhiều trường hợp ngộ độc nặng, có trường hợp đã tử vong.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên

Trường hợp bệnh nhân nữ này có hoàn cảnh khó khăn, không có bảo hiểm y tế, gia đình liên tục xin về để tử vong tại nhà, tuy nhiên các bác sĩ đã thuyết phục gia đình cho bệnh nhân ở lại điều trị, đồng thời vận động tài trợ và được nhà tài trợ hỗ trợ các quả lọc máu (trị giá khoảng 30 triệu đồng).

Bệnh nhân đã diễn biến rất nặng, có giai đoạn tưởng chừng khó qua khỏi, tuy nhiên đã cải thiện dần và hiện đang hồi phục tốt, tỉnh táo trở lại, tình trạng tim mạch ổn định và đã được rút ống nội khí quản, tự thở với hỗ trợ một phần từ ô-xy, cần điều trị tiếp nhưng tiên lượng khả quan.

Trung tâm Chống độc khuyến cáo, khi mua hóa chất bảo vệ thực vật nói chung phải mua ở quầy kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật hoặc cơ sở có đăng ký. Chỉ mua các sản phẩm có đăng ký lưu hành trong nước và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi mua phải có đầy đủ thông tin rõ ràng về hóa chất.

Việc sử dụng hóa chất diệt chuột phải xa và cách biệt hẳn so với nơi ở, nơi ăn uống, đặc biệt xa thức ăn, nước uống, xa trẻ em (trẻ em không thể với tới hoặc mở ra được).

Gia đình có người bị bệnh tâm thần hoặc lẫn lộn thì không nên để các hóa chất độc trong khuôn viên nhà ở. Không dự trữ các hóa chất độc hại, bao gồm hóa chất diệt chuột tại gia đình.

Với cơ quan quản lý, bác sĩ Nguyên đề xuất cần quản lý chặt các sản phẩm hóa chất diệt chuột, cấm bán và sử dụng hóa chất diệt chuột loại này đồng thời xử lý nghiêm những người vi phạm.