Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ

ND - Công nghệ vũ trụ (CNVT) là lĩnh vực công nghệ cao đặc biệt. Nó là sự tích hợp của nhiều ngành khoa học - công nghệ khác nhau nhằm khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ phục vụ thiết thực lợi ích của con người. Chúng ta đã xây dựng "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020". Tuy nhiên để biến nó thành hiện thực, còn bộn bề công việc phải làm.

Năm 2006, tại Quyết định số 137/2006/QÐ - TTg (ngày 14-6), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020" phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chiến lược xác định mục tiêu cơ bản là: Từng bước làm chủ công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, tự chế tạo các trạm mặt đất có giá cạnh tranh; làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; làm chủ được công nghệ và kỹ thuật tên lửa. Ðào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNVT ở Việt Nam. Nâng cấp hạ tầng cơ sở ban đầu thông qua việc chuẩn bị phương án và kế hoạch phóng vệ tinh viễn thông thứ hai, đáp ứng nhu cầu khai thác  dịch vụ viễn thông, phát thanh truyền hình trong nước. Chế tạo và phóng thêm một số vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, thay thế một phần ảnh vệ tinh của nước ngoài. Nhằm đạt trình độ trung bình khá trong khu vực về nghiên cứu và ứng dụng CNVT.

Theo đó, Viện CNVT, cơ quan nghiên cứu đầu ngành về CNVT thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã được thành lập theo Quyết định số 1549/QÐ - TTg (ngày 20-11-2006). Nhiệm vụ chính của đơn vị được xác định là nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ công nghệ và phóng vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, trạm thu mặt đất, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh... Nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ viễn thám, công nghệ định vị toàn cầu phục vụ nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường, phục vụ quy hoạch, sử dụng đất và vùng lãnh thổ; dự báo và giám sát thiên tai... Cuối tháng bốn vừa qua, Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm vũ trụ Hòa Lạc với diện tích 9 ha tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ðây là dự án trọng điểm, tạo cơ sở nòng cốt để triển khai, thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng CNVT và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, với tổng dự toán đầu tư khoảng 36,628 tỷ yên (trong đó 702 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam).

Theo TS Phạm Anh Tuấn, Viện phó CNVT (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tất cả mới chỉ là bắt đầu, còn nhiều công việc phải làm. Ðến nay, trong khuôn khổ hợp tác với một số nước về CNVT, chúng ta mới ký thỏa thuận khung với Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (Jaxa) với bốn nội dung: Phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ; ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường và giảm nhẹ thiên tai; triển khai hợp tác nghiên cứu khoa học bằng mô-đun của Nhật Bản trên trạm nghiên cứu vũ trụ quốc tế ISS; phát triển nhân lực và cơ sở vật chất về CNVT để Việt Nam sớm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang xúc tiến các công việc để sang năm 2010 có thể triển khai, thực hiện dự án đến năm 2017. Lộ trình của dự án chia làm bốn thời kỳ, song quan trọng nhất vẫn là thời kỳ từ năm 2013 - 2017. Bởi đây là thời điểm phải thực hiện một khối lượng công việc lớn: Xây dựng Trung tâm điều khiển lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh, thiết bị xử lý dữ liệu; chuyển giao công nghệ vệ tinh và viễn thám giai đoạn hai tại Trung tâm vũ trụ Việt Nam; thiết kế, lắp ráp và phát triển vệ tinh nhỏ thứ hai... Về Công nghệ vệ tinh, theo các chuyên gia khoa học, chúng ta nên lựa chọn loại vệ tinh nhỏ quan sát trái đất bằng cảm biến ra-đa (dưới 500 kg), có độ phân giải cao và có khả năng chụp ảnh toàn lãnh thổ nước ta trong mọi điều kiện thời tiết. Chế tạo và phóng được loại vệ tinh này chúng ta sẽ chủ động trong giám sát thảm họa thiên tai (bão lụt, sạt lở đất, cháy rừng...), quản lý tài nguyên và môi trường; giúp các cơ quan Nhà nước hoạch định chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, tính chất và quy mô của dự án, mục tiêu và ý nghĩa to lớn của nó, cũng như tiến độ nhanh hay chậm trong quá trình triển khai, thực hiện đang đặt ra vấn đề cần sớm thành lập Ủy ban vũ trụ Nhà nước. Bởi có cơ quan này "cầm trịch" thì các cơ chế, chính sách, và sự phối hợp giữa các bộ, ngành mới vận hành một cách thông thoát. Công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành và các hoạt động khác mới "xuôi chèo, mát mái". Nhằm đưa lĩnh vực CNVT ở nước ta có bước phát triển mới, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.

Nguyễn Khôi

Có thể bạn quan tâm