Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh, Viện Ðịa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã có hơn 30 năm nghiên cứu về các tai biến địa chất. Hầu hết các trận lũ quét đều được ông ghi chép diễn biến, thống kê số liệu, hay tiếp cận thực tế hiện trường để rút ra tính chất của trận lũ, làm dữ liệu cho các nghiên cứu chuyên sâu. Theo dõi các trận lũ quét kinh hoàng gần đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh đặc biệt quan tâm đến hiện tượng trượt, sạt lở hàng loạt ở sườn đồi núi; đất, đá do trượt, sạt lở là nguồn vật liệu của lũ bùn đá và là nguyên nhân làm tăng mức độ nguy hiểm của trận lũ. Ông cho biết, trượt lở hàng loạt là hiện tượng hàng trăm, hàng nghìn khối trượt xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, từ 2 đến 8 tiếng, trên phạm vi đồi núi rộng, có thể tới hàng chục, hàng trăm ki-lô-mét vuông.
Trượt lở thường xảy ra sau đợt mưa dài ngày, lượng mưa lớn, cộng với các yếu tố thuận lợi khác như địa chất, địa mạo. Sau các trận trượt lở, sườn đồi núi bị bóc nham nhở, giống như hàng chục, hàng trăm vết “mèo cào”, lộ ra lớp đất, đá sâu bên trong. Sở dĩ ông đặc biệt quan tâm hiện tượng này là vì trượt lở hàng loạt luôn xuất hiện trước và đi kèm ngay sau đó là lũ quét, lũ bùn đá. Như vậy, trên một địa bàn xảy ra hiện tượng đa tai biến, gây nên thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản trên một vùng rộng, cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng, cộng đồng dân cư bị cô lập dài ngày.
Trận lũ quét ngày 2/10 vừa qua tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An là thí dụ rõ nhất khi có hàng chục khối trượt lở trên các sườn núi. Các trận lũ quét lịch sử trước đó cũng có hiện tượng trượt lở hàng loạt, như: trận lũ quét tại huyện Phước Sơn và Nam Trà My (Quảng Nam) ngày 28/10/2020; trận lũ quét tại xã Xuân Minh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang ngày 15-16/9/2022; trận lũ quét ngày 1/10/2009 tại huyện Tu Mơ Rông và một phần các huyện Ðắk Glei, Ðắk Tô, Kon Rẫy (Kon Tum).
Trượt lở hàng loạt không phải là hiện tượng thiên tai mới, mà do hạn chế về cách tiếp cận cho nên chúng ta hiện chưa có các nghiên cứu sâu. Trước mức độ thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của các trận lũ có nguyên nhân từ hàng trăm khối trượt lở, đặt ra yêu cầu cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhà quản lý và công tác nghiên cứu cảnh báo, dự báo. “Lâu nay, các nhà khoa học về địa chất hay các ngành giao thông, xây dựng chỉ tiếp cận từng khối trượt, nghiên cứu bề mặt khối trượt bị phá hủy thế nào, mất cân bằng ra sao và biện pháp phòng, chống nó là gì, cho nên chưa thấy được mức độ nguy hiểm thật sự của hiện tượng thiên tai này. Ðã đến lúc cần nhấn mạnh cho chính quyền địa phương biết để sắp xếp lại dân cư, hệ thống giao thông, tổ chức hoạt động sản xuất và công tác cảnh báo phù hợp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh cho biết. Ðồng thời, ông mong muốn sau mỗi trận lũ quét, cần chụp lại hình ảnh trượt lở ở sườn núi, để đánh giá căn nguyên của thiệt hại.
Từ đòi hỏi của thực tiễn đó, các nhà khoa học của Viện Ðịa chất đang bắt đầu nghiên cứu hiện tượng trượt lở hàng loạt theo hướng xác định địa phương nào thường xảy ra, điều kiện địa hình, lượng mưa, kiểu mưa nào dẫn đến hiện tượng thiên tai này. Bên cạnh đó, nghiên cứu các địa hình tương tự nơi đã xảy ra lũ quét lịch sử để có những cảnh báo, dự báo cho các vùng tương tự đó.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thành, Viện Ðịa chất, để góp phần giảm thiệt hại do lũ quét, các nhà khoa học cần nghiên cứu tính chu kỳ và sự dịch chuyển lũ quét từ miền núi phía bắc đến miền núi phía nam. Tiến sĩ Thành cho biết, các loại thiên tai do nội sinh như động đất có tính chu kỳ, thường kéo dài hàng chục, thậm chí hàng trăm năm và con người dựa vào chu kỳ đó để cảnh báo động đất.
Các loại thiên tai như trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá là tai biến ngoại sinh cũng có tính chất chu kỳ, nhưng ngắn hơn, khoảng từ 5 đến 10 năm. Tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đã xảy ra lũ quét vào tháng 7/2017 và trận lũ quét ngày 2/10 vừa qua có thể là chu kỳ lặp lại. Hoặc trận lũ kinh hoàng tại Mù Cang Chải (Yên Bái) vào tháng 7/2017 nhưng đến nay chu kỳ chưa lặp lại.
Giải thích tính chu kỳ của trượt lở và lũ quét, các nhà khoa học cho rằng, đất, đá trên sườn đồi sau khi đã trượt lở phải có đủ thời gian để lớp đất, đá còn lại bị phong hóa, chịu tác động của nắng, mưa, nhiệt độ để yếu dần, và khi gặp các tác nhân bên ngoài như mưa lớn sẽ dẫn đến trượt lở, lũ quét. Tìm ra chu kỳ sẽ giúp cho người dân giảm thiệt hại, nhất là khi nắm được chu kỳ thì sẽ có biện pháp phòng trừ, chuẩn bị trước để ứng phó thiên tai.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Quốc Cường, Viện Ðịa chất, nghiên cứu chu kỳ phải đánh giá được khu vực trượt lở đã trượt lở triệt để chưa, vì thực tế có nơi vẫn bị trượt lở liên tiếp qua các năm. Và để đánh giá được chu kỳ, cần có thời gian đủ dài để kiểm chứng. Do vậy, xây dựng cơ sở dữ liệu về tai biến trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá một cách chi tiết và chính xác là việc rất quan trọng. Bộ dữ liệu này sẽ hỗ trợ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá và đóng góp quan trọng cho các nghiên cứu chuyên sâu.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thành cũng cho rằng, theo dõi bước đầu cho thấy, những tháng đầu của mùa mưa (tháng 5, 6, 7) ở các tỉnh miền núi phía bắc thường xảy ra trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá, sau đó, lùi dần về phía bắc Tây Nguyên và Nam Trung Bộ vào tháng 8, 9, 10. Nguyên nhân do gió mùa đông bắc thổi lượng mưa dần xuống phía nam, bão di chuyển về phía nam, sau bão là những đợt mưa lớn khiến độ kết dính của đất yếu đi. Mưa lớn là tác nhân gây nên trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá, phá lở bờ biển, bờ sông. Vì vậy, cần có nghiên cứu sâu về khu vực, thời gian xảy ra trượt lở, lũ quét, cũng như hiện tượng, quy mô để góp phần dự báo.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh công tác cảnh báo trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, các công trình phòng, chống trượt lở trong khu dân cư, công trình chống lũ quét, lũ bùn đá chưa đáp ứng được ngay mọi yêu cầu, các nhà khoa học cần có thêm những phương pháp, cách tiếp cận nghiên cứu mới để có thể dự báo, góp phần giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do trượt lở, lũ quét gây ra.