Các đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo); Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo, chủ trì Hội thảo.
Gần 100 đại biểu tham dự Hội thảo gồm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Tổ Biên tập xây dựng báo cáo chuyên đề.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ: Qua 40 năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm gần đây, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, tạo bước tiến mới cả về nhận thức, lý luận, cả về công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào Báo cáo chuyên đề về tổng kết một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới nhằm nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo, làm cơ sở để tham mưu, đề xuất những nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, nội dung của Báo cáo chuyên đề rất rộng, rất lớn, đề nghị các đại biểu trao đổi, góp ý thẳng thắn, ngắn gọn, tập trung luận giải rõ, sâu sắc, khoa học những vấn đề lý luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng qua 40 năm đổi mới.
Nhất là, làm rõ những bước tiến mới, sáng tạo về nhận thức, tư duy lý luận của Đảng đối với công tác này. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta là gì? Đây là vấn đề được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm, nhiều lần chỉ đạo phải nghiên cứu, xây dựng cho được hệ thống lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo. |
Những thành tựu, kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra trong dự thảo Báo cáo đã đầy đủ, toàn diện chưa? Những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay là gì? Nhất là những vấn đề đặt ra qua xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, nghiêm trọng vừa qua?
Vì sao, vừa qua chúng ta chống tham nhũng quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận? Tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ sai, không dám làm?
Về mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng? Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc? Về kiểm soát tài sản toàn xã hội? Những yếu tố và giải pháp đột phá nào để bảo đảm sự đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “bốn không” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Kinh nghiệm quốc tế có thể vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam…
Tại hội thảo, với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm cao, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến làm sâu sắc hơn các nội dung trong Dự thảo báo cáo, như: Đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay; nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung giải quyết để đạt được “bốn không” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; những vấn đề đặt ra đối với công tác kỷ luật Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiến nghị đề xuất công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp; công tác thu hồi tài sản tham nhũng.