Đó là nội dung chính được chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu danh nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Viện Nghiên cứu Danh nhân tổ chức sáng nay (26/2) tại Hà Nội.
Danh nhân, theo nghĩa chung nhất, là thuật ngữ chỉ những người nổi tiếng, có tài năng đặc biệt xuất sắc và có đạo đức, phẩm hạnh cao quý. Họ có tầm ảnh hưởng rộng lớn và lâu bền, vượt qua thử thách của thời gian.
Xét về mức độ, phạm vi ảnh hưởng, có thể chia thành danh nhân của dân tộc và danh nhân mang tầm vóc thế giới. Trong hàng ngũ danh nhân thế giới, Việt Nam đã có những đóng góp đáng tự hào với tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu.
Nghiên cứu danh nhân, trước hết là nghiên cứu một con người cụ thể với những năng lực, phẩm chất sáng tạo riêng, tạo nên những cống hiến của chính bản thân họ thông qua hoạt động và sự nghiệp.
Quá trình nghiên cứu này sẽ đi sâu tìm hiểu tác động ảnh hưởng của danh nhân đối với đời sống xã hội, đặc biệt là các bài học rút ra từ cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân; các tấm gương về đạo đức, nhân cách, lối sống, về sự đam mê nghiên cứu, sự tâm huyết cống hiến cho dân, cho nước.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Danh nhân, thì nghị lực vượt khó để thành công trong sự nghiệp của các danh nhân cần được chú trọng trong giáo dục ở hệ thống nhà trường để thế hệ trẻ biết, nắm bắt những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và hình thành lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm noi gương các bậc tiền bối, phát huy các giá trị tinh thần, các di sản văn hóa, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển, khát vọng cống hiến trong sự nghiệp đổi mới đương đại.
“Hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân, hiểu rõ những cống hiến cũng như các bài học từ tấm gương của họ là điều cần thiết để xây dựng một phông văn hóa, tiềm lực tư tưởng, văn hóa của mỗi cá nhân đến cộng đồng xã hội”- Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo khẳng định.
Trong xu thế chuyển đổi sang nền kinh tế số, xã hội số, công dân số ở kỷ nguyên số… từ trẻ em đến người lớn, từ các học giả tri thức, các nhà lãnh đạo, quản lý; cho tới mọi người dân đều cần có sự hiểu biết, cảm thụ của con người hiện đại về các hiền triết từ thời cổ đại cho đến những tinh hoa tư tưởng hiện đại. Tri thức về danh nhân, hoạt động học tập và noi gương danh nhân làm cho con người sống và trưởng thành trong môi trường văn hóa.
Về các phương pháp nghiên cứu danh nhân, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo khẳng định: cần kết hợp nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành và đa ngành, trong đó nghiên cứu triết học, lịch sử và văn hóa cần được coi trọng. Ông nhấn mạnh đối tượng thụ hưởng kết quả nghiên cứu này cần đặc biệt chú trọng tới thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên; cần xây dựng môi trường học đường để khơi dậy nhu cầu tìm hiểu, học tập noi gương danh nhân cho các thế hệ học sinh.
“Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tìm hiểu, học tập các danh nhân là một trong những phương hướng, giải pháp giáo dục để hoàn thiện nhân cách cho họ trong kỷ nguyên số hiện nay”- Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo chia sẻ.