Nghiêm túc, hiệu quả hơn từ việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật

Công việc trôi chảy hơn, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đã được nâng lên rõ rệt. Đó là kết quả có được sau một năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Cán bộ bộ phận "một cửa" Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai hướng dẫn người dân làm thủ tục. (Ảnh THÁI SAN)
Cán bộ bộ phận "một cửa" Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai hướng dẫn người dân làm thủ tục. (Ảnh THÁI SAN)

Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, sau một năm thực hiện Chỉ thị số 24, công tác xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ đạt được nhiều kết quả quan trọng, tổ chức bộ máy của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội được củng cố, kiện toàn theo hướng "một việc do một cơ quan đảm nhiệm", bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm. Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập năm Đoàn kiểm tra trực tiếp đối với 10 tổ chức đảng, 14 cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng thời yêu cầu các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy các sở còn lại thực hiện tự kiểm tra và báo cáo kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24. Cấp ủy, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra cấp huyện, cấp xã và tương đương đã thực hiện tổng số 1.520 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 3.313 tổ chức, cá nhân; qua đó phát hiện 873 tổ chức, cá nhân có vi phạm và đã xử lý 368 tổ chức, cá nhân.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy có nhiều đổi mới, lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những việc lớn, việc khó, phức tạp. Qua đó, đã tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần quyết liệt, sâu sát từ thành phố tới cơ sở, tạo động lực trong toàn hệ thống thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố và địa phương, đơn vị.

Việc triển khai Chỉ thị số 24 cũng đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ, phát động các phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, xây dựng và triển khai nhiều mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa đã chỉ đạo xây dựng bảng biểu chi tiết 12 nội dung kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên tất cả các lĩnh vực: Quản lý nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, phát triển kinh tế, xây dựng Đảng… để làm tiêu chí đánh giá đối với người đứng đầu, lãnh đạo quản lý các cơ quan, đơn vị. Huyện cũng đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát công vụ đối với tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; qua đó, 100% các thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, không xảy ra chậm, muộn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cũng cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng lấy kết quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ làm căn cứ để đánh giá tập thể, cán bộ. Huyện cũng đã điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với sáu đồng chí, trong đó cho thôi làm nhiệm vụ đối với hai Chủ tịch Ủy ban nhân dân, bố trí công tác khác với bốn Bí thư Đảng ủy xã.

Trong khi đó, tại quận Hoàng Mai, Chỉ thị số 24 đã tạo ra cơ chế giám sát và kiểm tra thường xuyên, giúp kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về kỷ cương, kỷ luật trong quá trình giải quyết công việc. Nhiều vụ việc phức tạp đã được xử lý dứt điểm như trong lĩnh vực: Giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng… "Chỉ thị số 24-CT/TU đã tạo sức ép tích cực, một số cán bộ lãnh đạo đơn vị (phòng, phường) tự nhận rõ về năng lực, trách nhiệm của mình, đã làm đơn xin thôi nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý", Thường trực Quận ủy Hoàng Mai thông tin.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế; đó là việc rà soát, bổ sung quy chế làm việc có nơi chưa kịp thời, việc xây dựng chương trình công tác tại một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, dàn trải; năng lực thực tế của một số ít cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; việc phân công, điều động, thay thế, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ có lúc chưa đúng chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường...

Thời gian tới, Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 24, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện vi phạm Chỉ thị số 24.

Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy-Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân thành phố với các quận, huyện, thị xã mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh yêu cầu các địa phương phải quán triệt 25 biểu hiện nêu trong Chỉ thị số 24, gắn với đánh giá cán bộ để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính. Thành ủy tiếp tục cụ thể hóa quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cho sự phát triển của Thủ đô.