Sống trong tình yêu thương của những “người thầy”, “người bố” quân hàm xanh, các em dần trưởng thành, học tập ngày càng tiến bộ.
Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr (huyện Chư Prông) tất bật chuẩn bị sách vở, quần áo để em Ksor Nương (làng Klă, xã Ia Mơr, Chư Prông) nhập học tại Trường trung học cơ sở dân tộc nội trú huyện.
Nương là một trong nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không nơi nương tựa được Đồn Biên phòng Ia Mơr nhận làm con nuôi.
“Em ở với các bố được 5 năm rồi. Hằng ngày, em được các bố chăm lo từng bữa ăn, chỉ bảo cách sống, sinh hoạt; buổi tối các bố hướng dẫn học bài. Giờ em chuẩn bị lên huyện học. Em rất biết ơn các bố và cũng là những người thầy dạy em khôn lớn”, Nương tâm sự.
Đại úy Ngô Văn Hữu, Đội phó Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Mơr, chia sẻ:
“Ngoài Ksor Nương là con nuôi của đơn vị, đồn còn nhận nâng bước cho em tới trường ba em khác. Thuyết phục các em đến trường đã là việc khó, nhưng bảo đảm các em chuyên cần đến lớp hằng ngày càng khó hơn. Cắt tóc, tắm giặt, khâu quần áo, kèm cặp các em học bài là công việc mỗi ngày, là trách nhiệm của chúng tôi”.
Cùng hoàn cảnh như Ksor Nương, cuộc sống của Ksor Chơnh (sinh năm 2008, làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) đã thay đổi nhiều nhờ vào sự tận tình, thương yêu của những người bố biên phòng.
Năm 2013, bố ruột của Ksor Chơnh qua đời sau một cơn bạo bệnh. Một năm sau, mẹ em cũng ra đi để lại bốn đứa con gái côi cút trong căn nhà xập xệ. Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, khi các chị lớn lần lượt lấy chồng, con đường tới trường của Chơnh càng thêm gập ghềnh.
Năm 2019, Đồn Biên phòng Ia O nhận em làm con nuôi.
“Khi được nhận về nuôi, em rất vui vì được chăm sóc, dạy bảo tận tình. Sống ở đây, em học được nhiều thứ, từ cách ăn ở, xếp chăn màn đến việc dọn dẹp nhà cửa, phụ nấu cơm. Đặc biệt, em được các bố chuẩn bị đầy đủ quần áo, sách vở để tới trường cùng các bạn. Hằng ngày, các bố thay nhau chỉ em học bài, trò chuyện và hướng dẫn em làm một số việc”, Chơnh xúc động nói.
Là người trực tiếp dạy học cho Chơnh, Trung úy Siu Thương, cán bộ Đội công tác địa bàn cho biết: “Khi mới được nhận về làm con nuôi, Chơnh rất rụt rè, ít nói.
Vì thế, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên trò chuyện, chia sẻ để em quen với môi trường mới.
Hằng ngày, khi Chơnh đi học về, chúng tôi hướng dẫn em chơi thể thao, các trò chơi dân gian. Dần dần, em vui vẻ, hòa nhập với cuộc sống mới, thành tích học tập cũng tốt hơn.
Còn Đại úy Nguyễn Viết Hoàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia O thì chia sẻ:
Bên cạnh việc nhận Chơnh làm con nuôi, đơn vị còn hỗ trợ toàn diện cho hai cháu trong chương trình “Nâng bước em đến trường”. Mỗi tháng, đơn vị hỗ trợ hơn 4,5 triệu đồng.
“Đối với em Ksor Chơnh do mồ côi cha mẹ từ sớm nên chúng tôi muốn bù đắp cho em những gì tốt nhất. Sau này, khi lên bậc trung học phổ thông, em phải đi học xa, đơn vị không thể nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” để giúp Chơnh hoàn thành ước mơ của mình, sau này có một công việc và cuộc sống ổn định”.
Tại Đội công tác địa bàn thuộc Đồn Biên phòng quốc tế Cửa khẩu Lệ Thanh (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) ngoài nhận nuôi, ăn ở tại chỗ hai cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ mất sớm không nơi nương tựa là Nguyễn Quốc Tĩnh ở làng Mook Trêl và Lê Đại Vỹ ở làng Mook Đen 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) từ nhiều năm nay, Đội còn duy trì bếp ăn tình thương nuôi ăn cho 12 cháu mồ côi tuổi từ 8 đến 16 tuổi không nơi nương tựa.
Đây là các cháu do nhà ở khá xa, đi lại khó khăn nên đội đã vận động gia đình sau khi học xong sẽ cho các cháu về lại đội ăn uống, ngủ nghỉ...
Từ khi có “Bếp ăn tình thương” và nhận nuôi hai cháu, cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác địa bàn Ia Dom cũng bận rộn hơn. Ngoài những công việc thường nhật đi xuống địa bàn, nắm bắt tình hình... các anh còn phân công nhau và dành thời gian quan tâm, chăm sóc các cháu.
Trung úy Rơ Châm Tuyn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, chia sẻ: “Tuy có bận rộn hơn, nhưng anh em chúng tôi luôn dành thời gian quan tâm, chăm lo các cháu. Các cháu đang tuổi lớn, tuổi nghịch nên cần hướng dẫn, nhắc nhở thường xuyên. Đơn vị cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm việc học của từng cháu để có hướng giúp đỡ, điều chỉnh. Rất mừng là các cháu đều ngoan, biết nghe lời và học lực đều tốt”…
Đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết, những năm qua, chỉ riêng chương trình “Nâng bước em đến trường”, Bộ đội Biên phòng Gia Lai đã hỗ trợ cho 52 học sinh với kinh phí hơn 320 triệu đồng; duy trì “Bếp ăn tình thương” với 15 cháu tuổi từ 8 đến 16 tuổi; nhận nuôi 12 cháu mồ côi, không nơi nương tựa...
Toàn bộ kinh phí do cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng biên phòng Gia Lai trích đóng góp từ lương.
“Đứng chân trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn xác định phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc là anh em ruột thịt”, vì lẽ đó, việc của dân cũng là nhiệm vụ chính trị chung của biên phòng. Những việc làm nêu trên được xem như nghĩa cử của người lính biên phòng đáp lại sự cưu mang, đùm bọc và hỗ trợ hợp tác của các cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong công tác giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia và vì sự bình yên của nhân dân Gia Lai”, Đại tá Trần Tiến Hải chia sẻ.