Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2022:

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành và câu chuyện về Hai người lính

NDO - Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Chu Chí Thành được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2022 với tác phẩm “Hai người lính” gồm 4 bức ảnh: "Tay bắt mặt mừng", "Hai người lính", "Cầu Quảng Trị" và "Những bàn tay lưu luyến". Với cá nhân ông, đây cũng là những bức ảnh đặc biệt, thể hiện khát vọng hòa bình, hòa hợp, ước mơ thống nhất non sông và tinh thần nhân văn sâu sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành chia sẻ về "Ký ức chiến tranh" không thể quên của mình. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành chia sẻ về "Ký ức chiến tranh" không thể quên của mình. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Từ chuyện “Hai người lính” bên giới tuyến

Trong ngôi nhà rợp bóng mát trên phố Minh Khai (Hà Nội), nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành ngồi lặng im bên ô cửa nhỏ. Trên bàn làm việc đã xếp đầy những bức ảnh được chụp suốt những tháng ngày ông rong ruổi khắp các miền đất nước, mỗi tấm lại ẩn chứa một câu chuyện riêng đầy trắc ẩn.

Với tay lấy bộ ảnh "Hai người lính", người nghệ sĩ lão thành bắt đầu kể: Bộ ảnh gồm 4 bức, “Tay bắt mặt mừng” với hình ảnh một nhóm người gồm quân Giải phóng, nữ du kích và lính quân đội Cộng hòa vui vẻ, tươi cười bắt tay nhau. “Hai người lính” là hình ảnh chiến sĩ quân Giải phóng Nguyễn Huy Tạo và anh lính Cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa khoác vai nhau. “Cầu Quảng Trị” ghi lại khoảnh khắc cây cầu đổ nát, nơi từng là giới tuyến lửa khốc liệt của hai miền. Bức cuối mang tên “Những bàn tay lưu luyến” là hình ảnh những người lính Sài Gòn được trả tự do và các chiến sĩ Giải phóng lưu luyến vẫy tay chào nhau trên sông Thạch Hãn.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành và câu chuyện về Hai người lính ảnh 1

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành với bức ảnh chụp thời khắc lịch sử bên dòng sông Thạch Hãn năm 1973. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Lần theo từng bức ảnh chụp, dòng hồi ức bất chợt ùa về, khiến tay ông run lên. Năm 1966, khi vừa học hết năm ba tại Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, chàng trai trẻ Chu Chí Thành được lựa chọn để đi chiến trường miền nam. Mang theo niềm tin phơi phới vào hòa bình và độc lập, ông khoác balo trên vai rồi theo xe của Thông tấn xã Việt Nam tới Hà Tây để học lớp thông tin báo chí.

“Khi ấy, tôi phải lựa chọn giữa việc trở thành phóng viên viết hoặc phóng viên ảnh. Vốn là sinh viên Khoa Văn, tôi lại nghĩ: Nếu có máy ảnh trong tay, mình có thể ghi lại những hình ảnh vô cùng sinh động. Đó chính là kho tư liệu quý giá, giúp các nhà báo rất nhiều trong công tác thông tin và có giá trị lâu dài”, nhà báo lão thành nhớ lại.

Cũng từ đó, chiếc máy ảnh trở thành vật bất ly thân của ông. Cuối năm 1967, ông được phân công về tổ ảnh quân sự của Thông tấn xã Việt Nam, bắt đầu hành trình ghi lại những khoảnh khắc mà về sau ông tự gọi là Ký ức chiến tranh.

Từ Hà Nội đau thương mà anh hùng trong 12 ngày đêm lịch sử, đến mảnh đất lửa Quảng Bình, Quảng Trị, nơi đâu, Chu Chí Thành cũng có mặt. Sống và chết đôi lúc chỉ cách nhau một nhịp bom rơi, một làn đạn lạc.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành và câu chuyện về Hai người lính ảnh 2

Với nghệ sĩ Chu Chí Thành, mỗi khoảnh khắc được lưu giữ trong ảnh lại là một câu chuyện riêng đầy ẩn ức. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Năm 1973, Chu Chí Thành được cử vào Quảng Trị để theo dõi sự kiện trao trả tù binh sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Trong khi chờ đợi sự kiện chính thức diễn ra, tay máy trẻ thường tranh thủ đến các vùng giáp ranh để đi thực tế.

Một ngày cuối tháng ba, ông đến chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Tại đây, chàng phóng viên trẻ tận mắt chứng kiến cảnh những người lính hai bên giới tuyến ngồi lại, cùng uống nước, hút thuốc và nói với nhau những câu chuyện hằng ngày. Trong thời khắc đó, ông mơ hồ nhận thấy khát vọng hòa bình, thống nhất non sông đang ánh lên trong từng ánh mắt, nụ cười của những người lính chiến. Dẫu ở phía nào, ước mơ ấy vẫn rất đáng trân trọng.

“Khi ấy, tôi đã thấy một thời khắc đặc biệt. Dường như, họ không còn là những đối thủ trên chiến trường nữa mà hóa thành bè bạn. Trong không khí đó, một anh lính Sài Gòn đã khoác vai một chiến sĩ giải phóng và đề nghị: Anh chụp cho chúng em một kiểu ảnh nhé”, nghệ sĩ nhiếp ảnh hồi tưởng.

Thoáng chút ngỡ ngàng, Chu Chí Thành ngay lập tức đưa máy lên chụp. Và bức ảnh mang tên “Hai người lính” ra đời, rồi trở thành một lời “tiên tri” cho ngày thống nhất, toàn vẹn non sông 2 năm về sau.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành và câu chuyện về Hai người lính ảnh 3

Bức ảnh lịch sử mang tên Hai người lính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành. (Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành)

“Nếu không có quân phục, họ sẽ trông không khác gì những người bạn đồng trang lứa. Vào thời khắc đó, tôi đã nghĩ, hình ảnh này chính là biểu tượng của khát vọng hòa bình. Ngày Bắc-Nam sum họp một nhà có lẽ đã rất gần rồi”, ông rưng rưng kể lại.

Cũng trong ngày đặc biệt ấy, các bức “Tay bắt mặt mừng” cũng được “khai sinh”. Bức “Những bàn tay lưu luyến” được ông chụp trong sự kiện trao trả tù binh năm 1973 cũng tại Quảng Trị. Bức cuối cùng mang tên “Cầu Quảng Trị” mang tính khái quát hơn khi ghi lại bối cảnh chung diễn ra các sự kiện nói trên. Cây cầu như một dấu gạch nối dài giữa quá khứ thương đau, hiện tại và niềm tin vào tương lai hòa hợp khi những người ở hai đầu chiến tuyến xích lại gần nhau.

… đến Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật

Trong những ngày tháng năm lịch sử, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã đón nhận niềm vui lớn khi ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật với tác phẩm "Hai người lính".

Chia sẻ với phóng viên, nhà báo lão thành cho hay, bộ ảnh đã nói lên tình cảm nhân văn, tinh thần độ lượng của người Việt Nam. Đây cũng chính là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta dập tắt chiến tranh, làm nên chiến thắng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành và câu chuyện về Hai người lính ảnh 4

Bức ảnh "Tay bắt mặt mừng" trong bộ ảnh "Hai người lính" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành)

Nói thêm về tác phẩm “Hai người lính”, ông cho biết thêm, vào thời điểm ra đời, bức ảnh này từng không được phát hành bởi khi ấy nội dung tấm hình khá nhạy cảm, có thể bị các lực lượng thù địch xuyên tạc, bóp méo, ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh cách mạng.

Hết đợt công tác, ông xin lại bức ảnh rồi cẩn thận lưu giữ trong bộ sưu tập cá nhân của mình. Phải tới tận năm 2007, khi tổ chức triển lãm “những thời khắc không quên” tại Hà Nội và triển lãm “Ký ức chiến tranh” tại thành phố Hồ Chí Minh, “Hai người lính” mới được giới thiệu rộng rãi trước công chúng.

Gần như ngay lập tức, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn bởi tính nhân văn và giá trị đặc biệt của khoảnh khắc.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành và câu chuyện về Hai người lính ảnh 5

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành trầm tư bên cuốn sách ảnh Ký ức chiến tranh của mình.

Cũng vào thời điểm này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành bắt đầu hành trình tìm lại 2 nhân vật lịch sử trong bức ảnh của mình.

Nhờ sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp và cộng đồng, tới năm 2015, chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo đã xuất hiện. 2 năm sau, vượt qua những mặc cảm, người lính “bên kia giới tuyến” Bùi Trọng Nghĩa cũng lên tiếng. Tới năm 2018, tác giả bức ảnh và cả hai nhân vật lần đầu tiên hội ngộ trong dịp kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2018).

“Có lẽ, chính cái kết đẹp ấy đã thôi thúc tôi làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2022”, nhà báo lão thành Chu Chí Thành nói.

Chia sẻ thêm về cảm xúc của mình, ông cho hay, bản thân vô cùng xúc động và hạnh phúc khi được nhận giải thưởng cao quý; đồng thời vui mừng vì bộ ảnh đã góp phần nói lên thông điệp về hòa bình, hòa hợp; qua đó lan tỏa giá trị của Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là giải thưởng và vinh dự lớn lao nhất trong cuộc đời làm báo của người nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành.

Nhà báo Chu Chí Thành sinh năm 1944 tại Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp ngành Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông trở thành phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam từ năm 1967. Năm 1980, ông tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí ở Trường Đại học Tổng hợp Karl Marx ở Leipzig (Cộng hòa Dân chủ Đức). Ông từng là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng Ban biên tập Ảnh (Thông tấn xã Việt Nam).

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành và câu chuyện về Hai người lính ảnh 6

Với nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là một dấu mốc quan trọng trong suốt cuộc đời cầm máy của ông. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Năm 2012, nhà báo Chu Chí Thành từng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2012) với cụm tác phẩm “Từ ngục tối thắng lợi trở về”, gồm 4 bức ảnh: “Thoát khỏi ngục tù”, “Nghẹn ngào đón mừng các chiến sỹ thắng lợi trở về”, “Hạnh phúc của những người chiến thắng” và “Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng”. Bộ ảnh ghi lại hình ảnh về sự kiện trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn năm 1973 những ngày đầu thi hành Hiệp định Paris.

Năm 2023, tròn 50 năm sau khi tác phẩm ảnh “Hai người lính” ra đời, Nhà báo Chu Chí Thành, tác giả bức ảnh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh-Giải thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước về văn học nghệ thuật.