Nhớ và nghĩ về hai tiếng "giải phóng"

Chao ôi! Mới đấy mà đã 48 năm! Bốn mươi tám năm kể từ 30/4/1975, cái ngày kỳ vĩ, kỳ lạ, khác biệt nhất trong đời ấy! Thế hệ tôi là thế hệ 5X, thế hệ đã cùng cả dân tộc đi trên con đường trường chinh qua những ly biệt, những chết chóc đau thương vô kể để đến được ngày 30/4/1975, Ngày Toàn thắng.
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, hàng chục vạn người dân Thủ đô Hà Nội đã đổ ra đường mừng ngày thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu
Sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, hàng chục vạn người dân Thủ đô Hà Nội đã đổ ra đường mừng ngày thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Ngày ấy, đơn vị tôi vừa hành quân, vừa chiến đấu. Chúng tôi đang tiếp quản sân bay P., thì nghe tin Sài Gòn giải phóng, Bùi Quang Thận đã cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập. Ôi, Sài Gòn giải phóng! Đã bao năm Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó/ Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về…

Vẫn đinh ninh vào chiến thắng từ những ngày đầu nhập ngũ; vẫn đinh ninh "giải phóng" khi cùng các cánh quân như sóng triều ào ạt tiến lên trong bước chân thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong giây phút ấy, vẫn bàng hoàng, không tin nổi. Tất cả hỏi nhau. Cả Chính trị viên đại đội cũng phải hỏi lại chiến sĩ. Cho đến khi chắc đúng rồi, cả đơn vị vỡ òa sung sướng, như hóa điên. Đứa nào cầm cái gì trên tay cũng tung lên trời. Rồi ôm nhau bật khóc…

Đến lúc ấy và sau này nghĩ lại, tôi mới hiểu được tâm trạng của nhà thơ Tố Hữu khi Huế giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám:

Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!

Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi

Cổ ta réo trăm trận cười, trận khóc!

Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc

Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta?

Ta hát huyên thiên, ta chạy khắp nhà

Ai dám cấm ta say, say thần thánh?

Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh

Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời…

Thế hệ chúng tôi chỉ vang lên hai từ của bài ca giải phóng. Từ "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về" đến "Giải phóng miền nam chúng ta cùng quyết tiến bước"… Thế hệ chống Mỹ, cứu nước có chung "đức tin".

Họ có đức tin vì có trải nghiệm lịch sử bằng xương máu. Họ tự tin ở mình. Họ có niềm tin không gì lay chuyển nổi vào Đảng, vào Bác Hồ. Họ tin và kiên cường chiến đấu cho con đường độc lập dân tộc ấm no, hạnh phúc chứ không phải trở về thời người bóc lột người. Và phần lớn họ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc. Một phần nữa, sau chiến tranh, họ lại trở về với ruộng đồng, hoặc phấn đấu làm kỹ sư, bác sĩ, hoặc bảo vệ, lao công…, đều sống cuộc đời bình thường, giản dị và cũng chẳng còn nhiều nữa trong số 100 triệu dân hiện nay.

Đã từng có một số "học giả", một số người trong giới trẻ hiện nay cho rằng, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ là không cần thiết, là sai lầm vì "nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn". Không, ngàn lần không! Không kể bọn phản động, làm sao có thể phũ với sự hy sinh của cha anh đến như vậy?

Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi từng nói: "Còn thằng Mỹ thì không ai có hạnh phúc nổi cả". Vì thế, "hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi" là một chân lý, một lẽ sống của người Việt Nam yêu nước. Thế hệ trước đã làm như vậy. Người kháng chiến không cần ai chiêu tuyết. Họ đã "vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng". Người nào, thời đại nào nhận thức sai lầm, người ấy, thời đại ấy phải trả giá cho chính sai lầm đó.

Không phải chỉ từ ngày có Đảng! Không phải chỉ có hai cuộc kháng chiến gần đây! Mà chính là cả dân tộc đã nếm mật, nằm gai, lệ đổ máu rơi hàng nghìn năm nay để đi đến ngày 30/4/1975, đi đến sự thống nhất non sông toàn vẹn, đến một nền hòa bình quý báu và vô giá hiện nay. Nếu điều này không được nhắc lại, nhắc lại mãi để ghi vào tâm khảm, thì trên đời này chẳng còn điều gì đáng nói, dân tộc ta chẳng phải là dân tộc của những người biết uống nước nhớ nguồn. Nhân nói về lịch sử, tôi cũng muốn nói lại đôi điều về luận điệu cho rằng, sau thắng đế quốc Mỹ, Việt Nam đã say sưa với chiến thắng, ngủ quên trên chiến thắng.

Có thể có ở đâu đó, với ai đó còn mơ hồ, phiến diện, nhưng với Ngô Sỹ Nguyên, chiến sĩ xe tăng 390 tiến vào Dinh Độc lập trong ngày 30/4/1975, cũng như tôi và nhiều đồng đội khác, còn phải tiếp tục tham gia chiến đấu trong hai cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, thì không phải vậy. Anh Nguyên chuyển ngành về làm công nhân bốc vác ở cảng Phà Đen và nhiều nghề khác để kiếm sống, nuôi con; các con lại tiếp bước theo cha vào bộ đội. Thế là ngủ quên chăng?

Sau chiến tranh, nước ta bị cấm vận tới 19, 20 năm. Cả nước đã kiệt quệ trong chiến tranh, lại bĩ cực vì cấm vận. Không thể mất nước vì giặc, càng không thể chết vì đói, luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" (Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Báo Cứu Quốc, ngày 17/10/1945), Tổng Bí thư Lê Duẩn, kiến trúc sư của kháng chiến lại lãnh đạo nhân dân bước vào trận mới. Nghị quyết Đại hội IV nghiêm khắc nhìn nhận những yếu kém trong kinh tế, đặt ra vấn đề lo cái ăn, cái ở, cái mặc cho nhân dân lên hàng đầu với mục tiêu năm 1980 phấn đấu đạt 21 triệu tấn lương thực, một triệu tấn cá biển, 450 triệu mét vải, 14 triệu mét vuông nhà ở (không kể phần nhân dân tự làm). Để tăng năng suất lao động, tăng sản phẩm xã hội, đặc biệt trong nông nghiệp, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa IV, với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật và tha thiết với lợi ích của nhân dân, Tổng Bí thư Lê Duẩn phân tích nhiều chủ trương, chính sách của Đảng là chủ quan, nóng vội, thiếu căn cứ thực tiễn; thừa nhận sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế; cho phép các xã viên "mượn đất" sản xuất, tức là trở lại mục tiêu ban đầu của cách mạng: Trả ruộng đất cho dân cày. Hội nghị ra Nghị quyết 20 ngày 20/9/1979, một nghị quyết lịch sử, mở đường cho khoán 100, khoán 10, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ sau này. Đó là lịch sử. Và cách mạng Việt Nam luôn tỉnh thức, chưa giờ phút nào ngủ quên trên chiến thắng hay ảo tưởng. Chỉ luôn có kẻ lợi dụng cách mạng, nói xấu cách mạng mà thôi!

Lại có người chỉ thấy được thành tựu của Đổi mới (và tính từ Đại hội VI, năm 1986), cho "thời bao cấp" là một thứ quái dị. Thật ra, chẳng có thời bao cấp nào cả, chẳng ai bao ai cả. Đó là thời "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". "Quan liêu, bao cấp" chỉ là tên gọi một tính chất trong điều hành kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chủ yếu trong lưu thông - phân phối ở miền bắc, khi nhà nước muốn bảo đảm công bằng, khi còn hăng hái nên khuynh tả, chưa nắm vững hết quy luật kinh tế trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà từ cách điều hành, duy ý chí kéo dài đó sinh ra độc quyền. Còn tính chất thời đại, phải là thời đại xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất Tổ quốc, thời mọi con người đều mang lý tưởng trong sáng, Đảng và dân trong gắn bó máu thịt. Đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại đáng tự hào nhất trong lịch sử dân tộc. Đánh đồng thô thiển thời chống Mỹ, cứu nước là "thời bao cấp" với nghĩa xấu, dần dần, có thể là sự xuyên tạc lịch sử.

Tôi bây giờ vẫn còn thuộc câu đánh giá về sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, về thời đại mà chúng ta đang nói tới trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa III, tại Đại hội IV của Đảng. Không phải là sự thuộc bài, tụng kinh của kẻ cuồng tín, mà là sự tự tin, tự hào của một người góp phần vào sự nghiệp đó: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".

Nếu một người không tự tin, không tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc mình, người đó sẽ làm nên việc gì, sẽ đi về đâu và có ích cho ai?

★★★

Nếu chỉ dừng lại ở ngày 30/4/1975, cũng đã đủ, đã đáng cho một đời sống, không có gì phải xót xa, ân hận. Nhưng may mắn thay, chúng tôi còn được sống và cùng đất nước tiến lên trong sự đổi mới, trong cuộc cách mạng giải phóng mình khỏi những sai lầm, định kiến; được hưởng thụ một đời sống đáng sống trong hòa bình từ sau năm 1990. Khi cây súng rời vai, rất nhiều năm, chúng tôi rơi xuống hố sâu của cuộc sống tối tăm về kinh tế. Đi làm, đồng lương chỉ đủ ăn 10 ngày trong một tháng 30 ngày. Dân nhà quê không nhà cửa, nằm bàn hoặc vạ vật ăn nhờ ở đậu. May còn một đức tin. Mà đức tin ấy cũng có lúc bị thử thách khi nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao phản bội lại lý tưởng.

Tha hóa, rơi vào sự thấp hèn trước dục vọng, trước cám dỗ của vật chất, chức vụ…, là điều có thể đến với mọi người, bởi phần "con" bản năng luôn tồn tại. Ta đã đấu tranh với nó, chống lại nó, khi thua, khi được suốt hàng chục năm trời. Cuộc đấu tranh này mới khốc liệt làm sao! Nhiều đồng đội, nhiều cấp trên, một thời vào sinh ra tử đã rơi ngã một cách đắng cay, chua xót. Và một lần nữa, tự đáy lòng mình, tôi muốn được bày tỏ lòng biết ơn Đảng, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vung lên thanh gươm thần mà Lê Lợi và cha ông cất giữ dưới đáy sâu hồ Hoàn Kiếm để làm trong sạch Đảng, tảo trừ giặc cướp trong đồng ngoài nội; để đức tin được vẹn nguyên, tỏ sáng suốt cả cuộc đời!

Không chỉ thế, chúng tôi được thấy những đổi thay kỳ diệu khi nước ta thành một nước xuất khẩu gạo và sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới. Đói nghèo ơi, thôi nhé, chào mi! Những nhà cao tầng, đô thị ngút trời lấp lánh điện sáng, tấp nập xe cộ từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau; mối quan hệ quốc tế, bang giao rộng lớn, một lớp trẻ tài ba làm việc trong nước và khắp các nước trên thế giới - điều mà không chỉ trước tháng 4/1975, mà ngay cả trước năm 1990, chúng tôi, dù tưởng tượng phong phú đến đâu, cũng không ngờ tới! Nhất là tuổi trẻ. Không phải chúng tôi mà chính tuổi trẻ đã tạo nên cơ đồ hôm nay, tuổi trẻ Việt Nam luôn tiếp bước anh hùng. Đất nước vì thế mà vạn xuân, vạn phúc!.