Với nhà báo - nghệ sĩ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên phóng viên ảnh TTXVN), mỗi khi lần giở những bức ảnh mà ông đã chụp được khi làm nhiệm vụ của người phóng viên chiến trường miền bắc Việt Nam từ năm 1967 đến 1973 thì ký ức lại hiện về một cách rõ nét... Ông nhớ từng bức ảnh được chụp ở đâu, thời điểm nào, có bức ảnh, ông đã phải chạy bộ 5 km để chộp bắt được những hình ảnh sống động của chiến sự - nhưng do khó khăn của chiến trường lúc đó, ông đã không làm cách nào để chuyển ngay được ra cơ quan để phát báo.
Những ký ức chân thật đó Chu Chí Thành mong muốn được chia sẻ với mọi người, đặc biệt là với các bạn trẻ sinh sau 1975 - những người không hề phải ngửi một chút khói thuốc súng nào - biết được hình ảnh thực trong những ngày khói lửa mà đất nước phải trải qua để có được độc lập, tự do, hòa bình.
Năm 2007, Chu Chí Thành quyết định làm triển lãm ảnh cá nhân về những bức ảnh máu lửa của mình giới thiệu với công chúng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, triển lãm mang tên "Những thời khắc không thể quên"; nhưng sau đó, tại TP Hồ Chí Minh, triển lãm đựợc đổi tên thành "Ký ức chiến tranh". Ðể rồi từ đó, cái tên "Ký ức chiến tranh" đã định hình thành cuốn sách ảnh được xuất bản sau đó ba năm.
Những ngày cuối tháng 5-2010, sách ảnh "Ký ức chiến tranh" ra mắt với mong ước giản dị như trong lời tự bạch của ông "Thời gian trôi đi, những gì tôi chứng kiến đã lùi vào dĩ vãng, và ngày mới bình yên đang tỏa sáng trên hai bờ biển Thái Bình Dương. Quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ ngày càng trở nên gần gũi, hiểu biết lẫn nhau hơn. Chính vì vậy chúng ta cần nhìn lại những gì là đau thương, là trái với đạo lý con người để chúng ta ngăn chặn nó, và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn trên trái đất".
Mặc dù theo Chu Chí Thành, các tác phẩm được in trong cuốn sách "là bộ sưu tập các ảnh do tôi chụp trong chiến tranh trên miền bắc Việt Nam từ 1967 đến 1973 được lưu ở kho tư liệu TTXVN và một phần có trong tập ảnh riêng" nhưng nó thật sự là những hình ảnh quý giá, chân thật, là "cuốn sử" sống động nhất hơn bất cứ cuốn sử nào được viết bằng lời về một thời chiến tranh đã qua của đất nước.
Tổng biên tập của tờ báo Roi-tơ nói về cái chết của nhà quay phim người Nhật - Hi-rô Mu-ra-mô-tô, 43 tuổi, làm việc cho Hãng thông tấn Thom-son Roi-tơ tại Tô-ky-ô, đã bị bắn chết trong lúc tác nghiệp ở Băng-cốc ngày 10-4-2010: "Nghề báo có thể cực kỳ nguy hiểm đối với những người đang cố gắng kể lại cho thế giới nghe câu chuyện mà mình tận mắt chứng kiến". Theo tôi, nhận định này không chỉ đúng với các nhà quay phim mà còn đúng với cả các nhà nhiếp ảnh - họ là những người phải đối mặt với chiến trận mới có được những thước phim, bức ảnh chân thật nhất - những tác phẩm được sinh ra từ máu lửa!
Với cách trình bày sách theo tuyến tính của những sự kiện lớn mà tác giả được giao nhiệm vụ thực hiện lúc bấy giờ: "Tuyến lửa khu Bốn", "Hà Nội và Hải Phòng 12 ngày đêm", "Ðường ra tiền tuyến", "Ðội quân không mặc áo lính", "Giên Phôn-đa và bạn bè quốc tế", "Hạnh phúc cho cả hai phía", "Ngày đầu hồi sinh", "Ấn tượng về vị Thủ tướng kính yêu" cùng bài viết giới thiệu ở mỗi phần và chú thích ảnh rõ ràng về sự kiện, con người theo kiểu báo chí và khép lại bằng phần kết "Phóng viên thời chiến" - giới thiệu những kỷ niệm, những lá thư của cha mẹ, người thân yêu, bạn bè... đã theo suốt ông trong những ngày ở chiến trường và mấy chục năm qua mới thấy quý giá và đáng trân trọng biết bao!
Chu Chí Thành đã trân trọng những kỷ niệm, những ký ức để rồi hôm nay mang chúng ra chia sẻ với mọi người một miền ký ức mà ông không bao giờ quên được và không thể quên!
Trong lời tựa cho cuốn sách, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã viết: "Tôi kính trọng sự thành thực của một nghệ sĩ bậc thầy khi đặt vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và tuyên truyền. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cuộc sống đã giúp ta thấy bao nhiêu lời đáp. Và hôm nay, trước mắt tôi lại có thêm một lời giải đáp nữa, đó là tập sách ảnh "Ký ức chiến tranh" của tác giả Chu Chí Thành, một lời đáp sống động và thuyết phục. Người ta có thể tìm thấy ở đây câu trả lời cho biết bao vấn đề về lý luận, nào là nghệ thuật và tuyên truyền, thời sự và vĩnh cửu, nào là hiện thực và sáng tạo, và hơn nữa là chỗ đứng và thế giới tâm hồn của người nghệ sĩ".
Những dòng tâm huyết ấy đã quá đủ để nói về những bức ảnh thời chiến của nhà báo - nghệ sĩ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành.